Báo Đồng Nai điện tử
En

Bánh ấm tình xuân

10:01, 18/01/2017

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là tết cổ truyền của dân tộc sẽ đến, trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm, học sinh 2 lớp 11C2 và 11C8 của Trường THPT Nam Hà (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đã có những hoạt động hết sức ý nghĩa là gói bánh tét tặng học sinh nghèo trong trường và các giáo viên bộ môn.

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là tết cổ truyền của dân tộc sẽ đến, trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm, học sinh 2 lớp 11C2 và 11C8 của Trường THPT Nam Hà (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đã có những hoạt động hết sức ý nghĩa là gói bánh tét tặng học sinh nghèo trong trường và các giáo viên bộ môn. Đây là món quà mang sự nỗ lực của học sinh, được các em gửi trọn tình cảm trong từng chiếc bánh như lời chúc xuân ấm áp đến với người nhận.

Học sinh và giáo viên lớp 11C2 Trường THPT Nam Hà (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cùng nhau gói bánh tét.
Học sinh và giáo viên lớp 11C2 Trường THPT Nam Hà (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cùng nhau gói bánh tét.

Sáng chủ nhật 15-1, trời se lạnh và nhiều mây, nhưng hơn 40 học sinh lớp 11C2 của cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Lý đã có mặt đầy đủ ở khoảnh sân sau trường. Sau khi phân chia công việc và kiểm tra lại nguyên vật liệu làm bánh, cô Lý ra hiệu để học sinh bắt tay vào gói bánh tét.

Chia sẻ tình thương cùng bè bạn

Cô Nguyễn Thị Lý cho biết hoạt động này nằm trong chương trình ngoại khóa của nhà trường, nhưng mỗi lớp sẽ tùy vào điều kiện mà tự chọn một hoạt động khác nhau. Cả trường chỉ có 2 lớp (11C2 và 11C8) chọn hoạt động gói bánh tét để tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường, biếu các giáo viên bộ môn và để các em đem về nhà.

“Lớp tôi làm 100 bánh. Hầu hết các em đều không biết cách gói bánh tét nên tôi đã tìm những người chuyên gói bánh vào dịp tết để hướng dẫn các em. Với nguồn kinh phí do học sinh đóng góp, chiếc bánh được tự tay các em gói, có thể không đẹp, không ngon như mua ở tiệm, nhưng đó sẽ là món quà tinh thần dành cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường và cả cho gia đình các em. Bánh được gói và nấu ngay trong ngày để kịp sáng hôm sau khi chào cờ đầu tuần sẽ trao tặng cho học sinh nghèo. Mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi từ ngày hôm trước. Nhà em nào có nồi lớn thì đem nồi đến, còn lá, lạt buộc, nếp… thì tôi phân công các nhóm chuẩn bị, lúc nấu bánh tại trường thì các em thay phiên nhau canh chừng” - cô Lý cho hay.

Niềm vui của cô trò lớp 11C2  Trường THPT Nam Hà với thành quả trên tay.
Niềm vui của cô trò lớp 11C2 Trường THPT Nam Hà với thành quả trên tay.

Trường THPT Nam Hà đang trong giai đoạn sửa chữa, xây mới nên tất cả các khối lớp phải mượn chỗ học tại một trường khác. Do đó, địa điểm nấu bánh tét của lớp 11C2 cũng chỉ gói gọn ở khuôn viên sân sau của ngôi trường đang sửa. Còn lớp 11C8 thì được gia đình một học sinh trong lớp đồng ý cho mượn khoảnh sân rộng rãi để gói, nấu bánh tét; giúp việc nấu bánh của lớp 11C8 có phần dễ dàng hơn vì có nơi bảo quản nguyên vật liệu, bánh nấu xong cũng không phải vận chuyển đến nơi khác.

Theo lời cô Lê Thị Bích Chi, giáo viên chủ nhiệm lớp 11C8 cũng là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ nhà trường, hoạt động gói bánh tét tặng học sinh nghèo trong trường đã được cô và cô Lý (nguyên Bí thư Đoàn trường) ấp ủ từ lâu, nhưng đến nay mới có cơ hội thực hiện.

Nguyễn Huỳnh Nhật Tân (học sinh lớp 11C8) vui vẻ cho biết: “Lớp em có hơn 40 học sinh. Đây là năm đầu tiên thực hiện hoạt động này nên chúng em cảm thấy rất phấn khích, mọi người bắt tay làm việc rất hăng say trong không khí ấm áp. Năm nay, lớp em làm hơn 80 bánh và tập trung ở sân nhà em để gói, nấu. Gia đình em khi biết chuyện đã ủng hộ hết mình, sẵn sàng cho mượn tất cả dụng cụ cần thiết cho việc làm bánh. Em thấy đây là hoạt động rất thú vị, vừa dạy cho học sinh chúng em biết cách gói bánh tét truyền thống dịp tết, vừa giúp các thành viên trong lớp gần gũi nhau hơn thông qua hoạt động tập thể”.

Xuân xanh thêm màu bánh tét

Từng bàn tay các cô cậu học trò xếp lá, đổ nếp, gói bánh…, dần dần từng chiếc bánh được hình thành và chồng bánh xếp cao dần lên. Mỗi chiếc bánh được dán một mảnh băng keo có đề tên người gói. Bánh sau khi nấu chín sẽ được vớt, treo lên, chờ đến ngày hôm sau được thầy hiệu trưởng cùng giáo viên chủ nhiệm và học sinh 2 lớp11C2 và 11C8 trao tận tay những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong buổi lễ chào cờ đầu tuần.

Tỏ ra hào hứng với chồng bánh vừa gói xong, Trần Nguyễn Hoàng Trọng (Lớp trưởng lớp 11C2) luôn tay phụ các bạn gói bánh, buộc lạt, trong khi các tốp học sinh khác hì hụi chất củi, đốt bếp để nấu bánh.

“Năm trước, bọn em mới vào lớp 10 nên hết học kỳ 1 mà cả lớp còn chưa biết hết mặt nhau. Năm nay thì mọi người đều rất thân thiết nên khi cô giáo chủ nhiệm kêu gọi tổ chức gói bánh tét, ai cũng hưởng ứng nhiệt tình. Tụi em quanh năm chỉ biết học, ngày tết lại càng ít có cơ hội về quê để cùng ông bà gói bánh truyền thống. Thậm chí, phần lớn gia đình các bạn trong lớp đều mua bánh nấu sẵn ở chợ, chứ ít nhà nào tự gói. Do đó, khi được tự tay làm nên chiếc bánh tét này, tụi em cảm thấy rất vui” - vừa lấy tay lau mồ hôi, Trần Nguyễn Trọng Hoàng vừa hồ hởi cho biết.

Đến trưa, 100 chiếc bánh tét của lớp 11C2 đã gói xong và được cho vào chiếc nồi có đường kính 1m. Lửa được nhóm lên cũng là lúc trời bắt đầu mưa lâm râm, các học sinh ngồi vây quanh nồi bánh canh chừng lửa, vừa trò chuyện rôm rả về kết quả thi học kỳ, những dự định cho năm mới và ước mơ công việc trong tương lai... “Năm nào lớp cũng tổ chức gói bánh tét như thế này thì vui quá. Mong là năm sau lớp mình có thêm những hoạt động thú vị như thế này nữa, vừa có cái tết ấn tượng vừa ghi dấu kỷ niệm thời học trò” - giọng Hoàng vang lên trong tiếng cười của mọi người.

Cùng thời điểm đó, 80 bánh của lớp 11C8 đã được vớt và treo lên, đợi đến ngày hôm sau trao tận tay từng học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cô Lê Thị Bích Chi tâm sự: “Làm bánh tét vào thời điểm này còn quá sớm, nhưng chẳng còn mấy ngày nữa nhà trường cho học sinh nghỉ tết rồi. Do đó, có sớm cũng phải bắt tay vào làm. Bánh đem tặng các bạn học sinh khó khăn, một vài giáo viên bộ môn dạy lớp và các em đem về cho gia đình. Cha mẹ nào thấy con mình chú trọng đến những giá trị truyền thống mà không thích. Theo tôi, hoạt động này vừa gắn kết tình cảm học sinh trong lớp vừa cho các em trải nghiệm một hoạt động lý thú sau khi trải qua kỳ thi học kỳ đầy căng thẳng”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều