Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện ông Ba Tài y tế

12:05, 23/05/2015

Dù cảnh gà trống nuôi con vất vả, nhưng ông Lương Văn Ba (tên thường gọi Ba Tài) vẫn gật đầu nhận lời làm nhân viên y tế ấp Bình Lục (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) với phụ cấp mỗi tháng chỉ đủ mua lon sữa cho con.

Dù cảnh gà trống nuôi con vất vả, nhưng ông Lương Văn Ba (tên thường gọi Ba Tài) vẫn gật đầu nhận lời làm nhân viên y tế ấp Bình Lục (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) với phụ cấp mỗi tháng chỉ đủ mua lon sữa cho con. Ông Ba Tài nhớ lại, mỗi lần xuống dân tuyên truyền phòng chống sốt rét, suy dinh dưỡng ở trẻ em, kế hoạch hóa gia đình…, ông muốn khàn cả giọng vì phải gõ cửa từng nhà để truyền đạt.

Ông Ba Tài đến nhà dân cân sức khỏe cho trẻ em.
Ông Ba Tài đến nhà dân cân sức khỏe cho trẻ em.

Năm 1993, sau nhiều lần cân nhắc xem xét nhân sự, trưởng ấp Ba Đương quyết định chọn ông Ba Tài giữ chân cán bộ y tế ấp Bình Lục. Để ông Ba Tài nhận nhiệm vụ, trưởng ấp Ba Đương liên tục đến nhà ông làm công tác tư tưởng, động viên và khích tướng rằng: “Mày có kiến thức mà không đem ra phục vụ bà con thì uổng phí công sức đi học. Hơn nữa, bà con ấp Bình Lục đang cần người có khả năng giúp nâng cao đời sống bà con, chẳng lẽ mày đứng nhìn được sao?”.

Kỷ niệm vào nghề

Trước lời khích tướng có lý của trưởng ấp Ba Đương, ông Ba Tài gật đầu nhận lời. Tuy vậy, trong lòng ông cũng có đôi chút bất an khi nhìn 4 đứa con đang thiếu mẹ (vợ chồng ông ly hôn), mấy công ruộng, mảnh đất vườn cần người vun xới.

Sau một tuần gửi 4 đứa nhỏ cho nội, ngoại chăm sóc để lên huyện Vĩnh Cửu tập huấn chuyên môn, ông Ba Tài xông xáo đến từng nhà dân trong ấp truyền đạt lại những điều vừa được học cho mọi người biết. Thời điểm đó, nhiều hộ gia đình trong ấp Bình Lục đang vắt chân lên cổ chạy ăn từng bữa, phụ nữ sinh đẻ nhiều, bệnh dịch mùa nào cũng xuất hiện…, buộc ông Ba Tài phải nghĩ cách thực hiện cho được các mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trong trẻ em, tỷ lệ sinh đẻ, bệnh sốt rét, bệnh phụ khoa… do trạm y tế xã giao. “Lúc đó tui nghĩ không nhận lời thì thôi, một khi đã nhận lời với xã, ấp thì phải ráng làm thật tốt chứ không được nản chí” - ông Ba Tài bộc bạch.

Nói là làm, ban ngày ông Ba Tài lo cơm nước cho 4 đứa con đang tuổi ăn học và chăm sóc mấy công ruộng, khu vườn. Chiều đến, ông bắt đầu xách cái túi y tế (bên trong đựng tờ rơi, phiếu khám sức khỏe, bao cao su), bàn cân, thước đo… đi đến từng nhà dân trong ấp. Ông Ba Tài cứ đủng đỉnh men theo các bờ ruộng đến từng nhà “thuyết giảng” về cách chăm sóc trẻ, bảo vệ bà mẹ, sinh đẻ có kế hoạch, phòng chống dịch bệnh… chẳng chút ngại ngùng. Lần đầu nói chuyện mọi người chưa thông nên hay bắt bẻ, hoặc cự nự ông Ba Tài này nọ, nhưng ông không tự ái mà vẫn kiên trì giải thích, hoặc chiều lòng mấy tay bợm nhậu vài ly rượu đế để giải thích cho cặn kẽ mới về.

Trời tháng 6-7 mưa dầm, ông Ba Tài thường xuyên mắc mưa ướt như chuột lần đường về nhà. Có hôm đèn pin mang theo bị hỏng, ông phải dò chân theo các bờ ruộng mà bước. Về tới nhà, nhìn 4 đứa con đang ôm nhau ngủ, ông Ba Tài xót lòng nhủ thầm: “Ngày mai không làm y tế ấp nữa”. Vậy mà, hôm sau lên trạm y tế xã định nói lời xin nghỉ, được trạm y tế xã giao việc mới ông lại quên mất điều vừa nghĩ tối qua. Chiều xuống, ông lại xách túi y tế xuống nhà dân, bỏ 4 đứa con nhỏ ở nhà để làm nhiệm vụ của cán bộ y tế ấp với tiền phụ cấp ba cọc, ba đồng.

Niềm vui trong công việc

Từ ngày ông Ba Tài phụ trách y tế ấp Bình Lục, 100% trẻ em trong ấp được tiêm phòng, chăm sóc y tế đúng độ tuổi, đúng định kỳ và đúng kế hoạch. Riêng cánh phụ nữ thì rất sợ đẻ, sợ đẻ dày nên tự giác đăng ký thực hiện các biện pháp tránh thai, hoặc kiên quyết “cấm cung” khi các ông chồng “đụng chạm” mà không chịu dùng bao cao su. Mỗi lần được xã, huyện đánh giá ấp Bình Lục hạ thấp tỷ lệ các cặp vợ chồng có 3-4 con từ 20% xuống 10%, 5%, 1-2%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng không còn; công tác y tế dự phòng được phát hiện sớm nên dập dịch kịp thời…, ông Ba Tài cứ vậy ra xã, lên huyện nhận giấy khen, bằng khen về nhà treo.

Chỗ gần nhà thì ông Ba Tài đi bộ, điểm xa thì ông đi xe máy cho nhanh.
Chỗ gần nhà thì ông Ba Tài đi bộ, điểm xa thì ông đi xe máy cho nhanh.

Ông Ba Tài tâm sự, việc ra xã, lên huyện, tỉnh nhận giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương về nhà treo cũng thấy mát lòng mát dạ, hãnh diện. Nhưng một khi đã nhận sự khen ngợi của cấp trên thì công việc càng phải làm nhiều hơn, kỹ càng hơn và không dám bê trễ. Chính vì thấy ông chăm con giỏi, lo chuyện thiên hạ cũng tốt nên bà Lê Thị Bảy chấp nhận về phụ giúp ông lo cho 4 đứa nhỏ ăn học và nay các con ông đã yên bề gia thất. Còn về bà con ấp Bình Lục thì mỗi khi thấy ông Ba Tài đi trên các bờ ruộng để vào nhà mình, họ vội vã pha bình trà để đón tiếp, kêu bọn trẻ trong nhà tắm gội sạch sẽ cho trôi đất bám trên người để ông Ba Tài cân cho đúng ký.

Với 22 năm làm y tế ấp, ông Ba Tài vẫn nhớ hoài kỷ niệm một lần ông cùng cán bộ y tế xã mang thuốc, dụng cụ đến nhà dân xịt thuốc diệt muỗi, lăng quăng dập dịch sốt rét thì bị một người nhậu say cản đường, đòi mượn cái bình xịt để xịt lúa rồi trả lại. “Dân nhậu đâu có sợ y tế ấp, nên mỗi lần đến nhà dân mà gặp mấy tay nhậu cũng lắm phiền phức và mất nhiều thời gian để tuyên truyền” - ông Ba Tài nói.

Lần giở từng cuốn sổ ghi chép đã bạc màu thời gian, ông Ba Tài kể thời ấp Bình Lục còn khó khăn, trẻ em bị suy dinh dưỡng rất nhiều. Nhiều đứa trẻ bụng to như trái banh, chân tay lều khều rất tội nghiệp khi nhà đông anh chị em, bữa ăn hàng ngày chỉ là cơm rau, nước mắm mà không có thịt, cá. Các sản phụ mới sinh đẻ được vài ngày đã lò dò khỏi giường tắm giặt, lội ruộng nhổ cỏ. Các ông chồng công việc xong thì tụ nhau nhậu, ít quan tâm đến vợ con, buộc lòng ông phải góp ý. “Ngoài nhiệm vụ y tế ấp, tui chẳng ngại khi đóng góp với bà con trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, chăm sóc con cái, lo làm ăn. Tui nói riết bà con cũng tin và hiểu. Vì vậy, khi nhà có chuyện gì bà con cũng tìm đến tui nhờ tư vấn hay viết giùm tờ đơn gửi lên xã, huyện” - ông Ba Tài nói.

Ấp Bình Lục giờ không còn những đứa trẻ suy dinh dưỡng, các bà mẹ đã dừng sinh khi có con thứ hai, các ổ dịch sốt rét, tiêu chảy đã được dập từ nhiều năm trước. Tuy vậy, ông Ba Tài vẫn không dám lơ là nhiệm vụ khi chương trình y tế quốc gia đã về ấp, xã với các tiêu chí ngày một khắt khe hơn. Ông Ba Tài hài hước nói: “Công việc của tui chỉ lo cho người ta khỏe, giàu có, còn tui chẳng tăng được ký lô hay khá giả thêm tí nào suốt 22 năm qua. Mấy người bạn thời học phổ thông nay đã làm ông này bà nọ, trong khi tui vẫn là anh cán bộ y tế ấp, mỗi lần xuống nhà dân thì xách cân to, cân nhỏ chẳng khác nào bà bán hàng xén. Nhưng chưa chắc ai đã vui bằng tui”.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích