Báo Đồng Nai điện tử
En

Hai người cha của 40 đứa trẻ

10:12, 14/12/2016

Có trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời đã bị bỏ rơi trong thùng rác, có trẻ mới bập bẹ gọi được tiếng "cha, mẹ" đã phải bơ vơ bên vệ đường, có trẻ đang đỏ hỏn chưa rụng rốn nằm gọn lỏn trong một chiếc làn, thậm chí có những trẻ sinh ra chẳng may bị dị tật nên bị cha mẹ khước từ...

Có trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời đã bị bỏ rơi trong thùng rác, có trẻ mới bập bẹ gọi được tiếng “cha, mẹ” đã phải bơ vơ bên vệ đường, có trẻ đang đỏ hỏn chưa rụng rốn nằm gọn lỏn trong một chiếc làn, thậm chí có những trẻ sinh ra chẳng may bị dị tật nên bị cha mẹ khước từ... Tất cả những đứa trẻ mồ côi đó may mắn có chung 2 người “cha” và sống trong một ngôi nhà gọi là Mái ấm tình thương Phúc Lâm.

Những sinh linh bé nhỏ được sống an lành trong Mái ấm tình thương Phúc Lâm.
Những sinh linh bé nhỏ được sống an lành trong Mái ấm tình thương Phúc Lâm.

Trong con hẻm nhỏ thuộc ấp 2 (xã Long An, huyện Long Thành) có một căn nhà khang trang đang được tu sửa lại để làm nơi nuôi dưỡng, bảo bọc những đứa trẻ bị bỏ rơi. Căn nhà ấy chứa 40 đứa trẻ thiếu tình thương của cha mẹ ruột, nhưng lại được chăm sóc bởi 2 người “cha” còn rất trẻ. Họ nguyện sống độc thân suốt đời để tần tảo kiếm tiền lo cho các “con” ăn học.

Không đành lòng nhìn trẻ bị bỏ rơi

Kể lại những ngày tháng “bén duyên” với trẻ mồ côi, anh Nguyễn Văn Lâm (44 tuổi, người sáng lập Mái ấm tình thương Phúc Lâm) cho biết vào năm 2009, trong một lần đi làm về ngang xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch), anh bỗng nghe tiếng kêu thất thanh của người phụ nữ quét rác: “Trời ơi, có đứa trẻ bị bỏ rơi trong thùng rác…”.

“Cha” Nguyễn Văn Lâm với những đứa “con” của mình trong lúc rảnh rỗi.
“Cha” Nguyễn Văn Lâm với những đứa “con” của mình trong lúc rảnh rỗi.

Dừng xe lại, nhìn thấy đứa bé bị bỏ rơi trong thùng rác đang kêu khóc, anh Lâm vội gửi xe máy ở một nhà dân ven đường, rồi bắt taxi chở đứa bé đến Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thăm khám. Sau đó, anh đã quay lại địa phương làm thủ tục xin nhận đứa bé làm con nuôi và đặt cho bé cái tên rất đẹp: Nguyễn Ngọc Phương Vy.

“Ôm đứa trẻ trong tay, tôi ngỡ bé khó qua khỏi, thế mà bé sống. Lúc đó bé còn chưa được cắt rốn, toàn thân lạnh ngắt” - anh Lâm bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc khiến anh quyết định gắn bó đời mình với việc chăm sóc, bảo bọc những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi đến hôm nay.

Nhìn cháu Nguyễn Hoàng Phúc An chỉ mới 7 tháng tuổi nở nụ cười tươi rói trên môi, lòng chúng tôi lại quặn đau khi biết được số phận của cháu. Mẹ đứa trẻ khi mang thai 7 tháng, vì nỗi đau cá nhân đã uống thuốc độc tự tử. Đứa bé may mắn được cứu sống, trong khi người mẹ chết nên bé sớm thành trẻ mồ côi. Được ấp trong lồng kính tròn 3 tháng, bé được anh Lâm mang về mái ấm chăm sóc.

Đáng sợ nhất đối với anh Lâm là ngày nhặt cháu Nguyễn Hoàng Phúc Nhân (nay được 4 tháng tuổi) về mái ấm. Tháng 8-2016, khi đi làm về đến con hẻm trước nhà, anh Lâm phát hiện trong bụi chuối có chiếc giỏ đựng đứa trẻ bị dị tật, với miệng và mũi là một, 2 con mắt chỉ là một cục thịt…

“Hàng xóm chẳng ai dám tới gần bé bởi quá sợ hãi. Đó là lần tôi quặn đau nhất. Tôi ôm bé vào lòng với tình yêu của mình rồi nói hãy về với cha, cha sẽ làm cho con được là con người” - anh Lâm nghẹn ngào chia sẻ.

Chữ Nhân trong cái tên của cháu chính là mong muốn của “cha” Lâm, anh hy vọng bé sẽ có khuôn mặt của một người bình thường. Trong niềm hy vọng đó, anh Lâm đang từng ngày cố gắng nhờ cậy sự can thiệp của y học để giúp cháu sửa lại khuôn mặt.

“Ba thương con thì con giống... ba”

Một cán bộ phụ trách lĩnh vực thương binh - xã hội của xã Long An, cho biết: “Mái ấm tình thương Phúc Lâm đã được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động được 2 năm nay và họ thật sự là những người có tấm lòng nhân ái. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện về mặt pháp lý để mái ấm nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi về chăm sóc. Sắp tới, địa phương sẽ đề xuất với lãnh đạo UBND huyện có nguồn hỗ trợ thêm để cùng chung tay nuôi dưỡng các cháu bé nên người”.

Chưa một lần biết mặt mẹ, cũng chưa từng được cất tiếng gọi mẹ nên những đứa trẻ mồ côi ở Mái ấm tình thương Phúc Lâm cứ hát lệch đi bài hát Cả nhà thương nhau rằng: “Ba thương con thì con giống… ba”.

Theo lời anh Lâm, ngôi nhà chung dành cho các bé bị bỏ rơi này chính là căn nhà anh ở từ trước. Năm 2009, anh đem đứa trẻ đầu tiên về nuôi và đến năm 2015 thì anh được cấp phép với tên Mái ấm tình thương Phúc Lâm. “Khi mới nhặt 2 đứa trẻ về nuôi, tôi đã tự hứa không nhặt thêm đứa trẻ nào nữa, phần vì sợ không lo được, phần vì gia đình phản đối. Nhưng không hiểu sao, hễ có đứa trẻ nào bị bỏ rơi là đúng lúc tôi đi ngang qua bắt gặp, hoặc người ta gọi tôi đến đem về. 20 đứa trẻ đầu do tôi tự nguyện mang về vì trong khả năng kinh tế mình có thể nuôi được, nhưng 20 đứa trẻ sau này là do người ta đem đến đặt trước cửa nhà nên tôi không thể bỏ mặc chúng được. Cứ nhặt cho đến nay đã 40 đứa “con” rồi, tôi làm vì tình yêu trẻ thôi…”.

Với anh Lâm, điều ám ảnh nhất với anh là chỉ trong một tuần của tháng 8-2016, Mái ấm tình thương Phúc Lâm đã nhận 5 đứa trẻ bị bỏ rơi, trong đó có 2 cháu bị tim bẩm sinh, 1 cháu hở hàm ếch, 2 cháu không có hậu môn.

Thấy việc làm của anh Lâm có ý nghĩa, vào năm 2010, anh Nguyễn Văn Phúc (31 tuổi, đồng nghiệp của anh Lâm) đã xin được góp sức nuôi dạy các bé bị bỏ rơi. Từ đó, trong mái ấm có 2 người “cha” nuôi 40 đứa “con”.

Cùng với một công ty nhỏ và quán cà phê chỉ tranh thủ bán vào ban đêm, 2 anh Lâm và Phúc đã bằng chính sức lực của mình lo cái ăn, mặc và việc học cho “các con” của mình. “May mà có bà con hàng xóm và một số nhà hảo tâm cho thêm vài thùng sữa, bao gạo nên mới nuôi đủ. Khi nào kẹt tiền quá lại chạy về xin gia đình. Còn anh Lâm, có 9 anh em thì hàng tháng mỗi người đóng “hụi chết” 1 triệu đồng để nuôi cháu”-  anh Phúc nói vui.

Cho đến nay, trong số 40 trẻ được bảo bọc ở mái ấm Phúc Lâm, có 6 trẻ đã vào lớp 1, 12 trẻ học mẫu giáo, còn lại là những đứa trẻ sơ sinh hoặc chưa đến tuổi đi học, được chăm sóc bởi các cô bảo mẫu.

Nhà ở cạnh bên, ngày nào cũng qua thăm mái ấm, bà Mã Thị Thu (73 tuổi) cho biết: “Thấy thằng Lâm và Phúc ngày đêm đi làm nuôi 40 đứa nhỏ và nhiều đứa được cho ăn học đàng hoàng ai cũng khâm phục. Chứng kiến từ cái ngày tụi nó đem đứa nhỏ đầu tiên về nuôi cho đến hôm nay, tôi thấy lòng mình bé lại so với 2 đứa nó”.

Là nhà hảo tâm thường xuyên lui tới mái ấm, ông Lâm Quang Trí (74 tuổi, ngụ xã Lộc An, huyện Long Thành) chia sẻ: “Tôi ở xã khác, nhưng cứ rảnh lại đến đây thăm tụi nhỏ, rồi thỉnh thoảng mua quà bánh cho chúng. Có khi giới thiệu vài người bạn, người thân giúp đỡ mái ấm khi có điều kiện. Phải có tấm lòng yêu thương lắm thì Lâm và Phúc mới làm được điều lớn lao như vậy”.

Nhìn những mầm sống được nhặt nhạnh từ bãi rác, bụi chuối, trên nấm mồ… đang lớn lên từng ngày trong tình yêu thương của 2 người “cha”, trong mái ấm chung cho những đứa trẻ bị bỏ rơi mà nhiều người không cầm được nước mắt. Mong rằng số phận mồ côi của chúng sẽ được lấp đầy bởi tình yêu của cộng đồng xã hội.

Tố Tâm

 

Tin xem nhiều