Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người thầy tận tâm

10:11, 20/11/2016

Gần gũi học viên và tận tình chỉ bảo, đó là các yếu tố mà giảng viên Trường cao đẳng nghề số 8 (đóng chân tại phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, trực thuộc Bộ Quốc phòng) phải có để đào tạo được những học viên hệ dân tộc nội trú của trường.

Gần gũi học viên và tận tình chỉ bảo, đó là các yếu tố mà giảng viên Trường cao đẳng nghề số 8 (đóng chân tại phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, trực thuộc Bộ Quốc phòng) phải có để đào tạo được những học viên hệ dân tộc nội trú của trường.

Thầy Nguyễn Hữu Mạnh, giảng viên Khoa Cơ khí sáng tạo, hướng dẫn cách vận hành máy cho các học viên.
Thầy Nguyễn Hữu Mạnh, giảng viên Khoa Cơ khí sáng tạo, hướng dẫn cách vận hành máy cho các học viên.

* Kiên nhẫn và mềm mỏng

Hơn 10 năm làm công tác giảng dạy tại Trường cao đẳng nghề số 8, cô Hoàng Thị Hạnh (thuộc tổ bộ môn Chính trị - pháp luật, đang dạy 5 lớp có học viên hệ dân tộc nội trú) cho hay hầu hết học viên khi vào trường buổi đầu rất rụt rè nên để bắt chuyện với các em hết sức khó khăn. Một số lớp có 100% học viên thuộc hệ dân tộc nội trú và còn lạ lẫm với môi trường học tập, sinh hoạt mới nên hầu như các buổi đầu giảng viên đứng lớp, các em ít phát biểu xây dựng bài, thậm chí có thắc mắc cũng không dám gặp riêng cô để hỏi.

“Môn Pháp luật do tôi phụ trách là môn đầu tiên trong khóa mà các học viên phải học, bất kể hệ trung cấp hay cao đẳng, nên tôi luôn là một trong những giảng viên đầu tiên của trường thấy được sự rụt rè của các học viên mới. Nhờ kinh nghiệm giảng dạy lâu năm và có sự hỗ trợ của cán bộ quản lý hệ dân tộc nội trú mà tôi có thể từng bước tiếp cận, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em và chọn phương pháp dạy phù hợp. Thậm chí, với một số em học yếu, hệ dân tộc nội trú còn cử cán bộ lên lớp, cùng với giảng viên trao đổi để đả thông tư tưởng giúp các em tiếp thu nội dung bài học tốt hơn” - cô Hạnh tâm sự.

Thầy Đinh Văn Dũng, giảng viên Khoa Cơ khí động lực, quan sát học viên thực hành.
Thầy Đinh Văn Dũng, giảng viên Khoa Cơ khí động lực, quan sát học viên thực hành.

Cô Tô Thúy Lan (Phó hệ trưởng Hệ Dân tộc nội trú Trường cao đẳng nghề số 8) cho biết cô là người dân tộc Chơro, trưởng thành từ Trường cao đẳng nghề số 8, được trường giữ lại làm công tác quản lý học viên nên cô rất hiểu những gì mà học viên người dân tộc thiểu số đang trải qua. Do đó, cô thường tìm cách trò chuyện, lấy bản thân cô để làm gương, giúp các em vượt qua được nỗi nhớ gia đình, sự khác biệt về sinh hoạt ở môi trường mới để các em sớm hòa nhập cùng các học viên khác và học tập bình thường.

Cô Lan cho hay hầu hết học viên hệ dân tộc nội trú đều khó tiếp thu bài giảng, hoặc khó thao tác thực hành hơn học viên khác do môi trường sống trước đây ít tiếp xúc. Vì vậy, giảng viên khi biết em nào gặp khó đều phải thật kiên nhẫn, nhẹ nhàng hướng dẫn; một số thầy cô còn cầm tay chỉ việc tận tình, ưu tiên hơn các học viên người Kinh mới giúp các em học tốt được.

“Tôi thường kể cho học viên dân tộc nội trú mới về trường nghe câu chuyên của bản thân tôi, rằng tôi cũng từng rụt rè, từng học chậm, từng rất nản chí…, nhưng tôi cũng được các giảng viên động viên, tâm sự, lắng nghe và từ đó tôi đã vượt qua tất cả để được như ngày nay. Hầu hết những khó khăn của học viên hệ dân tộc nội trú đều nằm ở tâm lý e dè, không cởi mở ở môi trường lạ… Ngoài ra, còn có thể do quen nếp sinh hoạt nơi vùng sâu, vùng xa nên khi lên thành phố các em gặp nhiều bỡ ngỡ. Nắm bắt được những điều đó, tôi cùng với các giảng viên tìm cách gỡ “nút thắt” giúp các em học tốt hơn, tất cả đều phải dùng tình người” - cô Lan chia sẻ.

* Những câu chuyện ấm lòng

Thượng tá Nguyễn Văn Bản, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề số 8, nhấn mạnh Ban giám hiệu nhà trường luôn chọn các giảng viên giỏi về chuyên môn, có khả năng thuyết phục, có tính kiên nhẫn và phương pháp giảng dạy phù hợp để kèm cặp những học viên hệ dân tộc nội trú, kể cả vào những ngày nghỉ, nhằm giúp các em hoàn thành tốt việc học tập.

Là một trong những giảng viên gắn bó với học viên hệ dân tộc nội trú từ những ngày mới thành lập (năm 2003), thầy Đinh Văn Dũng (Thiếu tá chuyên nghiệp, Khoa Cơ khí động lực) nhớ lại ấn tượng những ngày đầu dạy học sinh dân tộc thiểu số, gần như tất cả giảng viên đều gặp khó khăn. Một số em khi nhập trường còn khóc đòi về, buổi tối cũng khóc vì nhớ nhà, thậm chí một số em do chưa quen ngủ trong ký túc xá đông người nên lẻn ra ngoài, tìm một góc trong rừng tràm gần đó để ngủ.

“Tôi có vài năm làm quản lý học viên hệ dân tộc nội trú nên rất thấu hiểu tâm lý các em mới về trường; một số em còn đề nghị tôi ngủ cùng vào buổi tối vì đã quen việc ngủ chung với cha mẹ nên khó ngủ khi không có người kế bên. Sau này, khi chuyển sang đứng lớp, không quản lý học viên nữa, tôi dùng những kinh nghiệm này để giảng dạy hiệu quả hơn. Tôi còn nhớ một số học viên thuộc các khóa đầu tiên của hệ dân tộc nội trú, như: K’Bê, Đinh Hồng Ngọc Hoàng Thiên…, khi vào trường gặp rất nhiều khó khăn, bây giờ đều có công ăn việc làm ổn định” - thầy Dũng kể lại.

Riêng với cô Hoàng Thị Hạnh, việc đi xuống tận nhà đồng bào dân tộc thiểu số để vận động họ cho con em đi học cũng rất vất vả. Các chuyến đi đều có sự góp mặt của ban giám hiệu nhà trường, xuống tận nhà các em, dùng lời lẽ hợp tình hợp lý để vận động các phụ huynh.

Cô Hạnh cho hay hầu hết gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa do quá khó khăn nên ít lo cho con em được học hành đến nơi đến chốn, mà thường cho các em làm rẫy để phụ giúp gia đình. Do đó, trong quá trình vận động gia đình cho con em đi học nghề, các giảng viên phải kiên nhẫn, mềm mỏng mới có thể thành công.

“Khóa trung cấp 2010-2013, có một học viên nữ bị liệt chân, 2 tay khó cử động, không thể tự chăm lo trong các sinh hoạt đời thường. Chúng tôi động viên mãi gia đình mới cho em đi học, sau đó về trường chúng tôi cũng phải cố gắng tìm vài học viên nữ khác ở chung để chăm sóc cho em này. Có thể nói, học viên này đến trường học và học được nghề, ngoài nghị lực bản thân em, còn nhờ có sự giúp đỡ rất lớn từ các bạn ở chung ký túc xá” - cô Hạnh nhớ lại.

Ngoài việc dùng các biện pháp tâm lý để giúp các học viên dân tộc nội trú, thầy Nguyễn Hữu Mạnh (Đại úy chuyên nghiệp, Khoa Cơ khí chế tạo) còn phải tận tình giúp các em trong giờ thực hành, cầm tay chỉ việc để các em làm quen với các loại máy móc mà không gặp nguy hiểm.

Thầy Mạnh tâm sự, có một số học viên nam khi làm quen với phần thực hành môn hàn kim loại màu đã gặp sự lúng túng khi vận hành máy; lúc thầy hướng dẫn thì làm được, nhưng khi để cho tự làm lại làm sai. “Thông thường, với một máy sẽ có 5-10 em thực hành. Nhưng với một số trường hợp học viên chậm hiểu, tôi phải bố trí riêng một máy để các em thực hành, vậy mà có khi kéo dài gần 10 ngày mới làm đúng được. Do đó, đôi lúc người thầy phải có tính kiên nhẫn, xử lý nhạy bén khi gặp học viên yếu; nếu chỉ cứng nhắc thì học viên sẽ khó tiếp thu tốt, nhất là với các thiết bị dễ gây nguy hiểm, như: máy hàn, máy cắt…” - thầy Mạnh chia sẻ.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều