Báo Đồng Nai điện tử
En

Xe "độ" vượt núi rừng

09:10, 13/10/2014

Cùng vượt qua những con đường dốc núi cheo leo, ngủ trong rừng rậm dưới cơn mưa tầm tã suốt nhiều ngày…, với tất cả thành viên Câu lạc bộ (CLB) ô tô địa hình huyện Trảng Bom, đó chính là niềm vui, là khát khao được chinh phục thiên nhiên ở những nơi khắc nghiệt.

Cùng vượt qua những con đường dốc núi cheo leo, ngủ trong rừng rậm dưới cơn mưa tầm tã suốt nhiều ngày…, với tất cả thành viên Câu lạc bộ (CLB) ô tô địa hình huyện Trảng Bom, đó chính là niềm vui, là khát khao được chinh phục thiên nhiên ở những nơi khắc nghiệt.

* Từ những chuyến đi làm từ thiện…

CLB ô tô địa hình huyện Trảng Bom được thành lập từ tháng 7-2014, nhưng tất cả các thành viên trong CLB đã có thâm niên “chơi” xe ô tô từ 5 năm trở lên. Ông Doãn Đức Hùng (61 tuổi, ngụ thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, Chủ nhiệm CLB) cho biết, các thành viên quen biết với nhau không phải từ việc sở hữu những chiếc xe đắt tiền, mà chính từ những chuyến làm từ thiện tại các xã, ấp vùng sâu, vùng xa.

Vất vả vượt qua những con dốc núi 40, 50 độ bằng dây tời điện.
Vất vả vượt qua những con dốc núi 40, 50 độ bằng dây tời điện.

“Anh em trong CLB đều mê ô tô, đam mê vượt qua những thử thách của thiên nhiên; người đến với ô tô lâu nhất đã 10 năm, người gần đây nhất cũng được 2-3 năm. CLB chúng tôi không đặt nặng quy định về loại xe, mọi người đến với nhau để chia sẻ đam mê và cùng làm từ thiện ở những địa phương khó khăn. CLB luôn kết hợp đi tặng quà cho trẻ em vùng sâu, vùng xa với hoạt động của mình nên mỗi chuyến đi như vậy chúng tôi thấy có ý nghĩa hơn nhiều” - ông Hùng hồ hởi cho biết.

Theo lời của các thành viên trong CLB, họ gặp nhau từ những chuyến đi công tác xã hội, lâu dần rồi quen biết. Sau nhiều lần như vậy, mọi người quyết định thành lập CLB để có nơi sinh hoạt chính thức. Quy tụ những người yêu thích xe ô tô địa hình từ các địa phương của Đồng Nai, CLB vừa là nơi trao đổi đam mê xe ô tô địa hình, kỹ năng lái xe, đồng thời để giao lưu giữa các thành viên trong tỉnh với các CLB xe ô tô địa hình của các tỉnh, thành khác.

Anh Trương Đình Quốc (40 tuổi, ngụ thị trấn Trảng Bom) chia sẻ: “Năm 2012, tôi cùng vài người bạn đi làm từ thiện tại một số xã vùng sâu, vùng xa của 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước. Lúc đó vào mùa mưa, xe chúng tôi bị mắc kẹt ở con đường mòn lầy lội, khó khăn lắm mới qua được. Khi đó, có một xe ô tô hình dáng rất lạ di chuyển dễ dàng, nhanh chóng qua khỏi nơi chúng tôi mắc kẹt. Một thời gian sau, tôi tìm hiểu mới biết chiếc xe trông lạ lẫm kia chính là xe địa hình được “độ” lại và qua tìm hiểu về nó mà tôi đam mê loại xe này lúc nào không biết”.

Khác với anh Quốc, anh Châu Sủi Pố (31 tuổi, ngụ thị trấn Trảng Bom) đã đến với xe ô tô địa hình từ năm 2009 khi môn chơi này vừa du nhập vào Việt Nam. Anh cho biết, xe địa hình thường được “độ” từ xe bán tải, xe 7 chỗ có 2 cầu, thậm chí là xe Jeep, tùy vào sở thích và nguồn lực kinh tế mà người chơi sẽ “độ” đến mức nào. Do đặc thù chỉ sử dụng ở những nơi địa hình xấu, những nơi thời tiết khắc nghiệt nên khi lưu thông trên đường nhựa bình thường, các xe ô tô địa hình chuyên nghiệp sẽ rất nặng nề và khó điều khiển.

Xe địa hình của Câu lạc bộ ô tô địa hình huyện Trảng Bom trong một chuyến đi.
Xe địa hình của Câu lạc bộ ô tô địa hình huyện Trảng Bom trong một chuyến đi.

“Đây là môn chơi đòi hỏi người chơi vừa có kỹ thuật, vừa có kỹ năng làm việc nhóm và phương châm của môn chơi này là “chậm mà chắc”. Đi xe ô tô địa hình không nhanh được đâu, tụi tui chỉ thích đi những nơi mà chưa xe ô tô nào dám đi, bữa nào trời mưa đường sình lầy tụi tui mới thấy chuyến đi thật sự “đã” - anh Châu Sủi Pố vui vẻ cho biết.

*…Đến những chuyến đi “thót tim”

Không đi trên những con đường bằng phẳng, không đi vào những ngày đẹp trời, với những người đam mê xe ô tô địa hình thì đường càng khó đi, càng sình lầy, thời tiết càng khó chịu thì họ mới thấy thích.

Ông Hùng nhớ lại, cách đây khoảng 2 tháng, trong lúc tham gia chuyến đi ở xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), xe của một người trong CLB bị kẹt trong cát suốt 3 giờ, cả CLB phải dừng lại tìm cách giúp chiếc xe mắc kẹt thoát ra ngoài. Vậy nên, có những con đường chỉ dài hơn 1km mà phải mất 3 ngày để tất cả xe của CLB qua hết, vì gặp trục trặc liên tục.

“Nhờ công nghệ - kỹ thuật phát triển nhanh chóng nên những người chơi xe ô tô địa hình cũng tránh được nhiều rủi ro. Bởi chạy xe trên những con đường núi dốc 40-50 độ nên chuyện xe bị lật, bị trượt dốc xảy ra khá thường xuyên. Khi đó, dây tời điện, đai an toàn và kỹ thuật lái xe khéo léo sẽ giúp người chơi ô tô địa hình tránh khỏi tai nạn. Với xe địa hình chuyên nghiệp còn có những khung sắt xung quanh xe, khi xe bị lật thì khung sắt sẽ giữ cho chiếc xe không bị móp, bảo vệ người bên trong. Đây là môn thể thao mạo hiểm, đòi hỏi kỹ thuật và sự bình tĩnh hơn là tốc độ” - anh Trương Minh Hiếu (40 tuổi, ngụ phường Xuân Bình, TX.Long Khánh), một thành viên của CLB, tâm sự.

Các thành viên trong câu lạc bộ sửa chữa xe trục trặc trên đường đi.
Các thành viên trong câu lạc bộ sửa chữa xe trục trặc trên đường đi.

Trước mỗi chuyến đi, ngoài việc liên hệ trước với những nơi cần đến để làm công tác xã hội, mỗi thành viên trong CLB phải tự kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết cho cả người và xe. Khác với những loại ô tô chưa được “độ”, xe ô tô địa hình được trang bị những thiết bị phụ trợ, như: dây tời điện, lốp xe chuyên dùng, đai an toàn cố định 4 điểm… Theo các thành viên trong CLB, do trang thiết bị phụ trợ cho ô tô địa hình tại Việt Nam chưa phát triển nên tất cả những thứ nói trên đều được đặt hàng từ nước ngoài đem về.

Ông Võ Tấn Lộc, Giám đốc Trung tâm Thể dục - thể thao huyện Trảng Bom, cho biết CLB xe ô tô địa hình huyện Trảng Bom là CLB đầu tiên của tỉnh. Sau 3 tháng thành lập, CLB đã tham gia 2 giải thi đấu tại tỉnh Quảng Ninh và Lâm Đồng, đem về 3 giải ba và 1 giải nhất. Các thành viên trong CLB cũng đóng góp được hơn 60 triệu đồng tiền mặt và hỗ trợ phương tiện để làm công tác xã hội tại các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước...

“Những chuyến đi của CLB thường vào chiều thứ sáu đến chiều chủ nhật, ai cũng có công việc hết nên phải tranh thủ sắp xếp thời gian để tham gia. Nhiều thành viên được gia đình ủng hộ nên tham gia rất tích cực; cũng có thành viên gặp sự ngăn cản từ gia đình nhưng vì đam mê nên cũng cố gắng tham gia” - anh Quốc tâm sự.      

Từ khi thành lập đến nay, CLB xe ô tô địa hình huyện Trảng Bom đã có thêm 3 thành viên mới, nâng số thành viên của CLB lên 26 người. Do luôn kêu gọi những người có xe ô tô bán tải đến với CLB nên ban chủ nhiệm đã thành lập một tổ hướng dẫn cụ thể về mặt kỹ thuật điều khiển, máy móc cho những người vừa tham gia. Ông Hùng nhấn mạnh, miễn là có sức khỏe và niềm đam mê với xe ô tô địa hình, không phân biệt đến từ tỉnh nào, những người chơi đều được chào đón tại CLB.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều