Báo Đồng Nai điện tử
En

Mẹ, con cùng "vượt vũ môn"

11:08, 26/08/2016

Phần cơm giữa ca của công nhân ít thịt cá nhưng chị Mai Thị Khang (ngụ ấp Núi Tung, xã Suối Tre, TX.Long Khánh) vẫn cố nín nhịn, rồi xin thêm phần thức ăn thừa của đồng nghiệp đem về nhà nuôi con. Phần cơm thừa đó không chỉ giúp 5 người trong nhà chị Khang ấm bụng, mà còn là động lực giúp con gái đầu Trịnh Thị Linh của chị đậu 2 trường đại học và con gái thứ 2 Trịnh Thị Thúy 5 năm liền là học sinh giỏi.

Phần cơm giữa ca của công nhân ít thịt cá nhưng chị Mai Thị Khang (ngụ ấp Núi Tung, xã Suối Tre, TX.Long Khánh) vẫn cố nín nhịn, rồi xin thêm phần thức ăn thừa của đồng nghiệp đem về nhà nuôi con. Phần cơm thừa đó không chỉ giúp 5 người trong nhà chị Khang ấm bụng, mà còn là động lực giúp con gái đầu Trịnh Thị Linh của chị đậu 2 trường đại học và con gái thứ 2 Trịnh Thị Thúy 5 năm liền là học sinh giỏi.

Em Trịnh Thị Linh cầm giấy báo nhập học mà đắn đo vì nhà quá nghèo.
Em Trịnh Thị Linh cầm giấy báo nhập học mà đắn đo vì nhà quá nghèo.

Cái xóm nhỏ nơi mẹ con chị Khang cư ngụ thỉnh thoảng văng vẳng tiếng anh Trịnh Văn Bình (chồng chị Khang, bị bệnh tâm thần) chửi mắng vợ con. Riêng cô bé Trịnh Thị Linh thì co ro dưới ánh đèn đường học bài với quyết tâm vượt qua các kỳ thi quan trọng.

* Nỉ non thân “cò”

Tảo tần với hơn sào ruộng trũng và nhặt ve chai vẫn không đủ ăn, vào năm 2011, vợ chồng chị Khang (quê tỉnh Thanh Hóa) dắt 2 con vào ấp Núi Tung tìm kế sinh nhai. Được vợ chồng người anh trai cho mượn miếng đất nhỏ để dựng tạm cái chòi gạch 14m2 làm nơi tá túc, vợ chồng chị Khang trở thành “công dân” của xóm nghèo ấp Núi Tung đa phần dân trong xóm làm nghề mua ve chai, buôn bán nhỏ, thợ hồ…). Chị Khang tâm sự, chồng chị bệnh tâm thần, lúc tỉnh lúc mê sảng nên không làm được nhiều. Vì vậy, gánh nặng gia đình dồn hết lên vai chị.

Ngày mới về xóm nghèo này, chị Khang vừa đi nhặt vừa mua ve chai dạo. Còn anh Bình, khi không bị căn bệnh tâm thần quấy nhiễu tâm trí thì đi phụ hồ. Cuộc sống ban đầu của 4 nhân khẩu trong nhà chị Bình cũng tạm đủ no và 2 con Linh - Thúy tiếp tục được đến trường. Mỗi buổi đi mua ve chai về, trong chiếc giỏ phía sau xe đạp của chị Khang, ngoài mớ chai nhựa, giấy vụn… luôn có một ít rau, ký gạo và những thứ ăn được mà chị lượm lặt, hoặc người khác cho mang về nuôi chồng con.

Công việc nhặt, mua ve chai bấp bênh, chị Bình được một người họ hàng giới thiệu đi làm công nhân. Đồng lương công nhân chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng/tháng nên chị Khang phải dè xẻn để cho cả nhà ấm bụng khi chị vỡ kế hoạch sinh thêm thằng cu An. Chị Khang kể, mỗi buổi đi làm chị đều gom thức ăn và cơm thừa trong công ty mang về hấp lại cho chồng con ăn. Với cách làm đó, chị tiết kiệm được tiền mua gạo, thức ăn cho 2 buổi tối và sáng hôm sau.

Số chị Khang khổ từ bé, nhà nghèo, cha mất sớm, mẹ già nên chị quá quen với chuyện tần tảo sớm hôm. Chồng chị thật ra bản chất rất hiền, tại căn bệnh tâm thần quấy nhiễu tâm trí nên anh mới cộc cằn, nhậu nhẹt dẫn tới chuyện chửi mắng vợ con, mâu thuẫn với láng giềng. Căn chòi gạch của gia đình chị Khang chỉ kê đủ một chiếc giường, một chỗ trống làm bếp và góc học tập cho Linh và Thúy.

Hôm nào anh Bình lên cơn tâm thần mắng chửi, xua đuổi thì chị Khang và cô bé Linh lót chiếu nằm dưới nền xi măng, hoặc đến nhà anh trai ngả lưng, chờ anh Bình hạ cơn rồi mới khe khẽ vào nằm cùng. Có những khi chị Khang bụng mang dạ chửa đi làm về, anh Bình vẫn quen tính chửi đuổi. Lúc ấy, chị vẫn cam phận với trách nhiệm của người vợ, người mẹ trước bộn bề khó khăn cuộc sống.

* Ước mơ đại học của Linh

Trịnh Thị Linh (phải) thay mẹ chăm em, lo cơm nước cho cả nhà.
Trịnh Thị Linh (phải) thay mẹ chăm em, lo cơm nước cho cả nhà.

Tuy gia đình túng khó, nhưng Linh vẫn là cô bé học giỏi nhất xóm. Sau buổi học trên lớp, Linh về nhà lo cơm nước cho cha mẹ, dạy bảo 2 em. Năm học lớp 11, Linh định nghỉ học để đỡ đần cho mẹ khi chị Khang bị chứng đau cột sống hành hạ nghỉ làm 20 ngày. Sự hiếu thảo của Linh rất đơn giản, nếu mẹ bị bệnh tật hoài sẽ bị đuổi việc, rồi cả nhà sẽ đói vì thiếu đồng lương và bữa cơm thừa từ công ty mà chị Khang hay mang về.

Thương con, chị Khang gắng gượng đi làm, cô bé Linh thì vượt qua lớp 11 với thành tích học sinh giỏi toàn diện. Biết chuyện lớp mình có trò Linh nhà nghèo vượt khó học giỏi, cô giáo chủ nhiệm dạy thêm cho Linh miễn phí, đồng thời đi vận động tặng trò học bổng, mì tôm, quần áo cũ, tập viết, hoặc trên đường đi dạy cô mua cho học trò vài con cá hấp, ít thịt, trứng. Nhờ cái tình, sự động viên kịp thời của cô giáo chủ nhiệm mà Linh vượt qua lớp 11 xuất sắc và tiếp tục nuôi ước mơ vào giảng đường đại học.

Kỳ thi tú tài - đại học vừa qua, Linh đạt tổng số điểm 3 môn hơn 22 điểm, trúng tuyển vào 2 trường đại học kinh tế và sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Ngày được người dì họ dắt lên trường đăng ký nhập học, sau khi xem bảng học phí hơn 8 triệu đồng/học kỳ, cô bé Linh khóc nức nở, kéo tay dì ra về vì biết gia đình không có khả năng cho mình học đại học.

Thương cô cháu gái khó khăn, người dì họ nhờ bạn bè làm ở Đài Truyền thanh TX.Long Khánh kêu gọi giúp đỡ và Linh đã được ủng hộ 3 triệu đồng. Linh tâm sự, giấc mơ đại học em đã đạt được, nhưng vẫn chưa thành hiện thực vì trở ngại lớn nhất vẫn là tiền đóng học phí. Riêng chi phí ở trọ, ăn uống thì Linh có thể tự xoay xở bằng việc đi làm thêm, dạy kèm. “Nếu có tiền đóng học phí, dù ăn cơm trắng, mì tôm…, cháu vẫn quyết tâm học bởi lâu nay cháu đã quen với cuộc sống khổ cực, ăn uống đạm bạc” - cô bé Linh bộc bạch.

Cô bé Trịnh Thị Linh giờ không còn ngồi co ro dưới ánh đèn đường ôn bài nhằm vượt qua các kỳ thi quan trọng thời THPT mỗi khi bị người cha tâm thần la đuổi, điều cô học trò nghèo lo lắng nhất là số tiền học phí để nhập học cho kịp ngày tựu trường.

Sau khi đuổi chúng tôi ra khỏi nhà, dứt cơn tâm thần anh Bình vội chạy sang nhà hàng xóm kéo tay chúng tôi lại xin lỗi. Anh hết trách phận rồi khoe, tuy anh bị tâm thần nhưng 2 cô con gái Linh và Thúy đều là học sinh giỏi. Anh không cố ý la mắng vợ con, hay lười lao động, nhưng vì căn bệnh bắt anh làm vậy. Cho nên, khi tỉnh táo bản thân anh khổ tâm lắm...

Do không phải là hộ nghèo của ấp Núi Tung, gia đình lại chưa có hộ khẩu thường trú nên Trịnh Thị Linh không được miễn, giảm học phí học đại học theo quy định. Để tiếp sức cho Linh vào đại học, gia đình em rất mong nhận được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân xa gần (liên hệ Trịnh Thị Linh, điện thoại số 0169.6918205).

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều