Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiên cường du kích Rừng Lá (Bài 2)

09:12, 15/12/2014

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn cứ Rừng Lá (nay thuộc xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) là địa bàn chiến lược quan trọng. Nơi đây, Mỹ - ngụy đặt nhiều căn cứ quân sự để khống chế, ngăn chặn các hoạt động của quân giải phóng và đàn áp phong trào kháng chiến của nhân dân địa phương.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn cứ Rừng Lá (nay thuộc xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) là địa bàn chiến lược quan trọng. Nơi đây, Mỹ - ngụy đặt nhiều căn cứ quân sự để khống chế, ngăn chặn các hoạt động của quân giải phóng và đàn áp phong trào kháng chiến của nhân dân địa phương. Trong vòng kiềm kẹp của giặc, quân dân Xuân Hòa đã kiên cường bám trụ đánh địch, bảo vệ vững chắc căn cứ Rừng Lá. Góp phần làm nên những chiến công đó phải kể đến Đội du kích Rừng Lá.

Bà Lý Thị Kiểng (bìa phải) cùng đồng đội trở lại thăm nơi đặt “trận địa chông” tiêu diệt 50 tên Mỹ - ngụy trong trận đánh địch đổ bộ vào cuối năm 1967.
Bà Lý Thị Kiểng (bìa phải) cùng đồng đội trở lại thăm nơi đặt “trận địa chông” tiêu diệt 50 tên Mỹ - ngụy trong trận đánh địch đổ bộ vào cuối năm 1967.

Ông Đinh Văn Liêm, nguyên đội viên du kích Rừng Lá, cho biết: “Đội du kích Rừng Lá lúc đó chỉ có vài chục tay súng, khoảng 50% là người dân tộc Chơro. Kết thúc cuộc chiến tranh, giờ chỉ còn lại 6-7 người”.

* Một tấc không đi, một ly không dời

Ông Liêm nhớ lại sự khốc liệt của những năm tháng chiến tranh trên mảnh đất quê hương mình: “Trước năm 1975, Xuân Hòa là ấp Rừng Lá thuộc xã Hòa Hiệp, yếu khu Gia Ray, tỉnh Long Khánh. Do ở vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh, là xã có nhiều đồi núi hiểm trở, có đường quốc lộ 1 đi qua nên đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Rừng Lá cũng là căn cứ trú quân của quân giải phóng, là địa bàn “cài răng lược” giữa ta và địch nên để bảo vệ cho sự an toàn của Long Khánh, địch đã bố trí ở đây hệ thống phòng thủ dày đặc với nhiều căn cứ quân sự, sân bay dã chiến, chốt bảo an…”

 Với lực lượng dày đặc của địch, căn cứ Rừng Lá thường xuyên bị địch càn quét, đánh phá ác liệt. Bom đạn của chúng đã gây cho lực lượng cách mạng địa phương tổn thất nghiêm trọng. Có giai đoạn, lực lượng vũ trang Xuân Hòa chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Sau nhiều năm củng cố, đến năm 1962, Xuân Hòa gầy dựng được lực lượng chiến đấu với khoảng 40 du kích và một đội binh vận 5 người. Với tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm đánh giặc, quân dân Xuân Hòa đã kiên cường bám trụ, xây dựng thế trận chiến tranh du kích, đẩy mạnh phong trào diệt ác, phá kiềm và kết hợp với bộ đội chủ lực liên tục tổ chức tấn công địch, gây cho chúng nhiều tổn thất.[links(right)]

Đưa chúng tôi đến ấp 5, xã Xuân Hòa thăm ngôi miếu Ngũ Hành nằm cạnh quốc lộ 1, ông Liêm chia sẻ: “Khoảng năm 1970-1972, với ý đồ bóp nghẹt lực lượng kháng chiến Xuân Hòa, địch đã bố trí nhiều chốt bảo an kiểm soát để ngăn không cho người dân tiếp tế cho bộ đội. Trong tình thế cực kỳ khó khăn đó, nhân dân Xuân Hòa đã dựng ngôi miếu này làm nơi tập hợp dân và thu nhận lương thực chuyển vào căn cứ cho lực lượng kháng chiến. Nghĩ là dân dựng miếu để cầu an, bọn địch không nghi ngờ, chú ý. Từ đây, đã có hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, tài liệu... được chuyển vào rừng cho cách mạng, đảm bảo bí mật, an toàn.

* Chủ động tấn công địch

Trong chiến tranh chống Mỹ, Đội du kích Rừng Lá đã tham gia đánh trên 30 trận lớn, nhỏ, khi thì độc lập tác chiến, lúc phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề.

Ông Đinh Văn Liêm nhớ lại, tháng 6-1962, Mỹ - ngụy đã đưa một đơn vị biệt động quân từ Xuân Lộc băng rừng về Xuyên Mộc để đánh vào căn cứ cách mạng Bàu Lâm. Phát hiện quân địch nghỉ ngơi tại chân núi Mây Tàu có nhiều sơ hở, đồng chí Tư Lạc ở Huyện đội Xuân Lộc đã chỉ huy 20 du kích Rừng Lá phối hợp với Tiểu đoàn 500, bộ đội chủ lực bất ngờ tập kích vào đội hình địch khiến chúng không kịp trở tay, 100 tên đã bị ta tiêu diệt. Bị thiệt hại nặng, địch phải rút về căn cứ vì không còn đủ sức đánh vào Bàu Lâm.

Đêm 8-6-1965, một trung đội du kích gồm 25 người đã phối hợp cùng Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, Quân khu 7 chia làm 4 hướng tập kích vào yếu khu quân sự và trung tâm huấn luyện của địch ở yếu khu Gia Ray. Hơn 30 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt 3 đại đội hạ sĩ quan và khung cán bộ huấn luyện, 1 đại đội lính bảo an, 1 trung đội dân vệ, bắt sống hơn 200 tên địch, thu 150 súng, 5 tấn đạn các loại, 3 toa xe lửa chiến lợi phẩm và nhiều quân trang, quân dụng khác. Chiến thắng này đẩy địch vào thế bị động, phải co cụm về thế phòng thủ, tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng địa phương mở rộng địa bàn hoạt động.

Liên tục bị đánh thiệt hại, quân Mỹ - ngụy dùng máy bay trực thăng quần đảo trên bầu trời dùng loa kêu gọi Đội du kích Rừng Lá ra hàng. Đáp lại lời chiêu dụ của giặc, đêm 15-11-1967, Đội du kích Rừng Lá đã bí mật đến trung tâm huấn luyện Gia Ray rải hơn 300 truyền đơn với tuyên bố: “Chúng bay có bao nhiêu bom đạn mang hết ra Rừng Lá mà thả. Du kích Rừng Lá chiến đấu đến cùng và không bao giờ đầu hàng giặc”.

Bị nhiều đòn đau, địch tăng quân đánh phá nhằm đè bẹp ý chí chiến đấu của quân dân Xuân Hòa.

Bà Lý Thị Kiểng, nguyên đội viên du kích người dân tộc Chơro, nhớ lại: “Đầu tháng 2-1966, địch đưa một tiểu đoàn từ Bình Thuận vào càn quét căn cứ Rừng Lá. Trước sự uy hiếp của địch, Chi bộ Xuân Hòa chỉ đạo Đội du kích Rừng Lá phối hợp với lực lượng du kích mật H3 bám, đánh địch để bảo vệ căn cứ. Khi phát hiện chúng dừng chân nghỉ ngơi ở khu vực Vũng Bí - Suối Lạnh (nay là khu vực trại giam Z30D), lực lượng du kích đã tổ chức đánh mìn, diệt 46 tên, phá hủy 2 xe quân sự, thu 3 máy truyền tin và nhiều đồ dùng quân sự khác, khiến chúng phải bỏ dở cuộc hành quân “tìm, diệt”.

Liên tục bị những đòn đau, cuối năm 1967, địch mở kế hoạch càn quét lớn vào căn cứ Rừng Lá. Phát hiện âm mưu của địch, nhận được lệnh của trên, Đội du kích Rừng Lá đã khẩn trương chuẩn bị 2 ngàn cây chông, đào gần 100 hầm chông để đón đánh địch. Khi quân Mỹ - ngụy dùng trực thăng đổ quân xuống vị trí tập kết để thực hiện việc càn quét thì bị du kích tấn công và rơi vào trận địa chông, khiến 50 tên bị thương vong, buộc chúng phải nhanh chóng rút chạy.

Ông Đinh Văn Liêm chia sẻ, cuối năm 1973, sau khi nghe tin cấp trên thông báo địch đưa một đại đội thuộc Liên đoàn 81 biệt kích dù triển khai đội hình tấn công vào Rừng Lá, Chi bộ Xuân Hòa quyết địch đánh địch để bảo vệ căn cứ. Từ đây, lực lượng du kích phối hợp với Tiểu đoàn 445 Bà Rịa - Long Khánh tổ chức chia làm 3 mũi tấn công địch. Sau 6 ngày giao tranh ác liệt, quân ta đã tiêu diệt 82 tên, bắn bị thương 9 tên, bắn cháy 2 xe thiết giáp, bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân của địch.

Không chỉ đánh giặc giỏi, Đội du kích Rừng Lá còn diệt ác, trừ gian hiệu quả. Giai đoạn 1972 -  1973, địch liên tục đưa các tên ác ôn, thám báo đến Xuân Hòa để dò la cơ sở của ta. Để bảo vệ an toàn cho  các cơ sở cách mạng, Đội du kích Rừng lá đã tập trung tiêu diệt bọn ác ôn. Qua đó, đơn vị đã phục kích bắn chết Đại úy Bảo và Trung úy Lào, Trưởng và Phó trưởng đồn Rừng Lá ngay tại cổng đồn địch. Đội du kích Rừng Lá còn mai phục bắn chết tên Trung úy Bên khét tiếng ác ôn; bắt sống Bảy Sa, tên mật vụ giả dạng...

Việc trừng phạt những tên ác ôn, mật thám, chỉ điểm đã làm cho bọn địch run sợ, giảm bớt sự hung hăng trong việc chống phá phong trào cách mạng địa phương. Địch xem đây là “mảnh đất chết” nên giảm bớt sự càn quét, bắn giết, góp phần cho phong trào cách mạng ở Xuân Hòa ngày thêm lớn mạnh.

Đức Việt

Tin xem nhiều