Báo Đồng Nai điện tử
En

Người mẹ Bến Sắn (Bài 3)

10:11, 12/11/2014

Ngày chị Nghĩa, anh Xong hy sinh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Diệp Thị Rông (89 tuổi, ngụ ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) nén căm thù để vào đồn địch nhận xác con về. Mẹ Rông tâm sự, lòng mẹ luôn tin tưởng vào cách mạng nên mẹ không sợ đói khổ, nguy hiểm, chỉ sợ bộ đội ở bưng thiếu thuốc, lương thực khi bọn địch tăng cường bố ráp, ngăn chặn đường tiếp tế từ bên ngoài vào.

Ngày chị Nghĩa, anh Xong hy sinh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Diệp Thị Rông (89 tuổi, ngụ ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) nén căm thù để vào đồn địch nhận xác con về. Mẹ Rông tâm sự, lòng mẹ luôn tin tưởng vào cách mạng nên mẹ không sợ đói khổ, nguy hiểm, chỉ sợ bộ đội ở bưng thiếu thuốc, lương thực khi bọn địch tăng cường bố ráp, ngăn chặn đường tiếp tế từ bên ngoài vào.

* Tiếp tế cho bộ đội

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mẹ Rông lớn lên theo từng con nước, mùa lúa của quê hương. Năm 19 tuổi, mẹ Rông lập gia đình với chàng nông dân cùng cảnh Nguyễn Văn Xuân (mất năm 1994). Lấy nhau trong thời đất nước lầm than, quê hương, ruộng vườn giăng đầy đồn bót của kẻ thù, vợ chồng mẹ Rông vẫn kiên cường bám vùng đất ngập Bến Sắn để gieo trồng những vụ lúa mới nuôi sống gia đình và tiếp tế cho bộ đội bám bưng biền kháng chiến.

Mẹ Diệp Thị Rông vẫn giữ thói quen ăn trầu hàng ngày.
Mẹ Diệp Thị Rông vẫn giữ thói quen ăn trầu hàng ngày.

Để có tiền nuôi con, tiếp tế cho bộ đội, mẹ Rông không ngại sớm hôm với việc ruộng đồng. Hết mùa lúa, mẹ chuyển sang đi lấy củi, hái rau đồng gánh ra chợ bán. Năm nào ruộng đồng bị kẻ thù bố ráp, kiểm soát gắt gao không làm được, mẹ Rông chuyển sang công việc chạy chợ. “Mùa nào thức nấy, khi thì mẹ nấu nồi bánh canh, nồi bún đem ra chợ bán, lúc mẹ vào vườn nhà dân mua trái cây về bỏ lại cho người ta để kiếm đồng lời. Tiền lời của mẹ chỉ đủ mua khoai, gạo nấu cháo cho con và mua thuốc men, thực phẩm cho chồng đem vào bưng tiếp tế cho bộ đội” - mẹ Rông kể.[links(left)]

Lam lũ, vất vả, mẹ Rông và ông Xuân vẫn sinh hạ được 11 người con. Ngoài chị Nghĩa, anh Xong hy sinh, anh Thọ, chị Bảy, anh Út Em chỉ sống được bên mẹ 2-3 năm thì mất vì bệnh tật. Mẹ Rông cho biết, thời trẻ mẹ giỏi lắm, việc gì mẹ cũng làm được, miễn sao kiếm được ngày 2 bữa khoai, cháo cho cả nhà ăn khi ông Xuân phải chạy vào bưng trốn lính. “Khi bộ đội cần thuốc, thực phẩm liên hệ với mẹ, dù nhà không có tiền mẹ cũng chạy mượn cho được để tiếp tế” - mẹ Rông bồi hồi nhớ lại.

Thấy người đàn bà 11 con lam lũ thường hay xuất hiện trên những con đường vào bưng biền rồi mất bóng, bọn địch vẫn không hề nghi ngờ đó là mẹ Rông. Mẹ Rông móm mém nhai trầu rồi nói: “Hồi trẻ mẹ cũng đẹp không thua kém các cô gái con nhà quyền quý. Để qua mắt bọn địch và giữ mình, mẹ phải cải trang thành người đàn bà lam lũ khi ra đồng, ra chợ một mình, hoặc khi gánh hàng vào bưng tiếp tế cho bộ đội. Nhiều lần lính ngụy hỏi mẹ có phải bán hàng cho Việt Cộng, mẹ không sợ mà đáp: “Việt cộng, lính ngụy hay nông dân gì, miễn bỏ tiền ra mua là tui bán”.

* Hạnh phúc và nước mắt

Chiến sự ngày càng ác liệt, Mỹ - ngụy tại các đồn Bến Sắn, Bến Chùa liên tục tiến hành những đợt bố ráp những người theo cách mạng và bắt lính, lùa dân vào ấp chiến lược. Thương những người con quê hương Nhơn Trạch phải chịu đói kém, bệnh tật vì độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà, trúng được vụ lúa, vụ khoai mẹ Rông đều dành phần cho bộ đội. Khi các con lớn lên, mẹ Rông vận động con thoát ly vào rừng kháng chiến hòng tránh bị bắt lính.

“Ngày hay tin con Nghĩa hy sinh, vợ chồng mẹ căm hận giặc lắm, nhưng cũng cố lên đồn xin bọn lính được nhận xác con về chôn cất. Mới đầu, bọn lính làm khó không cho nhận xác, vợ chồng mẹ cùng bà con trong xóm đấu tranh mãi mới được” - mẹ Rông nói trong ánh mắt cay xè.

Chị Nghĩa hy sinh được vài tháng thì mẹ Rông nhận tin anh Quốc bị thương đang được điều trị tại bệnh xá trong rừng. Nước mắt mẹ chưa khô thì sang năm mẹ lại nhận được tin anh Xong hy sinh trên đường đưa cán bộ về xã vận động nhân dân đấu tranh, xuống đường biểu tình xóa bỏ bố ráp, tập trung dân vào ấp chiến lược…

Mẹ Diệp Thị Rông còn minh mẫn khi nói chuyện với con cái, khách quen đến thăm.
Mẹ Diệp Thị Rông còn minh mẫn khi nói chuyện với con cái, khách quen đến thăm.

“Mẹ có 11 người con thì 5 đứa thoát ly theo cách mạng. Chồng mẹ cũng là cán bộ hoạt động bí mật. Bản thân mẹ cũng bị địch bắt giam suốt 2 tháng trời tại Nhà lao Tân Hiệp. Mẹ được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì” - mẹ Rông vừa nhai trầu vừa kể.

Sau ngày đất nước giải phóng, mẹ Rông cùng chồng quay về với công việc ruộng đồng để nuôi các con ăn học. Mẹ Rông thổ lộ, hòa bình lập lại trên đất Bến Sắn, mẹ cùng chồng tiếp tục khai hoang thêm những thửa ruộng mới. Cuộc sống những ngày đầu đất nước thống nhất tuy còn khó khăn nhưng lòng mẹ rất vui vì luôn có anh Quốc, chị Vân, anh Tuấn, anh Dũng, chị Hồng, anh Toàn xúm xít bên mẹ.

Ông Trương Văn Nhân, Phó trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Nhơn Trạch, cho hay toàn huyện có 91 bà mẹ Việt Nam anh hùng (phong và truy tặng đợt 1), nhưng hiện chỉ 4 mẹ còn sống. Đợt 2-2014, Nhơn Trạch có thêm 123 mẹ được phong và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và chỉ 19 mẹ còn sống.

“Con của mẹ do không được học hành nhiều nên khi hòa bình lập lại thì về làm nông dân, buôn bán. Nhà mẹ chỉ có thằng Tuấn làm cán bộ ở huyện thôi. Mẹ vợ nó vừa rồi cũng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng như mẹ” - mẹ Rông khoe.

Nghe tiếng chó sủa ngoài ngõ, mẹ Rông chậm chạp bước chân ra nhìn. Bất chợt mẹ rơi nước mắt khi nhìn thấy chị Quơn (vợ anh Tuấn) sang thăm. Mẹ Rông thỏ thẻ kể, năm rồi anh Tuấn bị ngã trong lúc làm vườn nên phải nằm liệt một chỗ đến nay. Chị Quơn và các con sợ mẹ Rông buồn nên giấu chuyện. Nay mẹ biết anh Tuấn nằm một chỗ, lòng mẹ buồn lắm. “Con Quơn nó cũng vất vả như mẹ thời trẻ vậy, hết chăm chồng con, rồi chăm mẹ già bệnh tật nên khổ lắm các con à. Là phụ nữ, mẹ hiểu và thương nó lắm” - mẹ Rông tâm sự.

Nói rồi, mẹ Rông nhẹ nhàng lần bước lên nhà trên thắp nén nhang cho chị Nghĩa, anh Xong. Thắp xong, mẹ nhắn với chị Quơn gửi lời thăm anh Tuấn và động viên anh cố gắng dưỡng bệnh, khi nào mẹ khỏe sẽ sang thăm. “Mẹ không đòi công với cách mạng nhưng khi hay tin được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ mừng lắm. Vì mẹ mong con cháu của mẹ tiếp nối truyền thống gia đình, cuộc sống dù khó khăn vẫn tỏ rõ là người trung nghĩa” - mẹ Rông trải lòng.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều