Báo Đồng Nai điện tử
En

Thế trận giằng co bên trong TX.Long Khánh (Bài 2)

02:04, 21/04/2015

Sau khi nổ súng tiến công Xuân Lộc, ngày đầu tiên quân ta đã chiếm được một nửa TX.Long Khánh, toàn bộ khu hành chính tiểu khu, đã đưa được 3 tiểu đoàn chốt trong thị xã và chia cắt đường số 1 từ ngã ba Dầu Giây đến đèo Mẹ Bồng Con. Tuy nhiên, cuộc chiến không hoàn toàn diễn ra như mong muốn...

Sau khi nổ súng tiến công Xuân Lộc, ngày đầu tiên quân ta đã chiếm được một nửa TX.Long Khánh, toàn bộ khu hành chính tiểu khu, đã đưa được 3 tiểu đoàn chốt trong thị xã và chia cắt đường số 1 từ ngã ba Dầu Giây đến đèo Mẹ Bồng Con. Tuy nhiên, cuộc chiến không hoàn toàn diễn ra như mong muốn...

[links()]Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4), kể lại ngày đầu tiên nổ súng tiến công Xuân Lộc, tuy lực lượng của Sư đoàn 7 bị tiêu hao nhiều, bên trong TX.Long Khánh địch có thay đổi lại cách bố phòng nhưng chưa tăng thêm lực lượng chi viện và đang bị phân tán chống đỡ ở nhiều nơi. Do vậy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tiếp tục ra lệnh tiến công diệt Sư đoàn 18 địch, giải phóng TX.Long Khánh.

Mũi đột phá của Sư đoàn 7 tại hướng Đông TX.Long Khánh.
Mũi đột phá của Sư đoàn 7 tại hướng Đông TX.Long Khánh.

* Giành giật từng bụi cây, góc phố

Trước thế phòng thủ mới của địch, vào ngày 10-4-1975, Sư đoàn 7 đưa lực lượng dự bị là Trung đoàn 41 cùng một tiểu đoàn hỗn hợp gồm pháo cao xạ 37 ly và 57 ly đột phá từ hướng Bắc, cùng với Trung đoàn 165 tiến đánh căn cứ Sư đoàn 18. Bị chiến đoàn 52 và Trung đoàn 5 Thiết giáp địch phản kích quyết liệt, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141 không mở được cửa đột phá. Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 141 cũng chỉ chiếm được ngã tư ở phía Đông Nam hậu cứ chiến đoàn 52. Trung đoàn 165 chiếm được khu gia binh và tiến đến sân bay Cáp Rang. Trung đoàn 209 tiến công thị xã từ phía Nam, đánh thiệt hại chiến đoàn 43 địch, nhưng vấp phải tuyến phòng thủ dã ngoại của địch ở phía Nam sân bay nên phải dừng lại củng cố bàn đạp.

Ở hướng tiến công của Sư đoàn 341, trước sự phản kích quyết liệt của địch, Sư đoàn 341 phải đưa thêm Trung đoàn 270 vào thị xã cùng với Trung đoàn 266 đánh địch phản kích, giữ các mục tiêu đã chiếm.

Ông Phùng Đức Thuận (nguyên xạ thủ súng máy cao xạ 12,7 ly của Trung đoàn 270, Sư đoàn 341) chia sẻ, cuộc chiến thời điểm đó diễn ra hết sức khốc liệt, ta cố đánh, địch cố giữ nên sự thiệt hại của hai bên rất lớn.

Ông Thuận cho biết, Tiểu đoàn 5 và 7 thuộc Trung đoàn 266 bốn lần đột phá sân bay Cáp Rang đều bị địch đánh bật trở lại. Các mũi tiến công trại Lê Lợi, căn cứ chiến đoàn 43, quân ta phải chiến đấu giằng co với địch dưới làn mưa đạn và bom, pháo của địch. Có chiến sĩ bắn hết đạn đã cướp vũ khí của địch đánh địch. Nhiều tổ, phân đội bị địch chia cắt, bao vây vẫn kiên cường giữ vững trận địa. Chiến sĩ liên lạc Đại đội 9, Trung đoàn 66 Phạm Văn Lái dẫn một tổ vu hồi vào sau đội hình địch. Trong tình huống một mình nằm giữa vòng vây, anh đã lấy được một khẩu AR15 và 2 quả lựu đạn Mỹ dựa vào công sự tiếp tục chiến đấu. Sau đó, anh cùng 3 chiến sĩ du kích địa phương lập thành một tổ đánh lui hàng chục đợt phản kích của địch, diệt 31 tên. Bị thương ở tay trái, anh tự băng bó để tiếp tục chiến đấu, giữ vững trận địa cho tới khi đồng đội đến chi viện. Phó đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 270 Nguyễn Văn Sửu, chỉ huy đơn vị đưa pháo 85 ly vào gần mục tiêu chi viện cho bộ binh bị mảnh đạn địch làm giập nát cả 2 đùi, nhưng vẫn động viên chiến sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Ngày 11-4, chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra giằng co, ác liệt ở bên trong và bên ngoài TX.Long Khánh.

* Cố thủ tại “cánh cửa thép”

Trước sức tiến công dồn dập của quân giải phóng và để tăng cường lực lượng phòng giữ TX.Long Khánh, ngày 12-4, địch điều Lữ đoàn dù số 1 từ Sài Gòn đến ngã ba Tân Phong. Ba ngày sau, chúng tăng cường thêm 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến, 1 tiểu đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh và 2 chi đoàn xe tăng, thiết giáp khoảng 300 chiếc “ném” vào mặt trận Long Khánh. Nếu tính cả Sư đoàn 18 và các đơn vị đã bố trí ở Xuân Lộc trước ngày quân ta nổ súng, địch đã tập trung nơi đây 50% lực lượng bộ binh, 60% pháo binh, hầu hết xe tăng của Quân đoàn 3 và các lực lượng dự bị tổng hợp tương đương một sư đoàn.

Không quân từ các sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất được huy động với mức độ cao, trực tiếp chi viện cho các mũi phản kích bộ binh, xe tăng và đánh vào đội hình tiến công của quân giải phóng. Vào thời điểm đó, địch đã sử dụng máy bay ném bom trung bình mỗi chiếc 80 lần/ngày, cao nhất 125 lần/ngày. Chúng ném cả bom CBU có sức hủy diệt lớn, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho các mũi tiến công của ta.

Hãng tin Reuters của Anh đưa tin: “Trận đánh Xuân Lộc để chiếm đường số 1 đã trở thành trận đọ sức gay go, ác liệt nhất. Mất đường này sẽ mở đường cho một cuộc tiến công trực tiếp vào căn cứ không quân Biên Hòa chỉ cách Sài Gòn hơn 29km về phía Đông Bắc”.

Qua 3 ngày chiến đấu, về cơ bản quân ta đã chiếm được một số mục tiêu, diệt được một bộ phận sinh lực địch trong thị xã, giữ một số bàn đạp quan trọng, nhưng chưa diệt gọn được một đơn vị nào của địch. Về phía ta, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 thương vong hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ; 9 xe tăng của ta sử dụng trong trận đánh đã bị bắn cháy và 6 chiếc bị phá hỏng; pháo 57 ly và 85 ly bị thiệt hại gần hết vì bom, pháo địch. Đạn pháo cho quân ta sử dụng trong trận đánh thì chưa đưa lên kịp.

Trung tướng Lê Nam Phong kể lại, xét về mặt chiến lược thì lúc này địch đang rối loạn, đổ vỡ lớn. Nhưng do vị trí phòng thủ sống còn của địch ở Xuân Lộc, lực lượng quân địch đông, lại có công sự vững chắc làm chỗ dựa, có chuẩn bị và được tăng cường lực lượng nên đã chống trả quyết liệt, gây cho ta nhiều tổn thất và bước đầu ngăn được sức tiến công của quân ta.

Thấy được khó khăn này, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã họp rút kinh nghiệm với chỉ huy các sư đoàn và nhìn nhận, khi tấn công Long Khánh, ta không dự kiến hết sự phản ứng của địch; lực lượng tiến công của ta chưa đủ mạnh, các đơn vị chưa được bổ sung quân số sau nhiều tháng chiến đấu liên tục và chưa được chuẩn bị kỹ cho trận đánh. Do thời gian chuẩn bị ngắn (5 ngày), việc nghiên cứu địa hình và cách bố phòng của địch chưa đủ cho một trận đánh phức tạp; cách đánh địch trong một khu vực rộng, nhiều mục tiêu, quân địch đông, binh khí kỹ thuật mạnh, có công sự vững chắc chưa được ta nghiên cứu, thảo luận kỹ ở các đơn vị. Việc chọn hướng và cách đánh cũng chưa phù hợp; hướng Tây Nam địch có nhiều sơ hở nhưng ta không có lực lượng tiến công; hướng Đông và hướng Đông Bắc là tuyến phòng thủ rắn nhất của địch nhưng Quân đoàn 4 lại chọn đây là hướng tiến công chủ yếu vì nhận định từ đây có thể nhanh chóng đột phá vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 18 của địch. Ở hướng này, chính diện tiến công rộng, có thể phát huy được sức mạnh của binh khí kỹ thuật nhưng quân ta phải từ dưới cánh đồng thấp ngược đồi đánh lên, phải mở 8-9 lớp rào kẽm gai, vượt qua hệ thống hầm, hào chống tăng và các vị trí phòng thủ vòng ngoài của địch mới có thể vào được trung tâm thị xã. Khi nổ súng tiến công, lực lượng của Sư đoàn 7 ở hướng này không nhiều hơn, thậm chí ít hơn quân địch, việc tổ chức đột phá, mở cửa chưa tốt, pháo binh, xe tăng là lực lượng đột kích mạnh nhưng chưa phát huy được tác dụng, lại bị thiệt hại vì bom, pháo địch từ sớm nên đã làm giảm đi sức tiến công của bộ đội trong 3 ngày đầu chiến đấu.

Đức Việt

 

 

 

Tin xem nhiều