Báo Đồng Nai điện tử
En

Vừng ơi, mở ra!

10:01, 11/01/2015

"A, chị Mi về", "Chị Mi ơi, em nhớ chị quá", "Chị Mi ơi, em ráng học để mai mốt giỏi như chị vậy"... 22 cô, cậu học trò từ tiểu học đến THPT, nhà nằm sâu tít tắp trong những cánh rừng Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) đang ở trọ ký túc xá của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã mừng rỡ tíu tít vây quanh cô gái không lớn hơn mình là mấy với tình cảm vô cùng thắm thiết.

“A, chị Mi về”, “Chị Mi ơi, em nhớ chị quá”, “Chị Mi ơi, em ráng học để mai mốt giỏi như chị vậy”... 22 cô, cậu học trò từ tiểu học đến THPT, nhà nằm sâu tít tắp trong những cánh rừng Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) đang ở trọ ký túc xá của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã mừng rỡ tíu tít vây quanh cô gái không lớn hơn mình là mấy với tình cảm vô cùng thắm thiết.

Trần Ái Mi (giữa) trao đổi với các học sinh ở xã Mã Đà.
Trần Ái Mi (giữa) trao đổi với các học sinh ở xã Mã Đà.

Chị Mi của các em là Trần Ái Mi (Aimee Tran), 19 tuổi, sinh viên Trường đại học Berkeley (bang California, Mỹ). Ba năm rồi, hè nào Ái Mi cũng vượt nửa vòng trái đất, đến tận khu ký túc xá heo hút này để giúp đỡ, sẻ chia cùng các em học sinh nghèo đang nhọc nhằn góp nhặt từng con chữ nơi đây. Với các em, chị Mi không “đến”, mà “về”.

Những đứa trẻ không có ước mơ...

Căn chòi giữa rừng ở ấp 4, xã Mã Đà của Phan Thị Yến Nhi đã không còn là chốn bình yên khi mẹ em mất vì bạo bệnh, bỏ lại 4 đứa trẻ bơ vơ. 6 tuổi, thiếu hơi ấm vòng tay mẹ, vắng cả sự vững chãi của người cha quanh năm kiếm sống ở nơi xa, Yến Nhi thui thủi nép vào tấm lưng còng của bà nội. 4 năm sau, trong một lần đi làm thuê ở Lâm Đồng, cha của em bị cây đổ đè lên người, vĩnh viễn nằm lại nơi xứ lạ quê người, không bao giờ còn thấy lại cô con gái út ngoan ngoãn của mình nữa. Rơi vào tận cùng của bất hạnh, các anh chị lần lượt bỏ học đi làm thuê kiếm sống vất vả, riêng cô bé út Yến Nhi còn may mắn được nương tựa vào ông bà nội để học đến lớp 9 Trường THCS Mã Đà. Nhưng rồi ông bà ngày càng già yếu, không còn đủ sức cưu mang đứa cháu gái mồ côi, cô bé ham học ấy tắt dần hy vọng được tiếp tục học hành, đối diện với viễn cảnh phải tự làm việc nuôi thân như các anh chị.

Dù đủ đầy cha mẹ, nhưng hoàn cảnh của các em: Phạm Thiên Phúc (18 tuổi), Phạm Ngọc Diễm (16 tuổi), Phạm Phú Sỹ (14 tuổi), Phạm Phú Vinh (13 tuổi) cũng không khấm khá gì hơn. Cha mẹ quanh năm quần quật vẫn không nuôi nổi đàn con đông tới 9 đứa, 5 người con lớn đều phải bỏ học từ sớm, làm việc phụ giúp gia đình. Để 4 đứa con còn lại được đến trường, hàng tháng cha mẹ các em phải có trong tay ít nhất 3 triệu đồng để đóng tiền ăn, học. Thu nhập từ 2 hécta rẫy quá ít ỏi, xoay xở giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, nên mỗi mùa tựu trường cha mẹ các em lại chồng thêm khoản nợ. “Con thích được đi học lắm, năm nào con cũng được xếp loại giỏi, nhưng không biết cha mẹ con có đủ sức nuôi con không” - mới 16 tuổi, gương mặt sáng sủa, lanh lợi của cô bé Phạm Ngọc Diễm đã hằn nỗi ưu tư rất người lớn.

Điều khiến Ái Mi băn khoăn là hành trình của mình hãy còn đơn độc, chưa đủ sức hỗ trợ thật hiệu quả. Từ 35 học sinh ban đầu tại ký túc xá, đến nay đã “rụng” dần, chỉ còn lại 22 em. Bên cạnh đó, Ái Mi nhận ra rằng vấn đề không chỉ là vật chất, các em rất cần được hỗ trợ để hình thành nhân cách, định hướng nghề nghiệp. Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đang xây dựng đề án phát triển tiềm năng du lịch, rất cần nguồn nhân lực, nếu các em được hỗ trợ như học tiếng Anh ngay từ bây giờ sẽ là những hướng dẫn viên bản địa rất tốt trong tương lai. Mô hình này ở Sa Pa đã triển khai có hiệu quả, cho thấy có thể áp dụng ở Đồng Nai.

Cũng nhiều năm liền là học sinh giỏi, nhưng Phạm Văn Nhiêm và Lê Thị Vẹn Thủy đều không dám ước mơ được bước chân vào giảng đường đại học, bởi cái nghèo khó lúc nào cũng đeo đẳng. Những túp lều xiêu vẹo trong vườn điều ở ấp 3, ấp 4 xã nghèo Mã Đà không đủ sức chống chọi, nuôi dưỡng giấc mơ xa xôi ấy của các em.

“Cây ước mơ”

Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhưng Ái Mi luôn được mẹ chăm chút, giữ gìn và vun đắp tâm hồn Việt. Không chỉ nói sõi tiếng Việt, Ái Mi còn giữ nề nếp gia phong của cô gái Việt. Chào hỏi, thưa gửi khi gặp người lớn tuổi, làm gì Ái Mi cũng tham khảo ý kiến mẹ, nhưng cô vẫn có sự độc lập, tự chủ trong tư duy, suy nghĩ và hành động. Như bao cô bé có cuộc sống bình yên khác, Ái Mi có những ước muốn thật bình thường của trẻ con, như: muốn có chiếc xe trượt tuyết do một bầy chó sói kéo, ước thành bác sĩ giỏi, ước được du lịch vòng quanh thế giới…

16 tuổi, bước ngoặt xảy ra khi Ái Mi đi thăm các em nhỏ ở Viện mồ côi Texarkana Children’s Home. Chứng kiến nỗi bất hạnh của các em, Ái Mi nhận ra rằng cần phải vượt ra khỏi thế giới nhỏ nhoi của mình để vươn lên làm những điều lớn lao hơn cho cộng đồng và điều lớn lao ấy phải bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất. Ái Mi bắt đầu làm từ thiện xã hội theo cách riêng của mình: vẽ tranh, viết những quyển sách nhỏ rồi bán đấu giá trên mạng. Tiền thu được, Ái Mi đều dành hết cho các em nhỏ ở viện mồ côi.

Trần Ái Mi (phải) xem kết quả học tập của các học sinh ở ký túc xá Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: T.THÚY
Trần Ái Mi (phải) xem kết quả học tập của các học sinh ở ký túc xá Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: T.THÚY

Rồi đến một ngày, Ái Mi theo cha mẹ về Việt Nam. Tình cờ, cô biết đến các em học sinh ở khu ký túc xá của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Xúc động trước hoàn cảnh khó khăn cùng nghị lực vươn lên của các bạn nhỏ ấy, Ái Mi quyết định tập trung toàn bộ sự hỗ trợ của mình cho các em. Thật lặng lẽ, từ năm 2011 đến nay, khi thì cô xây nhà bếp, làm bồn lọc nước, sửa nhà vệ sinh, tủ quần áo cá nhân, sơn mới lại khu ký túc xá giúp cuộc sống các em được tiện nghi hơn; có lúc cô trang bị máy vi tính, bảng học tập, tài trợ tiền ăn (400 ngàn đồng/em/tháng), chi phí học tập, đồng phục đầu năm học mới... Năm nào Ái Mi cũng treo thưởng khá cao (5 triệu đồng cho học sinh đạt điểm số cao nhất, 3 triệu đồng cho hạng nhì, 1 triệu đồng cho hạng ba) để các em có thêm động lực phấn đấu trong học tập.

Không đến bằng tư thế mạnh thường quân, Ái Mi đến với các em như một người chị, người bạn, thường xuyên email tâm sự với nhau. Cô biết hết hoàn cảnh, thế mạnh, điểm yếu của từng em, từ đó có sự hỗ trợ phù hợp và kịp thời động viên, nâng đỡ tinh thần.

Qua những lúc tâm tình, Ái Mi nhận ra điều cần thiết cho em không chỉ là tiền bạc, vật chất, mà quan trọng hơn là phải giúp các em tự tin vươn lên, phải biết ước mơ để có mục tiêu phấn đấu. Thế là Ái Mi vẽ trên tường của ký túc xá hình ảnh Wishing Tree (Cây ước mơ) với dòng chữ nhắn nhủ: Đối với thế giới, bạn có thể chỉ là một người. Nhưng đối với một đứa trẻ, bạn có thể là cả một thế giới. “Cây ước mơ này đem đến sự đoàn kết cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bởi nó cũng là biểu tượng kích thích, thúc đẩy các em đạt được điều mơ ước. Đồng thời nó cũng nói lên rằng, luôn có người lưu ý và chăm sóc đến các em” - Ái Mi thổ lộ.

Trong số học sinh được Ái Mi giúp đỡ, em Nguyễn Văn Thuận đã thực hiện được ước mơ trở thành sinh viên Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh. Cậu học trò nghèo nơi cánh rừng Mã Đà đặt chân vào giảng đường ấy đã trở thành tấm gương kích thích đàn em cố gắng học tập để mở ra con đường mới, chân trời mới. Và không chỉ các em, ngay cả với Ái Mi, một nhận thức mới cũng được mở ra: Cho đi sẽ nhận lại nhiều hơn…

Thanh Thúy

Tin xem nhiều