Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nhà sáng chế" nông dân

09:10, 23/10/2014

Sau nhiều tháng mày mò, ông Lê Công Thành (ngụ ấp Thanh Thọ 1, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) đã chế tạo được chiếc xe tỉa hạt bằng gỗ để thay thế sức lao động.

Sau nhiều tháng mày mò, ông Lê Công Thành (ngụ ấp Thanh Thọ 1, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) đã chế tạo được chiếc xe tỉa hạt bằng gỗ để thay thế sức lao động. Qua thời gian ứng dụng trên đồng ruộng, ông Thành từng bước khắc phục những nhược điểm và cho ra đời chiếc xe tỉa hạt thế hệ thứ ba bằng sắt. Theo nhận xét của nhiều nông dân, chiếc xe tỉa hạt chính là trăm cánh tay giúp nhà nông khi mùa vụ đến.

Ông Lê Công Thành giới thiệu chiếc xe tỉa hạt thế hệ thứ nhất bằng gỗ ngộ nghĩnh.
Ông Lê Công Thành giới thiệu chiếc xe tỉa hạt thế hệ thứ nhất bằng gỗ ngộ nghĩnh.

Tiếng lành đồn xa, chiếc xe tỉa hạt của ông Thành được nông dân trong vùng ứng dụng vào sản xuất. Năm 2011, ông Thành mang sản phẩm dự hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh và đạt giải nhì. Năm 2013, ông tham gia hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật Trung ương và đạt giải nhất. Từ đó, chiếc xe tỉa hạt của ông Thành được nông dân cả nước biết đến và đặt hàng.

* Cuộc đời dở dang…

Tốt nghiệp phổ thông, ông Lê Công Thành (quê tỉnh Thanh Hóa) được tuyển vào học Trường trung cấp cơ khí Hà Bắc. Ra trường, ông tình nguyện nhập ngũ. Trước khi được đơn vị cho đi học lớp sĩ quan chuyên nghiệp, ông Thành được cha gọi vào miền Nam sinh sống nên ông đành bỏ dở giấc mơ binh nghiệp của mình.

Năm 1985 ông theo cha vào Đồng Nai và xin vào làm kế toán cho Công ty xây dựng huyện Tân Phú. Đến năm 1999, huyện Tân Phú chia tách, ông được đơn vị điều về huyện Định Quán công tác. Vì hoàn cảnh gia đình, ông Thành lại một lần nữa viết đơn xin nghỉ việc để làm nông dân, chia sẻ khó khăn với vợ.

Nhìn khu đất trũng rộng trên 1 hécta tại ấp Thanh Thọ 1 quanh năm ngập nước, ông bàn với bà Thu (vợ ông Thành) xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng để phát triển kinh tế gia đình. Được vợ đồng tình, ông cải tạo đất thấp làm ao cá, ruộng lúa, còn đất cao thì nâng nền trồng rau, hoa màu. “Biết tin tôi xin nghỉ làm công chức về làm nông dân, một người bà con của tôi “phán” một câu rằng, tướng tá tôi nếu không bám công chức thì chẳng làm điều gì ra trò để nuôi vợ con. Câu nói đó khiến tôi trằn trọc suy tính phải làm điều gì đó để đủ sức nuôi sống gia đình và để chứng tỏ bản thân” - ông Thành thổ lộ.

Nói là làm, ông Thành bảo vợ bán hết số vàng tích lũy được để ông mở tiệm mộc tại nhà. Không có tay nghề mộc, ông tìm thợ giỏi về làm cho mình. Ông Thành chia sẻ, ông học nghề từ nhóm thợ rất nhanh nên ngoài các mặt hàng: giường, tủ, ghế truyền thống…, ông còn sáng tạo thêm các mẫu mã mới, như: ghế võng, xích đu, giường hộp… nên tiệm mộc của ông ăn nên làm ra. Nhưng chỉ được vài năm thì tiệm mộc của ông cũng đóng cửa vì cấm rừng, nguồn gỗ không còn.

“Năm 1996, khi dẹp tiệm mộc tôi quay sang nuôi gà, vịt. Để nuôi gà, vịt có lãi cao hơn nông dân khác, tôi mày mò nghiên cứu, cải tiến được máy ấp trứng để bán con giống. Công việc đang ngon lành thì xảy ra dịch cúm gia cầm (năm 2005). Trận dịch cúm năm đó khiến vợ chồng tôi thua lỗ trên 200 triệu đồng. Lúc đó, tôi nghĩ lại lời chê của người thân trước đó thấy đúng với hoàn cảnh của mình nên buồn lắm” - ông Thành nói.

* Phải làm cái gì đó…

Hết sạch vốn liếng vì trận cúm gia cầm, ông Thành quay lại công việc chăm sóc mấy sào lúa, ao cá, luống rau để nuôi con ăn học.

Tháng 4-2005, trong lúc đang cùng vợ bỏ hạt giống trong vườn rau của gia đình, ông Thành chợt lóe ra suy nghĩ: “Tại sao mình không tạo ra một cái máy tỉa hạt cho nhanh hơn bỏ bằng tay”.

Nghĩ là làm, ông giả vờ than mệt với vợ rồi vào nhà lấy bút, vở ra phác thảo chiếc máy tỉa hạt theo trí tưởng tượng của mình. “Thấy tôi ngồi thừ trong nhà cả giờ không ra phụ, vợ tôi cất tiếng gọi inh ỏi. Nhưng mặc cho vợ gọi ngoài vườn, tôi vẫn hí hoáy vẽ tới, vẽ lui đến chiều tối vẫn chưa ra hình dáng chiếc máy theo trí tưởng tượng của mình” - ông Thành kể lại.

Ông Lê Công Thành (trái) đang hướng dẫn nông dân trong vùng sử dụng xe tỉa hạt thế hệ thứ ba do ông cải tiến.
Ông Lê Công Thành (trái) đang hướng dẫn nông dân trong vùng sử dụng xe tỉa hạt thế hệ thứ ba do ông cải tiến.

Thấy ông Thành bỏ bê công việc, hí hoáy thiết kế máy, bà Thu lúc đầu còn tiếng nặng, tiếng nhẹ khuyên can. Nhưng rồi bà cũng đành mặc cho chồng thích làm gì thì làm, vì bao năm chung sống bà hiểu tính ông đã quyết tâm làm thì vợ con không cản được.

Sau khi đả thông tư tưởng của vợ, ông Thành có nhiều thời gian hơn để thiết kế bản vẽ và suốt mấy tháng liền đầu óc ông không ngừng nghĩ về chiếc máy tỉa hạt theo ý mình. “Sau khi đã thiết kế được bản vẽ chiếc máy vừa ý, tôi bắt tay vào tạo dáng. Mới đầu, tôi thiết kế chiếc máy bằng gỗ, chỉ có phần phễu bỏ hạt là tôi gò bằng nhôm” - ông Thành nói.

Sáu tháng sau, ông Thành đã hoàn thành chiếc xe tỉa hạt độc đáo bằng gỗ. Sau khi đóng xong, ông đem xe ra vườn thử nghiệm và tiếp tục điều chỉnh các chi tiết bỏ hạt cho hoàn hảo. Thêm một tháng nữa ông mới vừa ý và gọi hàng xóm đến xem cách thức ông tỉa hạt bằng xe do mình sáng chế.

“Ngày tôi đem xe ra trình diễn cho bà con xem, ai cũng trầm trồ khen tôi khéo tay và đề nghị tôi mang xe đến giúp họ tỉa hạt. Xe tỉa hạt bằng gỗ lúc đó chỉ tỉa được hạt tròn, như: rau muống, mồng tơi, cải và chỉ tỉa được 3 hàng/vòng, giảm được 10 công lao động/sào” - ông Thành cho biết thêm.

Ông Lê Công Thành cho biết, hiện ông đã hoàn thành xe tỉa hạt thế hệ thứ ba và đây cũng là mẫu xe tỉa hạt hoàn thiện nhất, khắc phục được những nhược điểm của mẫu xe thứ nhất và thứ hai. Giá mỗi chiếc xe tỉa hạt thế hệ thứ ba là 4,5 triệu đồng, thời gian sản xuất mất 10 ngày/chiếc, giúp tiết kiệm được 25 công lao động/sào đất. Tính đến nay, ông Thành đã bán được trên 50 chiếc xe tỉa hạt thế hệ thứ hai, đồng thời nhận được trên 10 đơn đặt hàng mẫu xe tỉa hạt thế hệ thứ ba và đã xuất xưởng được 3 chiếc.

Vẫn chưa hài lòng với chiếc xe tỉa hạt bằng gỗ vừa “xuất xưởng”, ông Thành tiếp tục những ngày tháng dài nghiên cứu kiểu xe thế hệ thứ hai với thiết kế hoàn toàn bằng sắt, nhôm. Nhưng kiểu xe thế hệ thứ hai vẫn chưa khắc phục được hạn chế, là không tỉa được các loại hạt nhỏ và hạt dài.

“Tuy vậy, kiểu xe thế hệ thứ hai tôi mang đi dự thi đã được giải nhất Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh năm 2011 và đã sản xuất bán cho nông dân trong vùng. Đến năm 2013, tôi cải tiến chiếc xe thế hệ thứ hai đôi chút để dự thi cấp Trung ương và đạt giải nhất. Lúc này, khách hàng của tôi đã vượt ra khỏi tỉnh Đồng Nai và có thêm chút thu nhập từ công việc sản xuất xe tỉa hạt để phụ vợ nuôi con ăn học” - ông Thành tâm sự.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều