Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỏa hoạn vẫn rình rập (bài 1)

10:09, 26/09/2016

Những vụ cháy công ty, cơ sở kinh doanh và nơi ở của người dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã gây ra một số tổn thất nặng nề về người và tài sản.

Những vụ cháy công ty, cơ sở kinh doanh và nơi ở của người dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã gây ra một số tổn thất nặng nề về người và tài sản. Do đó, việc phòng ngừa các mối nguy cơ về cháy, nổ xảy ra là một mối lo thường trực không chỉ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp mà còn đối với cả cộng đồng xã hội, nhất là với một địa bàn có nền kinh tế - xã hội phát triển năng động như Đồng Nai.

Bài 1: Nguy cơ cháy, nổ ở các làng nghề

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 làng nghề sản xuất, chế biến gỗ tập trung ở 2 phường Tân Biên, Tân Hòa (TP.Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), với hàng chục công ty và hàng trăm hộ gia công, chế biến các mặt hàng gỗ dân dụng. Do ý thức về PCCC của một số chủ cơ sở chưa cao, chưa lường hết các mối hiểm nguy và thiệt hại khi để xảy ra cháy, nổ nên nguy cơ về cháy, nổ tại những nơi này vẫn còn treo lơ lửng.

Vụ cháy cơ sở thu mua phế liệu của ông Nguyễn Xuân Vượng ngày 1-5. Ảnh: Đức Việt
Vụ cháy cơ sở thu mua phế liệu của ông Nguyễn Xuân Vượng ngày 1-5. Ảnh: Đức Việt

Bên cạnh làng nghề chế biến gỗ, Đồng Nai có hàng trăm điểm thu mua phế liệu phân bố rải rác trong khu dân cư. Việc phòng ngừa các mối nguy cơ cháy, nổ tại các điểm thu mua phế liệu... vẫn còn là mối lo tiềm ẩn”.

* Hiểm họa cháy, nổ từ kinh doanh, chế biến gỗ

Theo thống kê của Cảnh sát PCCC tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 474 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và các sản phẩm liên quan đến gỗ. Ngoài ra, còn có các làng nghề chuyên sản xuất, chế biến mặt hàng gỗ tập trung ở 2 phường Tân Hòa, Tân Biên và một phần thuộc xã Hố Nai 3. Trong mỗi làng nghề có hàng chục, hàng trăm hộ kinh doanh, chế biến gỗ và các sản phẩm liên quan đến gỗ. Các cơ sở này hoạt động tự phát, chủ yếu theo hình thức gia đình, nhỏ lẻ, nằm xen lẫn trong các khu dân cư mà chưa có quy hoạch hạ tầng, phương tiện sản xuất còn thô sơ, ý thức về PCCC chưa cao nên tiềm ẩn nhiều hiểm họa về cháy, nổ.

Thượng tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, cho biết phần lớn cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ đều có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao là do chủ cơ sở còn thiếu kiến thức về công tác PCCC, cũng như ít quan tâm đến cảnh báo của cơ quan chức năng để thực thi các biện pháp an toàn về PCCC.

Liên quan đến vấn đề này, Thiếu úy Nguyễn Huy Anh, cán bộ Đội Kiểm tra, hướng dẫn về an toàn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC số 1, người trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC ở các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ tại các làng nghề trên địa bàn TP.Biên Hòa, cho biết nguy cơ cháy, nổ thường thấy tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ là không lắp đặt hệ thống chống sét, hệ thống điện phục vụ sản xuất không đảm bảo an toàn, dây dẫn điện lâu ngày bị lão hóa và quá tải do không tiến hành bảo dưỡng định kỳ; một số dây dẫn điện trong khu vực sản xuất còn để rời mà không được luồn vào ống cách điện; việc vệ sinh công nghiệp tại các khu vực sản xuất chưa được thực hiện thường xuyên, mùn cưa, bụi gỗ để lâu ngày bám đầy vào các thiết bị máy móc cũng là những nguyên nhân xảy ra cháy. Riêng ở các khu vực phun sơn, kho chứa hàng.., hệ thống đèn chiếu sáng không phải là loại đèn chống nổ nên khi có sự cố xảy ra rất dễ phát sinh cháy.

Trên thực tế, do chủ quan, coi thường các khuyến cáo của cơ quan chức năng về công tác PCCC nên việc để xảy ra cháy tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra. Như vụ cháy tại Công ty TNHH IMC (KP.5, phường Tân Biên) ngày 22-12-2009 đã thiêu rụi 2,5 ngàn m2 nhà xưởng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Vụ cháy rụi 2 ngàn m2 tại phân xưởng phun sơn của Công ty TNHH E&C (chuyên sản xuất hàng mộc ở KP.1, phường Long Bình Tân) vào ngày 2-4-2010 đã gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hay vụ cháy tại Công ty TNHH Thiên Hoàng Phú (xã Tân Hạnh, chuyên xay bột gỗ để sản xuất ván okal) ngày 16-11-2010 đã thiêu rụi gần 600m2 nhà xưởng mà nguyên nhân là không thực hiện đầy đủ vệ sinh công nghiệp. Gần đây là vụ cháy xưởng phun sơn gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng ở Công ty TNHH Minh Thành (Cụm công nghiệp Thạnh Phú, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, xảy ra ngày 28-1) mà nguyên nhân xuất phát từ sự cố về điện và vệ sinh công nghiệp quá kém.

* “Bà hỏa” ở những điểm thu mua phế liệu

Nếu như nguy cơ cháy, nổ từ những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ là nỗi lo tiềm ẩn ở các làng nghề thì tình trạng mất an toàn về PCCC ở các điểm thu mua phế liệu cũng không kém.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cảnh sát PCCC tỉnh, toàn tỉnh hiện có 469 cơ sở kinh doanh, thu mua phế liệu, trong đó trên 2/3 cơ sở không có giấy phép hoạt động, chưa có hồ sơ quản lý về PCCC. Các cơ sở này hoạt động theo kiểu tự phát, kinh doanh dưới hình thức nhỏ lẻ, tập trung tại TP.Biên Hòa 150 cơ sở, huyện  Long Thành (72 cơ sở), còn lại là ở nơi khác.

Qua công tác điều tra cơ bản đối với các cơ sở kinh doanh, thu mua phế liệu do ban chỉ đạo PCCC các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa phối hợp với Cảnh sát PCCC vào tháng 6-2016 cho thấy, ở hầu hết các cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu đều mang tính tự phát, chủ các cơ sở phần lớn là dân nhập cư đến địa phương thuê nhà, đất rồi mở vựa thu mua, kinh doanh phế liệu. Đáng chú ý các cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu nhỏ lẻ thường nằm xen lẫn trong khu dân cư đông người, cơ sở nhếch nhác nên việc PCCC ít được quan tâm.

Nhiều cán bộ ở các đội kiểm tra, hướng dẫn an toàn về PCCC thuộc Cảnh sát PCCC tỉnh và các phòng trực thuộc cho biết hầu hết các điểm thu mua phế liệu tập trung đều chứa những mặt hàng dễ cháy và đủ chủng loại, như: thùng giấy, nhựa phế thải, túi ny-lông, sắt thép cũ, các thiết bị điện đã qua sử dụng... Tuy nhiên, việc sắp xếp phế liệu lại khá lộn xộn, sát các đường dây điện, ổ cắm điện câu mắc không đúng quy định, không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC. Nhiều cơ sở còn đốt nhang thờ cúng, bố trí nấu ăn gần khu vực có chất dễ cháy, chưa có giải pháp ngăn cháy, khi có sự cố xảy ra thì rất dễ cháy lan, cháy lớn.

Trên thực tế, thời gian qua đã có nhiều vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh có liên quan đến các cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu, có cơ sở đã bị cháy đến 2 lần, như cơ sở của ông Nguyễn Xuân Vượng ở KP.4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) vào năm 2014 và tháng 5-2016, thiêu rụi 2 ngàn m2 nhà kho chứa phế liệu.

Đức Việt

Bài 2: Dễ cháy, nổ tại các điểm kinh doanh

 

Tin xem nhiều