Báo Đồng Nai điện tử
En

Khúc sông, đời người

11:05, 10/05/2015

Ngày nắng, mặt nước yên ả mái chèo. Ngày mưa gió, sóng to, sóng nhỏ chòng chành mái chèo. Bao năm bám khúc sông, con lạch mưu sinh, những người như anh Tư Kim, bà Ba Rết, vợ chồng ông Năm Đủ… luôn khát khao cảnh gia đình, con cái được đủ đầy, ấm êm.

Ngày nắng, mặt nước yên ả mái chèo. Ngày mưa gió, sóng to, sóng nhỏ chòng chành mái chèo. Bao năm bám khúc sông, con lạch mưu sinh, những người như anh Tư Kim, bà Ba Rết, vợ chồng ông Năm Đủ… luôn khát khao cảnh gia đình, con cái được đủ đầy, ấm êm.

Ngư dân xóm câu Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) chuẩn bị ra sông.
Ngư dân xóm câu Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) chuẩn bị ra sông.

2 giờ sáng, anh Tư Kim (ngụ ấp 2, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) đã có mặt tại chân đập thủy điện Trị An để thả những tay lưới dài hàng chục mét chờ cá đi qua. Đêm vắng vẻ một mình, anh Tư Kim chỉ biết làm bạn với chiếc radio nhỏ và niềm hy vọng cá sẽ theo lưới khi kéo lên xuồng.

* Đời người

Mấy năm trước, anh Tư Kim đưa cả nhà sang bên kia sông cất chòi để làm nghề. Từ ngày 3 đứa con anh Tư Kim đến tuổi đi học, vợ chồng anh mới chuyển nhà về bên này sông để tụi nhỏ thuận tiện việc học. Sau khi dời nhà về bên này sông, căn chòi nhỏ của anh cũng bị dân đi rừng, rẫy thuận tay đốt cháy, khiến anh mất chỗ trú ngụ tạm bợ tháng mưa.

Anh Tư Kim cho biết, khúc sông này có bãi đá rộng mấy sào, ngày nào thủy điện Trị An xả nước thì bãi đá chìm trong nước và nhiều cá hơn ngày thường. Bãi đá này được mọi người gọi là bãi đá ma vì nơi đây thường thấy xác của những người chết đuối từ trên thượng nguồn dạt về.

Làm nghề một mình giữa đêm khuya khoắt nơi bãi đá ma, trong đầu anh Tư Kim chỉ luôn suy nghĩ về cá và cuộc sống của vợ con ở nhà nếu đêm nay không bắt được vài ký cá lớn, nhỏ.

Anh Tư Kim thổ lộ, anh là dân xứ khác về đây làm thuê mướn. Sau khi lập gia đình với chị Cúc, vợ chồng anh chuyển sang nghề thả lưới cá vì cả hai không có đất để làm rẫy, vườn. Nhờ kiên trì bám khúc sông này, vợ chồng anh đã mua được miếng đất nhỏ cất ngôi nhà cấp 4, 3 đứa con được đi học tử tế. “Mùa nắng vợ chồng tui còn tranh thủ tỉa bắp, trồng bầu bí trên những bãi đá cao. Nhờ vậy mà đủ sống, đủ lo cho tụi nhỏ ăn học” - anh Tư Kim vừa dùng mái chèo đập nước đuổi cá vừa nói.

Xuôi theo dòng nước cách khúc sông anh Tư Kim thả lưới cả chục cây số, vợ chồng ông Năm Đủ (quê Tây Ninh) đang neo chiếc ghe máy vừa là nhà, vừa làm phương tiện đánh bắt cá tại khúc sông ấp 2, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu). Ông Năm Đủ thân thiện mời chúng tôi xuống ghe máy uống trà để ông bày tỏ tâm sự. Đời ông bôn ba sông nước nên ít bạn, ít hiểu chuyện trên bờ. Tuy vậy, vợ chồng ông cũng tự hào khi có 2 đứa con học đại học, cao đẳng ở TP.Hồ Chí Minh. “Vì làm nghề bằng ghe lớn nên vợ chồng tui kiêm luôn việc bán vài thứ lặt vặt cho những người đi trên sông nước, như: bột ngọt, mắm muối, thuốc lá... Số tiền kiếm được trong ngày, vợ chồng tui dành dụm để nuôi con ăn học” - ông Năm Đủ bộc bạch.

Chiếc ghe lớn của ông Năm Đủ giá trị trên 50 triệu đồng. Để sắm được chiếc xe này, vợ chồng ông phải mất hơn 7 năm tích cóp từ việc đánh bắt cá bằng chiếc xuồng máy nhỏ và vay thêm ít tiền từ các mối thu mua cá. Nhằm tiết kiệm tối đa chi tiêu, ông Năm Đủ chỉ dùng ghe lớn chạy về bến khi nước ngược, thả lưới thì dùng xuồng nhỏ. Lúc về bến, vợ chồng ông chỉ lui cui nấu ăn, chờ thương lái đến cân cá hơn một giờ rồi đi làm tiếp, hoặc tìm chỗ mát neo ghe nghỉ ngơi. “Vợ chồng tui vì 2 thằng con mà ráng làm. Sau này tụi nó thành tài thì lên bờ hưởng phúc” - bà Năm Đủ tỏ bày.

* Cuộc sống

Vùng đất Nhơn Trạch nhiều kênh rạch thông với các nhánh sông, ông Hai Thu (ấp Đất Mới, xã Phú Hội) vẫn kiên trì với công việc chặt lá, hái dừa nước bán cho các mối. Ông Hai Thu nhoẻn miệng cười thật tươi khoe, nhờ ít người làm nghề hái lá dừa nước và dân trên bờ ngày càng khoái khẩu món dừa nước tươi để giải nhiệt nên cha con ông kiếm được gần 200 ngàn đồng/ngày. Làm nghề chặt lá và hái trái dừa nước, cha con ông quanh năm bám chặt khúc sông, các con rạch trong và ngoài xã Phú Hội để kiếm sống.

Bám sông nước mưu sinh.
Bám sông nước mưu sinh.

Nói rồi, ông Hai Thu chỉ tay về hướng chiếc chòi nhỏ bằng lá đằng xa, nơi vợ chồng anh Út Tánh (quê tỉnh Sóc Trăng) đang nương nhờ đất của người dân địa phương để nuôi vịt. Trước kia, vợ chồng anh Út Tánh làm nghề đóng đáy tại khúc sông này. Do làm ăn thua lỗ, vợ chồng anh chuyển sang nghề nuôi vịt đẻ, vịt thịt. Cầm tay chúng tôi kéo vào nhà như người thân quen, anh Út Tánh kêu chị Thu (vợ anh) bắt con vịt đẹt trong bầy làm mồi đãi khách. Chúng tôi từ chối, anh trách chúng tôi từ chối là khinh khi anh nghèo, không gần gũi và thật lòng với nông dân. “Người nào đi lọt vô khúc sông “khỉ ho, cò gáy” này thì vợ chồng tui đều xem là bạn. Đã là bạn thì phải mần ly rượu kết thân chứ” - anh Út Tánh chân chất nói.

Ngư dân Hai Chí (xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) tỏ bày, ngư dân thì bám sông, kênh, rạch đánh bắt cá, còn người làm dịch vụ sông nước thì bám ngư dân để sinh tồn.

“Mần” hết con vịt đẹt của vợ chồng anh Út Tánh thì trong người lâng lâng chúng tôi xin phép anh về để chiều đến xã Phước An nhờ ngư dân Tám Tùng (một người quen) chở đi thăm dòng sông Thị Vải. Lời ngư dân Tám Tùng rủ rê trước đó thật sự gây tò mò với chúng tôi rằng, ngoài những ngư dân làm nghề chài lưới địa phương, có cả ngư dân từ các tỉnh khác về đây hành nghề và sống như đại gia đình trên sông nước.

Được chúng tôi hỗ trợ 300 ngàn đồng tiền dầu, ngư dân Tám Tùng vui vẻ vận chuyển, cập xuồng máy vào các khúc sông để chúng tôi làm quen với ngư dân miền Tây, những người canh giữ đầm tôm, cua cho chủ và cả những ghe tạp hóa.

Ngư dân Tám Tùng lý sự: “Sông lớn nên ghe tàu tấp nập qua lại. Vì vậy, nó kéo theo nhiều dịch vụ hậu cần phục vụ cho ngư dân trong thời gian đánh bắt, như: bán xăng dầu, thực phẩm, nước đá, cá tôm và cả dịch vụ gái nhảy tàu...”.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều