Báo Đồng Nai điện tử
En

Ra đời trong bão táp (Bài 1)

11:03, 25/03/2015

Ngày 28-3-1935, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất, Đảng đã ra "Nghị quyết về đội tự vệ" chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và tổ chức hoạt động của lực lượng tự vệ.

Ngày 28-3-1935, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất, Đảng đã ra “Nghị quyết về đội tự vệ” chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và tổ chức hoạt động của lực lượng tự vệ. Nghị quyết về đội tự vệ là sự khởi đầu của tư tưởng vũ trang toàn dân và tư tưởng chiến tranh nhân dân với phong trào toàn dân đánh giặc. Sau khi có nghị quyết của Đảng, các đội tự vệ công - nông mang tính chất là những tổ chức vũ trang quần chúng kháng chiến lần lượt ra đời khắp 3 miền Tổ quốc. Ngày 28-3 được xem là ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ.

Du kích Long Thành đánh địch càn quét.
Du kích Long Thành đánh địch càn quét.

Trước Cách mạng Tháng 8, ở Đồng Nai đã có nhiều tổ chức vũ trang tự vệ chống lại thực dân Pháp, như: Đội vũ trang cách mạng của Tỉnh ủy Biên Hòa, Đội du kích Sở Tiêu, Đội du kích Lạc An, Quốc gia tự vệ Cuộc... Tháng 5-1946, thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Biên Hòa đã ra nghị quyết thống nhất các đơn vị vũ trang toàn tỉnh thành một tổ chức đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Từ đó, hoạt động đấu tranh vũ trang, đặc biệt là chiến tranh du kích của tỉnh có bước phát triển mới.

* Lớn mạnh từ trong máu lửa

Đại tá Nguyễn Trí Thức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, cho biết giai đoạn từ giữa tháng 6-1946 đến 5-1951, các tổ chức vũ trang của tỉnh có bước phát triển vượt bậc từ quận quân sự đến tỉnh đội dân quân.

Quận quân sự là một tổ chức quân sự - hành chính được bố trí theo khu vực thuận tiện cho hoạt động kháng chiến và làm nhiệm vụ xây dựng, phát triển lực lượng dân quân du kích. Trong giai đoạn này, Biên Hòa đã thành lập được Tỉnh đội dân quân Biên Hòa và các Huyện đội dân quân: Tân Uyên, Châu Thành, Xuân Lộc, Long Thành, mỗi huyện có từ 1-2 trung đội dân quân tập trung; mỗi xã đội có từ 1-2 tiểu đội du kích tập trung làm nhiệm vụ xây dựng, phát triển lực lượng dân quân du kích và tổ chức cho lực lượng này canh gác nắm địch, diệt tề, trừ gian, độc lập phối hợp với bộ đội tập trung đánh địch tại địa phương, góp phần xây dựng mối quan hệ giữa các đơn vị bộ đội và lực lượng dân quân du kích ở địa phương ngày thêm gắn bó.

Đến giữa năm 1948, toàn tỉnh đã phát triển được 12 ngàn đội viên du kích với 233 súng các loại. Du kích ở các địa phương: Biên Hòa, Long Thành, Xuân Lộc đã phối hợp với bộ đội tổ chức nhiều cuộc phục kích, tập kích vào các cứ điểm quân sự và các toán quân tuần tiễu của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Chỉ riêng khu vực Tân Uyên, trong 6 tháng cuối năm 1948, dân quân du kích phối hợp với bộ đội tổ chức hàng chục trận đánh giao thông, công đồn, phục kích, thu được nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự.

Theo Đại tá Nguyễn Trí Thức, bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù gặp nhiều gian khổ và hy sinh, nhưng từ trong máu lửa của chiến tranh, lực lượng dân quân du kích trong tỉnh không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, được trang bị vũ khí ngày một tốt hơn, đặc biệt là kỹ - chiến thuật tác chiến được nâng cao, đã phối hợp với bộ đội chủ lực liên tục tiến công các căn cứ quân sự, kho tàng làm tiêu hao nặng nề sinh lực địch, như các trận: phá Nhà lao Tân Hiệp, trận đầu diệt Mỹ ở Nhà Xanh, tổng kho Long Bình, sân bay Biên Hòa, kho đạn Thành Tuy Hạ, đánh tàu địch trên sông Lòng Tàu..., hoặc độc lập tác chiến bẻ gãy hàng trăm cuộc càn quét, đánh phá, tìm diệt của quân Mỹ và chư hầu, giữ thế chủ động trên chiến trường, góp phần bảo vệ vững chắc căn cứ cách mạng ở các vùng giải phóng.

* Chiến công của đội quân chân đất

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “không để mất dân, mất đất”, lực lượng dân quân tự vệ trong tỉnh đã kiên cường bám trụ, làm nòng cốt cho nhân dân nổi dậy tiến công tiêu diệt địch, xây nên những chiến thắng vang dội đi vào nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Như trận phục kích đánh vào đoàn xe quân sự của Pháp gồm 70 chiếc tại La Ngà vào tháng 3-1948 của Chi đội 10 và liên quân du kích các địa phương. Trong trận này, quân ta đã phá hủy 59 chiếc xe quân sự các loại, tiêu diệt tại chỗ 150 lính lê dương hộ tống, 25 sĩ quan chỉ huy, trong đó có Đại tá De Saringe, Chỉ huy bán lữ đoàn lê dương số 13; Đại tá Paruist, Phó tham mưu trưởng thứ nhất quân viễn chinh Pháp ở Nam Đông Dương; Thiếu tá chỉ huy Khu Hóc Môn…, bắt sống 200 tù binh, thu nhiều đồ dùng quân sự. Trận La Ngà là chiến thắng quân sự lớn nhất của các lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp đến thời điểm 1948. Chiến thắng đã gây chấn động dư luận ở trong nước và trên thế giới, đến nỗi Quốc hội Pháp đã chất vấn Chính phủ Pháp về trận La Ngà, khiến viên Đại tá Talles, chỉ huy trưởng khu vực Đồng Nai thượng, tự tử.

Hay như trận đánh phá tháp canh cầu Bà Kiên của Đội du kích Tân Uyên do Đội trưởng Trần Công An (Hai Cà) chỉ huy vào tháng 3-1948. Trận này, du kích đã diệt tại chỗ 11 tên lính canh, thu 8 súng và 20 lựu đạn. Chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên đã gây tiếng vang lớn, lần đầu tiên tháp canh địch bị tiêu diệt, mà quan trọng hơn là mở ra lối đánh mới, lối đánh đặc công tiêu diệt tháp canh, lô cốt của địch, làm phá sản chiến thuật De Latour mà Pháp đã xây dựng để bao vây, chia cắt lực lượng cách mạng địa phương.

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam nói chung, Dân quân tự vệ Đồng Nai nói riêng, xứng đáng với lời khen của Bác Hồ: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó thì địch nào cũng phải tan rã”.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với phương châm “ba bám” và chiến thuật “vây lấn tấn triệt diệt”, lực lượng dân quân du kích các địa phương trong tỉnh đã liên tục tổ chức tiến công địch, gây cho chúng thiệt hại nặng nề. Trong từng đợt hoạt động (mùa khô 1965-1966, 1966-1967, 1967-1968, Xuân Kỷ Dậu 1969 và các đợt đánh phá ấp chiến lược, đánh bình định...) của dân quân du kích đã góp phần làm phá sản hoàn toàn các kế hoạch chiến lược của đế quốc Mỹ.

Chỉ tính riêng giai đoạn từ 1971-1975, du kích các địa phương phối hợp hoặc độc lập tác chiến đã tổ chức phục kích, tập kích vào các đồn bót, căn cứ quân sự của các đơn vị Mỹ - ngụy và chư hầu, như: lực lượng du kích Bình Lộc, Bảo Vinh (TX.Long Khánh) đánh các đồn bót, căn cứ quân sự của các đơn vị Mỹ - ngụy; tổ chức đánh địch hành quân càn quét vào vùng giải phóng của ta, của lực lượng du kích Rừng Lá (huyện Xuân Lộc), Phước An, Long Thọ (huyện Nhơn Trạch); đánh phá ấp chiến lược, bức rút đồn địch của du kích Trị An, Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu), Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); diệt tề, trừ gian của du kích Phú Hội, Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch), Hiệp Hòa, Bình Đa (TP.Biên Hòa)…

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng dân quân du kích ở Định Quán, Phương Lâm, Bình Lộc, Bảo Vinh, Bảo Chánh, Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa, Vĩnh Cửu… đã liên tục tổ chức đánh địch, chia lửa với chiến trường chính và làm nòng cốt trong việc vận động nhân dân nổi dậy diệt ác, phá kiềm, làm chủ xã, ấp, góp phần cùng các cánh quân chủ lực giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đức Việt

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều