Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếng chuông ngân xa từ nhà thờ đá

11:12, 23/12/2016

Ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) có nhà thờ của Giáo xứ Lộc Lâm được xem là một trong những kiến trúc tôn giáo mới rất đẹp, từng được bình chọn là một trong 10 công trình kiến trúc đẹp nhất của Đồng Nai trong dịp kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 310 năm hình thành và phát triển.

Ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) có nhà thờ của Giáo xứ Lộc Lâm được xem là một trong những kiến trúc tôn giáo mới rất đẹp, từng được bình chọn là một trong 10 công trình kiến trúc đẹp nhất của Đồng Nai trong dịp kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 310 năm hình thành và phát triển.

Quang cảnh khu Nhà thờ đá Phát Diệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).
Quang cảnh khu Nhà thờ đá Phát Diệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).

Vốn là người ngoại đạo, nhưng tôi cũng đã từng nhìn ngắm mải mê những ngôi thánh đường đồ sộ và thâm nghiêm, cổ kính kiểu Baroke ở thủ đô Manila và tỉnh Rizal của đất nước Philippines - nơi có trên 85% người dân theo đạo Công giáo. Tôi cũng khá quen mắt với rất nhiều nhà thờ có kiến trúc tân kỳ, lộng lẫy ở các xứ đạo: Hố Nai, Trảng Bom, Thống Nhất, kể cả những nhà thờ xưa cũ lâu năm như ở Tân Triều, Bến Gỗ, Đại An… Thế mà ra tận vùng quê biển xa lắc Kim Sơn của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, tôi không khỏi bất ngờ và kinh ngạc khi nhìn thấy công trình kiến trúc hết sức độc đáo của quần thể nhà thờ Phát Diệm.

Công trình đá trên đất bãi bồi

Năm 1828, nhà nho Nguyễn Công Trứ được Triều đình Huế cử làm Dinh điền sứ đã đặt tên cho vùng đất mới lấn ra biển Đông từ cửa Thần Phù sóng dữ là Kim Sơn - Tiền Hải như một lời chúc phúc: “Núi vàng, biển bạc”, và đặt tên Phát Diệm với mong ước vùng đất mới phát hiện này sẽ đẹp tươi, trù phú. Thời điểm đó, cậu bé Trần Triêm ở Nga Sơn (Thanh Hóa) mới 3 tuổi. Đi tu vào năm 1841, gần 20 năm sau Trần Triêm được thụ phong linh mục lấy tên thánh là Phêrô Trần Lục. Năm 1865, vị linh mục tinh thông Hán văn và tiếng La tinh, từng là giáo sư Chủng viện Vĩnh Trị trở thành Chánh xứ Phát Diệm, một giáo phận có đến 50 ngàn giáo dân.

Noi gương công thần Nguyễn Công Trứ, linh mục Trần Lục đặt ra nhiều bài ca vè để giáo dục lòng nhân ái cho bà con giáo dân, được rất nhiều người dân trong vùng Kim Sơn thuộc lòng, gọi là... “ca vè Cụ Sáu” (Cụ Sáu là tên người dân địa phương gọi linh mục Phêrô Trần Lục). Sau nhiều năm nghiên cứu, hoàn chỉnh phác thảo họa đồ và tập trung tài lực, vật lực, năm 1875 Cụ Sáu cho triển khai xây dựng công trình Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm. Phần khó nhất của đề án xây dựng này là việc xử lý nền móng. Do Kim Sơn vốn là vùng đất bãi bồi lầy lội nên cụ Lục phải cho khai thác và vận chuyển hàng ngàn tấn đá từ một quả núi ở Thanh Hóa đưa về chống lún, trong đó có những khối đá nặng đến 20 tấn. Đồng thời, cụ Lục cũng cho khai thác và vận chuyển hàng mấy trăm cây gỗ lim từ rừng núi Nghệ An về xây dựng công trình.

Ròng rã xây dựng trong 24 năm, năm 1899 công trình Nhà thờ Phát Diệm mới hoàn thành. Và cũng trong năm này, vào ngày 6-7, linh mục chánh xứ Phêrô Trần Lục rời bỏ trần gian, để lại cho hậu thế một công trình kiến trúc được đánh giá là trác tuyệt. Quần thể Nhà thờ Phát Diệm gồm 1 nhà thờ lớn với 4 nhà thờ cạnh ở hai bên cùng với một hồ bán nguyệt, 3 hang đá nhân tạo nằm phía sau theo thuật phong thủy “tiên thủy, hậu sơn” trên một bề mặt rộng đến 22 hécta.

Đến nay dù đã trải qua hơn trăm năm, trong đó có 2 lần gặp nạn nhưng Nhà thờ đá Phát Diệm vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp ban đầu. Năm 1953, bị quân Pháp bắn vào bằng đại bác và ngày 15-8-1972, bị máy bay Mỹ thả một chùm 8 quả bom chệch hướng, quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm vẫn vững bền, trơ gan cùng tuế nguyệt; đặc biệt là toàn bộ công trình đá bề thế, nặng nề nằm trên bãi đất lầy hơn trăm năm này vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy bị lún sụt. Chuông Nhà thờ Phát Diệm cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng đến 2 tấn được treo trên lầu chuông ở tầng 3, mỗi khi đánh tiếng chuông vang xa đến 3 tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa đều nghe.

Kết hợp hài văn hóa, kiến trúc Đông Tây

Điều làm cho các nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc sư say mê ở quần thể Nhà thờ Phát Diệm, là do công trình có kiểu kiến trúc đình chùa phương Đông kết hợp hài hòa với lối kiến trúc Gôtic của phương Tây. Quần thể Nhà thờ Phát Diệm được đánh giá không chỉ là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam, mà còn là nét kiến trúc độc đáo của thế giới.

Tôi cũng “ngoại đạo” cả trong lĩnh vực kiến trúc, lại cũng chưa có dịp chiêm ngưỡng nhiều công trình xây dựng Đông Tây kim cổ; nhưng nghĩ đến chuyện khai thác, vận chuyển và tập kết vật tư xây dựng cho công trình kiến trúc Nhà thờ đá Phát Diệm trong điều kiện, phương tiện cuối thế kỷ XIX mà vô cùng thán phục. Và khi tận mắt nhìn tượng thánh giá (biểu trưng đạo Công giáo) ngự trên đài sen (biểu trưng Phật giáo), những chữ “vạn” của nhà Phật khắc trên mấy đóa hoa mân côi, các phù điêu đá, gỗ chạm khắc hình ảnh Chúa Jesus và các vị thánh; trong đó các vị thánh trang phục theo kiểu Việt nhìn thật sống động mà gần gũi, quen thuộc như xem tranh dân gian; cột đá chạm hình hoa sen biểu hiện các giai đoạn “ sinh - lão - bệnh - tử” theo triết lý nhà Phật, tôi hết sức là cảm xúc.

Nhà thờ đá Phát Diệm
Nhà thờ đá Phát Diệm

Ấn tượng hơn nữa là Nhà thờ Trái tim Đức Mẹ được tạo dựng hoàn toàn bằng đá, cung thánh sơn son thếp vàng chói lọi với nhiều hoa văn, họa tiết chạm trổ tinh tế, công phu nhưng vẫn tạo cảm giác thật dịu dàng, yên bình bởi thiết kế bình dị và quen mắt theo nguyên lý Dịch học của phương Đông “trời tròn, đất vuông”. Nơi đây còn có một câu Kinh thánh được chạm khắc lên đá bằng Việt ngữ thời sơ khai. Có thể nói, quần thể kiến trúc Nhà thờ Phát Diệm còn hội tụ cả tinh hoa nghệ thuật chạm khắc đá lẫn tinh hoa nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam.

Và trong không gian son vàng rực rỡ đó, phần mộ của Phêrô Trần Lục, vị linh mục có 34 năm làm Chánh xứ Phát Diệm và cũng là vị kiến trúc sư kỳ tài làm nên công trình nhà thờ đá kỳ vĩ lại nằm một cách nhỏ gọn, khiêm tốn, giản dị. Khiêm tốn như chính tên gọi Cụ Sáu mộc mạc, hiền hòa của vị chủ chăn mang tên thánh Phêrô.

Đã từ lâu, Nhà thờ đá Phát Diệm không chỉ là nơi bà con giáo dân Kim Sơn đến dự thánh lễ, mà còn là khu công trình kiến trúc văn hóa thu hút du khách gần xa đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Giáng sinh là lễ hội lớn nhất trong năm của giáo dân Giáo phận Phát Diệm cũng như người dân vùng Kim Sơn. Từ nửa tháng trước ngày Noel, nhà nhà nơi đây và Nhà thờ đá Phát Diệm đã được trang hoàng lại. Cùng với chương trình biểu diễn văn nghệ được tổ chức long trọng bên cạnh hồ bán nguyệt, Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm còn luôn thực hành các phần lễ: canh thức (chờ Chúa sinh ra) và rước kiệu hoa có tượng Chúa Hài đồng đưa vào bên trong hang đá một cách tôn nghiêm giữa tiếng chuông ngân vang của “Đêm Thánh vô cùng”...

Bùi Thuận  

 

Tin xem nhiều