Báo Đồng Nai điện tử
En

Trồng hàng "độc" bán tết

08:02, 08/02/2015

Gần tết là thời điểm các nhà vườn trồng cây ăn trái lại tất bật với việc chăm sóc, tuyển trái đẹp để phục vụ thị trường. Đây cũng là thời điểm, những loại trái "độc" được tạo ra với giá bán cao, giúp nhiều nông dân đổi đời...

Gần tết là thời điểm các nhà vườn trồng cây ăn trái lại tất bật với việc chăm sóc, tuyển trái đẹp để phục vụ thị trường Tết Ất Mùi. Những loại trái “độc” được tạo ra với giá bán cao đang giúp nông dân đổi đời và làm giàu bằng chính trí lực của mình. Bưởi hồ lô, dưa hình thỏi vàng… tượng trưng cho may mắn, tài lộc được các chủ vườn kỳ công tạo ra bao giờ cũng bán chạy, tạo ra một sức hút lớn đối với người tiêu dùng.

Thu hoạch bưởi hồ lô ở làng bưởi Tân Triều. Ảnh: T.HẢI
Thu hoạch bưởi hồ lô ở làng bưởi Tân Triều. Ảnh: T.HẢI

 Tìm về những nhà vườn, không khí tết dường như đã lan tỏa từ chính sự sôi động, khẩn trương, trao đổi mua bán giữa chủ vườn với các tiểu thương.

* Hàng “độc” bán chạy

Tung ra thị trường mấy năm gần đây, bưởi hồ lô là một biến tấu khá thú vị từ trái bưởi có hình dáng bình thường. Năm nay, thời tiết không mấy thuận lợi đã ảnh hưởng đến sản lượng bưởi của những gia đình có truyền thống trồng bưởi ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Những ngày này, nhiều khách hàng điện thoại đến nhà vườn của ông Sáu Quân (ngụ ấp Tân Triều, xã Tân Bình) để hỏi mua bưởi hồ lô không khỏi thất vọng vì nhận được thông báo: hết hàng!

Năm trước, cùng số ít nông dân trong xã, ông Sáu Quân  chuyển sang tạo dáng hồ lô cho giống bưởi đặc sản Tân Triều, nhưng kết quả không như mong muốn. Cả vườn với 250 trái bưởi được đưa vào ép khuôn, cuối mùa thu hoạch chỉ có khoảng hơn chục trái đạt yêu cầu. “Nhiều người đã làm thành công và giàu lên nhờ hướng đi mới này. Đây là động lực để mình thay đổi một “món ăn” cũ đã quá quen với khách hàng” - ông Sáu Quân chia sẻ.

Rút kinh nghiệm, mùa bưởi này ngày nào ông cũng có mặt tại vườn chăm chút, theo dõi tỉ mỉ để luôn đảm bảo khuôn không hở, hình dáng trái cân đối, phòng ngừa sâu bệnh. Để tạo dáng “độc” cho trái bưởi, ngoài tốn công chăm sóc đòi hỏi người trồng phải sáng tạo, kịp thời thay đổi “sơ đồ” áp dụng khi có sự bất lợi về thời tiết.

Những năm nhuận, cây bưởi đậu trái thường muộn hơn một tháng, nỗi lo thất mùa càng khiến người trồng bất an. Sau khi đã chọn được những trái bưởi ưng ý, khâu tiếp theo quyết định sự thành bại là định hình, tạo dáng cho bưởi. Trái bưởi được khoảng 2 tháng tuổi, nhỏ chỉ bằng nắm tay người thì ông Sáu Quân bắt đầu thắt vòng dây ở giữa để có được hình hồ lô. Bốn tuần sau đó, quả đến thời kỳ phát triển sung sức, bưởi được đưa vào khuôn hình hồ lô cho đến lúc thu hoạch.

Bưởi hồ lô được ông Ngô Văn Sơn bán với giá khoảng 1 triệu đồng/quả.
Bưởi hồ lô được ông Ngô Văn Sơn bán với giá khoảng 1 triệu đồng/quả.

“Quãng thời gian này, tôi phải theo sát vườn bưởi, trái thay đổi trọng lượng nhanh lắm nên hình dáng có thể lệch, không cân xứng. Trái đạt chuẩn phải có độ đồng đều cả trên lẫn dưới eo bưởi, vị trí cuống trên trái cân đối, chữ tài lộc khắc trên vỏ hiện lên rõ nét, đẹp. Vậy nên cả vườn hơn 400 trái chọn làm, nếu may mắn khoảng 2/3 số đó có thể xuất bán ra thị trường” - ông Sáu Quân cười giòn tan cho biết.

Năm nay, ông Ngô Văn Sơn đang bước đầu thử nghiệm trồng bưởi bon-sai dáng hồ lô ngay trong chậu. Bên cạnh đó, ông cũng tung ra thị trường khoảng 300 trái dưa hấu vàng được tạo đủ hình dạng để bán trong dịp Tết Nguyên đán này.

Dù được đánh giá là giống cây dễ trồng, giá bán “mềm” hơn bưởi hồ lô nhiều lần, nhưng dưa hấu hình thỏi vàng, trái tim, xe hơi… cũng có sự “khó tính” riêng. Đây là loài cây ưa nắng, thời gian thu hoạch khoảng 2 tháng nên trước khi trồng, ông Đỗ Dân, ngụ xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) đã tính toán kỹ, theo dõi sát sao thời tiết. Để hình ảnh, chữ viết khắc trên vỏ dưa rõ nét, đòi hỏi khâu chăm sóc và thu hoạch phải tỉ mỉ, kịp thời. Dưa hấu phải đạt trọng lượng 1,5-2kg/trái, nếu dưa không đủ kích cỡ sẽ không có hoa văn, trong khi nếu dưa phát triển quá khuôn sẽ dẫn đến tình trạng nứt, hư hại đường nét. “Tùy theo hình dáng, giá bán khoảng 1 triệu đồng/cặp dưa. Cách Tết Nguyên đán chừng nửa tháng, 200 trái dưa hấu đủ hình dáng “độc” của tôi đã được khách hàng đặt gần hết. Không khí tấp nập như thế này sẽ diễn ra đến cận Tết Nguyên đán, năm nào loại trái này cũng “cháy” hàng, không đủ đáp ứng nhu cầu của khách” - ông Dân chia sẻ.

Nhắc tới trái cây lạ ai cũng tò mò muốn có một cặp chưng trong nhà, nhất là dưa hấu có màu vàng tượng trưng cho tài lộc, chuyện làm ăn may mắn. Năm nay, ông Dân tiếp tục cải tiến mẫu mã với nhiều hình dáng mới, độc đáo hơn để tạo ấn tượng cho nhiều người, qua đó nâng cao giá trị của trái dưa.

* Đổi vận nhờ bưởi hồ lô

Từng nhiều lần thất bại khi thử nghiệm trồng bưởi hình dáng hồ lô, nhưng đến nay ông Ngô Văn Sơn, ngụ ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cữu) trở thành bậc thầy trong việc trồng loại trái này. Dù việc tạo dáng hồ lô cho bưởi đòi hỏi kỹ thuật khó, tỷ lệ thất bại cao, nhờ giá trị kinh tế lớn đã giúp ông đổi đời, vươn lên làm giàu từ cây bưởi.

Đầu tư bao công sức, tiền bạc vào việc trồng bưởi hồ lô với ông như đánh cược một ván bài lớn. Hơn một năm trời, ông cất công lặn lội xuống các tỉnh miền Tây học cách trồng bưởi “độc”, nhưng khi áp dụng vào giống bưởi Tân Triều thì không mang lại kết quả. Từ đó, ông tự mày mò, sáng tạo những cái khuôn ép trái bưởi ra dáng hồ lô mong bán vào dịp tết. Nhà nông này đã dùng hàng chục loại vật liệu, thay đổi khuôn hình khác nhau, đầu tư bao công sức cuối cùng mới có vài trái hình hồ lô ưng ý. Tỷ lệ thành công cả vườn bưởi gần 2 hécta chỉ đạt 20-30%.

Ông Ngô Văn Sơn chăm sóc vườn dưa hấu vàng với nhiều hình dáng “độc”.
Ông Ngô Văn Sơn chăm sóc vườn dưa hấu vàng với nhiều hình dáng “độc”.

Kể từ khi tạo dáng thành công trái bưởi hồ lô, ông Sơn bỗng “phất” lên, thành người đầu tiên biết trồng trái cây tạo hình ở làng bưởi Tân Triều. Bà con nông dân ở đây luôn thấy ông bận rộn vừa sản xuất vừa học hỏi, vừa đi khắp nơi để tìm đối tác chào bán hàng “độc”. Thời gian ở vườn, theo sát sự phát triển từng trái bưởi chiếm hết quỹ thời gian của ông. Những trái bưởi hồ lô có chữ tài, lộc, hình rồng, hình phụng nổi trên vỏ trái bưởi rất đặc sắc mà ông tạo ra đã làm thỏa mãn thị hiếu của bao khách hàng.

Biệt tài của nông dân Ngô Văn Sơn cùng niềm đam mê lớn với tạo bưởi hồ lô này là có thể tạo ra chùm gồm 2-3 hoặc 4 trái bưởi hồ lô ngay trên cùng một cuống vừa cân xứng, đạt độ thẩm mỹ cao. Cả vườn bưởi chỉ có thể tạo ra được 10 chùm bưởi như thế, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho ông. Nguyên chùm 3 trái bưởi hồ lô giá khoảng 5-6 triệu đồng, còn chùm bưởi 4 trái hồ lô tứ quý sẽ có giá khoảng 9-11 triệu đồng nhưng vẫn không kén người mua, “cháy” hàng ngay thời điểm hiện tại.

“Khi tạo bưởi hồ lô thành công, tôi luôn trăn trở để tìm lối đi riêng cho thương hiệu của mình. Quy trình sản xuất bưởi hồ lô khắc chữ nổi này cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó quan trọng nhất là không chứa chất kích thích, chất bảo quản. Ngoài mẫu mã, hình dáng, chất lượng trái cũng góp phần mang lại tiếng tăm cho tôi” - ông hồ hởi nói.

Ông Sơn còn ấp ủ kế hoạch với nhiều dự định tìm cách tạo hình trái bưởi có hình dạng phong phú hơn. Nếu thành công thì sẽ mở rộng thị trường từ nội địa ra xuất khẩu nước ngoài. Với niềm đam mê nghề nghiệp, kỳ công trong cách tạo hình dáng và chăm sóc, những trái bưởi hồ lô đã giúp ông thu về một khoản tiền lớn, đổi vận may mắn. Từ mô hình trồng bưởi “độc” của ông Sơn, nhiều hộ dân ở xã Tân Bình bắt đầu áp dụng kỹ thuật tạo hình cho trái bưởi mới, hứa hẹn sẽ mang lại những vụ bưởi bội thu sắp tới.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều