Báo Đồng Nai điện tử
En

Rác thải đổ trộm tràn lan

10:09, 05/09/2016

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện nhiều vụ xe tải lén chở chất thải công nghiệp đổ trộm tại một số rừng tràm, khu vực giáp ranh vắng người gây ô nhiễm môi trường...

[links()] Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện nhiều vụ xe tải lén chở chất thải công nghiệp đổ trộm tại một số rừng tràm, khu vực giáp ranh vắng người gây ô nhiễm môi trường. Tìm hiểu của phóng viên Báo Đồng Nai còn cho thấy tình trạng đổ trộm chất thải diễn ra tràn lan, tồn tại suốt thời gian dài ở một số địa phương mà không bị cơ quan chức năng xử lý, khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng, đe dọa đến sức khỏe của nhiều người dân.

Bài 1: Cán bộ xã lập bãi rác chui?

Từ nhiều năm nay xã Phước Tân (TP.Biên Hòa), ở địa phương nằm giáp ranh giữa TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom xuất hiện một số bãi rác tự phát. Điều đáng nói là, đến cán bộ xã cũng lập bãi rác ở gần khu dân cư khiến môi trường sống của người dân bị ô nhiễm.

Hàng ngày, bãi rác của ông N.T.C. tập kết rất nhiều loại rác.
Hàng ngày, bãi rác của ông N.T.C. tập kết rất nhiều loại rác.

Bức xúc, người dân địa phương đã nhiều lần phản ảnh tình trạng bãi rác gây ô nhiễm với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhưng tình hình đến nay vẫn chưa được cải thiện.

Lập bãi rác trong khu dân cư

Theo phản ảnh của người dân, một trong những bãi rác tự phát tồn tại nhiều năm ở tổ 11, ấp Miễu, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) là do ông N.T.C., cán bộ phụ trách thương mại, dịch vụ xã Phước Tân, quản lý. Nhiều người cho rằng, ông C. thành lập bãi rác dựa vào danh nghĩa hợp tác xã môi trường của xã, mà ông là thành viên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ nhiều năm trước ông C. đã thuê khu đất rộng khoảng 500m2 nằm ngay dưới đường điện cao thế của một người dân để lập bãi rác. Bãi rác này nằm cách khu dân cư chỉ vài chục mét, cách biệt với khu dân cư bởi vườn tràm, đất ruộng và đường đi.

Một số người dân địa phương cho hay, mỗi ngày có khoảng 3-5 xe rác từ nhiều nơi đưa về đây tập kết. Bãi rác này là điểm “trung chuyển” rác thải sau khi thu gom ở xã và khu vực lân cận chuyển đến. Sau khi phân loại, một số loại rác có thể tận dụng được, như: bao ny-lông, thùng nhựa, chai nhựa…, sẽ được xe tải đến chở đi tiêu thụ. Hàng ngày, ngoài đội ngũ tài xế chở rác, tại đây còn có một số người làm nhiệm vụ phân loại rác là người nhà của ông C.

Ông N.V.T. (ngụ ấp Miễu, xã Phước Tân), người biết khá tường tận hoạt động của bãi rác, cho biết hàng ngày ông C. thu gom rác sinh hoạt ở một số nơi trên địa bàn xã Phước Tân và khu vực lân cận đưa về bãi rác này phân loại. Cơ sở này còn thu gom cả rác thải các bếp ăn công nghiệp và rác thải công nghiệp ở Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) gần đó, như: thùng nhựa đựng hóa chất, giấy carton, mút xốp, vải vụn... Những loại rác này, sau khi được “tuyển chọn” sẽ có một đội ngũ sắp xếp lại rồi chuyển đi tiêu thụ.

Điều khiến người dân bức xúc là mùi hôi thối từ các loại rác sinh hoạt, rác công nghiệp từ bãi rác tỏa ra, mặc dù chỉ là “để tạm”. Một số người dân còn cho biết, khi tiến hành san lấp mặt bằng để làm bãi rác, ông C. đã dồn đất lẫn rác xuống hố công trình đường ống nước của Nhà máy nước Nhơn Trạch chảy qua đây. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu việc làm này có ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước?

Phản ảnh nhiều, phản hồi chậm

Nằm bên đường Võ Nguyên Giáp, tại cây cầu số 3 (thuộc ấp Tân Cang, xã Phước Tân) đang tồn tại một bãi rác tự phát khá lớn. Ngay cạnh lề đường, UBND xã Phước Tân đã cắm biển cấm đổ rác…, nhưng đằng sau tấm biển lại ngổn ngang đủ loại rác. Trong số đó, có nhiều đống chất thải màu đen kịt, có thể được lấy từ các công ty trong khu công nghiệp ra đổ. Theo quan sát của phóng viên, đống rác này hình thành không phải do người dân đổ rác sinh hoạt nhỏ lẻ mà do các xe tải chở rác đến đổ.

Từ phản ảnh của phóng viên, Phó chủ tịch UBND xã Phước Tân Huỳnh Thanh Phương cho biết, thời gian qua xã đã cho người theo dõi để bắt quả tang người đổ rác ở đây, nhưng đến nay chưa phát hiện được. “Ngoài việc cắm biển cấm, chúng tôi đã yêu cầu lực lượng công an mật phục để bắt quả tang những người đổ rác bậy, nhưng gặp nhiều khó khăn vì khu vực này xa khu dân cư” - ông Phương cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều hộ dân sống lân cận với bãi rác đều là người nhà ông C. Vì vậy, nếu ai đó tìm hiểu về hoạt động của bãi rác qua những người này chắc chắn sẽ không có kết quả khách quan.

Một hộ dân sống cách bãi rác khoảng 500m khi được chúng tôi dò hỏi về hoạt động của bãi rác đã tỏ ra dè chừng vì không muốn gặp phiền phức khi tiết lộ chuyện đổ rác của ông C. Đến khi phóng viên cam kết giữ kín việc tiếp xúc với người dân, ông này mới cho biết bãi rác của ông C. đã hoạt động khoảng 4 năm. “Khi ông C. đưa bãi rác vào hoạt động, người dân địa phương đã phản ứng nhưng ông ấy nói chỉ để rác tạm nên mọi người không biết nói gì. Ngoài việc thường xuyên ngửi mùi hôi thối tỏa ra từ bãi rác, điều khiến người dân ở khu vực này sợ nhất là lúc mưa lớn gây ngập, làm rác trôi đi khắp nơi. Các loại rác nhẹ, như: bao ny-lông, mút xốp… theo dòng nước trôi khắp nơi, bám vào cây cối trong vườn của nhiều gia đình…”  -  ông này cho biết.

Người dân sống ở khu vực này còn một nỗi lo ngại khác là việc bãi rác gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, trong khi các hộ dân ở đây chủ yếu sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt. “Nếu muốn biết cảnh ô nhiễm ở đây như thế nào, nhà báo đợi lúc trời mưa lớn đến đây xem sẽ thấy rõ. Lúc đó không chỉ thấy cảnh ngập úng, mà còn có cảnh rác trôi lềnh bềnh khắp nơi” - một người dân cho hay.

Trao đổi với phóng viên, Tổ trưởng Tổ 11, ấp Miễu, xã Phước Tân Đỗ Đình Thinh cho biết, người dân sống gần bãi rác thường phải ngửi mùi hôi thối vào mùa nắng, còn mùa mưa lại chịu cảnh rác trôi vào nhà, vườn tược. Từ nhiều năm nay, mỗi khi nhận được phản ảnh của người dân về tình trạng ô nhiễm từ bãi rác của ông C., ông Thinh đều phản ảnh sự việc với địa phương nhưng đến nay chưa thấy phản hồi.

Nhóm P.V

Bài 2: Những “điểm nóng rác lậu” ở vùng ven

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích