Báo Đồng Nai điện tử
En

Chảy đi, sông ơi

06:06, 27/06/2015

"Trời không cho ai được hoàn toàn, nhưng cũng không lấy đi của ai hoàn toàn. Tôi không may mắn, bị mù nhưng bù lại các giác quan khác rất tinh nhạy, trở thành "mắt" của tôi, giúp tôi sinh hoạt, làm việc không thua kém gì người bình thường" - Chủ tịch Hội Người mù huyện Trảng Bom Nguyễn Thị Kiều Giang tự tin đi lại, làm việc, lấy các vật dụng trong văn phòng để chứng minh điều đó.

“Trời không cho ai được hoàn toàn, nhưng cũng không lấy đi của ai hoàn toàn. Tôi không may mắn, bị mù nhưng bù lại các giác quan khác rất tinh nhạy, trở thành “mắt” của tôi, giúp tôi sinh hoạt, làm việc không thua kém gì người bình thường” - Chủ tịch Hội Người mù huyện Trảng Bom Nguyễn Thị Kiều Giang tự tin đi lại, làm việc, lấy các vật dụng trong văn phòng để chứng minh điều đó.

Nguyễn Thị Kiều Giang trao đổi về vấn đề sinh hoạt Hội với Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới. Ảnh: T.Thúy
Nguyễn Thị Kiều Giang trao đổi về vấn đề sinh hoạt Hội với Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới. Ảnh: T.Thúy

Cách đây 38 năm, cô bé Kiều Giang ra đời, bình thường như bao bé gái khác. 11 tuổi, chỉ sau một cơn bệnh, mắt của Giang bị tổn thương, từ từ mờ dần cho đến lúc Giang chìm hẳn trong bóng tối. 16 tuổi, trong khi các bạn gái trong xóm tung tăng đến trường trong tà áo dài trắng, một vài bạn gái ngày nào cũng có “cây si” trồng ngay trước nhà, thì Giang tuyệt vọng đón nhận một sự thật: cuộc đời vĩnh viễn chìm trong bóng tối, không bao giờ còn thấy lại được ánh sáng, đồng nghĩa với đóng mọi cánh cửa ước mơ, tắt hết những hoài bão được học hành, cống hiến.

* Không khuất phục

Có lúc, Giang đã nghĩ đến cái chết. Với Giang, chết là sự giải thoát khỏi kiếp sống tật nguyền. Nhưng với người ở lại, cả đời của cha mẹ, người thân của Giang sẽ sống với nỗi đau mất mát ấy. “Không, phải tiếp tục sống, và còn phải sống tốt, sống vui vẻ cho mọi người an lòng”, cô thiếu nữ mù lòa ấy đã tự nhủ với mình như vậy.

Ước ao lớn nhất của Giang khi đó là được tiếp tục học, nhưng trường học bình thường không có chỗ cho người như Giang. Gia đình Giang lại quá nghèo, không có điều kiện cho con học ở trường dành cho người khiếm thị như Nguyễn Đình Chiểu (TP.Hồ Chí Minh). Không học chữ được thì Giang học những môn năng khiếu phù hợp với người mù, như âm nhạc. Ngày nào mẹ cũng chở Giang đến giáo xứ Bùi Chu để học đàn. Không đọc được nốt nhạc, Giang mò mẫm từng phím đàn để chọn nốt phù hợp với giai điệu bài hát, ghi nhớ và ráp lại thành bản nhạc.  Kiên nhẫn từng chút một, rốt cuộc cô gái nhỏ ấy cũng đàn được một số bản nhạc điêu luyện như người sáng mắt.

Ở lớp học nhạc, Giang quen 2 anh em sinh đôi Hải - Hà. Lúc mẹ vì bận rộn sinh kế không còn đưa đón được, Chế Thanh Hải đã tình nguyện làm đôi chân đưa đón cô. Hải hiền lành, ân cần chu đáo, nhưng một cô gái mù lòa như Giang vẫn không dám mơ ước xa xôi đến tình yêu đôi lứa, bởi cô không muốn làm khổ bất kỳ ai đến với mình. Vậy mà tình yêu vẫn có điều kỳ diệu riêng không sao giải thích được, Giang đón nhận nụ hôn đầu đời của mình với hạnh phúc vô bờ. Tình yêu cũng mang lại tự tin, mang lại sức sống mới, niềm tin rằng những câu chuyện cổ tích vẫn có trong đời thường.

Gia đình Hải phản đối cuộc hôn nhân. Đến với Giang, Hải phải bỏ nghề sửa xe máy, chỉ làm “thợ đụng” loanh quanh xóm để có thời gian chăm sóc cho vợ. “Không lẽ suốt đời mình là gánh nặng cho chồng?”, thế là Giang tập để có thể tự làm tất cả công việc nội trợ trong nhà. Bao nhiêu lần bị phỏng nước sôi, phỏng bàn ủi, cả bị điện giật, nhưng rốt cuộc Giang cũng tự lực được từ việc nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cho đến ủi quần áo. Cậu con trai Chế Vinh ra đời, Giang cũng tự tay mình chăm sóc con. Có như vậy Hải mới yên tâm làm việc trong nhà máy, không còn phải luẩn quẩn ở nhà. Con trai lên 11 tuổi, gia đình Hải mới chấp nhận Giang là con dâu. “Nhà chồng Giang “xa” lắm, đi mất 12 năm mới đến” - Giang nói đùa về “quá trình hội nhập” với gia đình chồng như thế. 

* Tấm lòng để gió cuốn đi

Năm 1999, Hội Người mù huyện Thống Nhất (lúc ấy chưa tách thành 2 huyện Trảng Bom và Thống Nhất) thành lập. Giang đến sinh hoạt, ngay lập tức cảm thấy như “cá gặp nước”. Giang được dạy học chữ Braille, nhờ vậy có thể đọc tất cả các tài liệu, thông tin dành cho người mù. Một chân trời mới đã mở cho Giang, thỏa được những khát khao hiểu biết tri thức. Không chỉ vậy, Giang còn được học vi tính, biết thêm được một số kỹ năng, tiện ích, như biết sử dụng phần mềm ứng dụng trong điện thoại di động dành cho người mù để lưu danh bạ, gửi tin nhắn; học được kỹ thuật massage, bấm huyệt để có thể tự mưu sinh, biết phân biệt các loại tiền...

Nhưng điều quan trọng nhất đối với các hội viên, đó là đã có được nơi để cùng nhau san sẻ những nỗi niềm trong cuộc sống tật nguyền - điều mà ngay cả những người thân dù rất yêu thương cũng khó thể thấu hiểu. Còn với Giang, tham gia hội cô cảm thấy cuộc đời mình không còn quẩn quanh, tẻ nhạt nữa, mà từ nay đã có thể sống có ích hơn cho cộng đồng, ít nhất là đối với những người cùng cảnh ngộ.

“Trong xã hội mênh mông, chỉ cần có một người hiểu được mình đã đủ ấm lòng, đủ tiếp thêm sức mạnh. Huống chi, tôi có rất nhiều người hiểu, động viên, giúp đỡ, nên sức phấn đấu, cống hiến càng tăng thêm gấp trăm lần. Cha mẹ đã đặt tôi tên là Giang, có nghĩa là dòng sông. Đã là sông, thì phải chảy. Tôi muốn là dòng sông cuồn cuộn, mang hạt phù sa nhỏ bé bồi đắp cho đời, chứ không phải là dòng sông quẩn quanh, tù đọng” - Chủ tịch Hội Người mù huyện Trảng Bom Nguyễn Thị Kiều Giang nhẹ nhàng chia sẻ.

Năm 2001, Giang tham gia vào Ban Chấp hành Hội Người mù huyện, và năm 2003 trở thành Chủ tịch Hội Người mù huyện Thống Nhất. “Trong đại hội, tôi đã tự mình đọc văn kiện dài 9 trang” - Giang kể. Đọc văn kiện là điều bình thường với mọi người, nhưng với người mù, nếu phải lần theo chữ Braille để đọc phải mất thời gian gấp mấy lần, ảnh hưởng đến giờ giấc của đại hội. Vì thế, Giang đã tự mình học thuộc 9 trang văn kiện dài lê thê. Sự kiện này đã khiến các hội viên rất tự tin và tự hào về cô chủ tịch trẻ.

Điều đầu tiên cô chủ tịch trẻ quyết tâm thực hiện là tìm việc làm phù hợp cho hội viên tự sinh sống, bớt lệ thuộc và nhất là tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hội viên đi ăn xin như trước kia, bởi người mù cũng cần có lòng tự trọng, có quyền được làm người. Một số nơi tổ chức cho hội viên làm tăm tre, hoặc bó chổi rồi đi bán, nhưng Giang nhận thấy việc làm này rất hạn chế trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Khảo sát kinh nghiệm một số địa phương, Giang thống nhất với các hội viên chọn những công việc, như: massage, bán vé số, làm hàng gia công.

Sau khi hội viên được tập huấn về kỹ thuật, Huyện hội đã mở 2 cơ sở massage ở thị trấn Trảng Bom và xã Sông Trầu để các hội viên hành nghề. Một số hội viên khác có điều kiện cũng mở điểm xoa bóp tại nhà. Đến nay, Hội Người mù huyện Trảng Bom đã có 2 cơ sở và 6 nhóm massage với hơn 30 hội viên tham gia, thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 3 triệu đồng/người - một con số không nhỏ đối với người mù. Có 3 hội viên bản tính thích xê dịch được hỗ trợ làm nghề bán vé số, thu nhập từ 150-200 ngàn đồng/ngày. Với số hội viên còn lại, Giang mày mò đến Công ty Tuico (Khu công nghiệp Hố Nai) xin nhận hàng về làm gia công. Các joint cao su sau khi sản xuất cần được nhặt riêng ra, việc này rất phù hợp với người mù là có thể làm tại nhà, nhất là những người sức khỏe yếu, thu nhập bình quân cũng được khoảng 1 triệu đồng/tháng. Hiện tỷ lệ tập hợp hội viên ở huyện Trảng Bon là 90%, trong đó chỉ còn 2 hội viên không thể làm việc vì sức khỏe quá yếu, hàng tháng đều được các hội viên khác trích thu nhập để hỗ trợ.  

Điều ít ai ngờ là Hội Người mù huyện Trảng Bom đạt rất nhiều giải thưởng trong phong trào văn nghệ của tỉnh và trung ương. Giang cười tủm tỉm: “Muốn đoạt giải thưởng thì phải biết đưa ra “hàng độc”, lạ. Người mù hát, thậm chí cả đàn nữa, đều có. Nhưng đã có ai thấy người mù múa chưa? Chúng tôi đã dàn dựng, tập luyện một số tiết mục múa, cũng có bưng, bê, đỡ, xoay rất nhịp nhàng, tạo ấn tượng mạnh trong các hội thi văn nghệ”. Múa, quả là “món lạ” của riêng Huyện hội Trảng Bom, nhưng không nhìn thấy thì không thể hình dung ra được người mù múa như thế nào. Giang lại cười tủm tỉm: “Thì phải khổ luyện. Người sáng mắt múa bằng tay, chân, thân hình, người mù còn luyện còn thêm các giác quan và cả trái tim để cảm nhận bạn diễn”.  

* Đảng ở trong tim

Bất ngờ hơn, cách đây 3 năm Giang đã qua lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng bằng cách riêng của mình, rất kỳ công. Cũng tập trung nghe giảng tại hội trường như mọi người, nhưng tối về Giang mang tập tài liệu nhờ mẹ đọc, ghi âm lại, sau đó vừa nghe ghi âm vừa viết lại bằng chữ Braille, rồi học thuộc. Đến ngày làm thu hoạch, thay vì viết như mọi người, Giang thực hiện theo hình thức vấn đáp. Ấy vậy mà Giang vẫn đạt loại giỏi.

Thế nhưng, đơn xin vào Đảng của Giang không được chấp thuận bởi lý do cô chỉ mới học hết tiểu học. “Lúc nghe báo không được kết nạp Đảng, tôi rất buồn. Nhưng rồi tôi giấu nỗi buồn đi để không ảnh hưởng đến công việc. Tôi nghĩ dù mình chưa là đảng viên, nhưng tôi đã có Đảng, có Bác Hồ trong tim, tôi tự cho mình là người cộng sản và nguyện sống xứng đáng với ước mơ vào Đảng của mình. Và tôi cũng hy vọng, biết đâu thời gian tới sẽ có sự thay đổi, Đảng sẽ tiếp nhận tôi. 3 năm qua tôi vẫn tiếp tục phấn đấu, không hề dừng lại” - Giang chân thành bộc bạch.

Thanh Thúy

 

 

 

Tin xem nhiều