Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ thú Côn Đảo (bài 1)

11:09, 27/09/2017

"Côn Lôn đi dễ khó về. Già đi bỏ xác, trai về nắm xương". Đó là chuyện ngày xưa. Bây giờ phải tốn tiền mới ra được Côn Đảo. Vậy mà, thiên hạ rủ nhau đi rần rần!"...

“Côn Lôn đi dễ khó về. Già đi bỏ xác, trai về nắm xương”. Đó là chuyện ngày xưa. Bây giờ phải tốn tiền mới ra được Côn Đảo. Vậy mà, thiên hạ rủ nhau đi rần rần!” - lời chia sẻ của một vị khách miền Tây trên chuyến tàu cao tốc từ Bến cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) ra Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã cho thấy sự thay đổi của địa danh một thời “nghe nói đến đã thấy sợ”. Thật vậy, có đến đây mới cảm nhận hết được sự kỳ thú ở nơi từng bị xem là “địa ngục trần gian”.

Bài 1: Rùng mình với “địa ngục trần gian”

Giữa năm 1991 được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, anh Đoàn Ngọc Giao (sếp đầu tiên của tôi ở Báo Đồng Nai), rủ tôi ra Côn Đảo phụ anh làm công tác tổ chức dịch vụ du lịch.

 

Đông đảo du khách thăm di tích nhà giam ở Côn Đảo.
Đông đảo du khách thăm di tích nhà giam ở Côn Đảo.

Anh Giao cho biết, Trung ương quyết định xây dựng Côn Đảo thành đảo ngọc theo mô hình đảo Thanh Niên của Cu Ba. Nghe anh nói, tôi thích lắm vì làm du lịch đúng là sở thích của tôi. Tuy nhiên, vợ tôi đã phản đối quyết liệt và tôi... cứ mãi là người Đồng Nai.

* DU LỊCH “3 TRONG 1”

Không có cơ duyên thành người Côn Đảo, tôi lại còn... “mãi là người đến sau”. Bởi trước đó khá lâu, du khách nhiều nước trên thế giới đã đến khám phá Côn Đảo, một nơi từng bị xem là “địa ngục trần gian” với đủ hình thức đày đọa, tra tấn man rợ trong “chuồng cọp”, xà lim biệt giam.

Cũng có rất nhiều đồng bào, kể cả Việt kiều ở hải ngoại xem đảo thiêng Côn Lôn là “bàn thờ Tổ quốc”, bởi nơi đây có gần 2 vạn nấm mồ có tên và không tên nằm dưới các nghĩa trang: Hàng Keo, Hàng Dương, Hòn Cau, Cỏ Ống... Trong số này, có cả những người yêu nước các dân tộc: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... tham gia chống ách áp bức thuộc địa đã bị đọa đày, bỏ thân xác lại.

Gần đây, Côn Đảo lại được thế giới chú ý nhiều hơn trong lĩnh vực du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên.

Tạp chí Travel & Leisure số tháng 5-2011 ca ngợi Côn Đảo có “những vách đá dốc đứng bên cạnh những bãi biển hoang sơ và làn nước xanh trong vắt” và đánh giá Côn Đảo “là một trong những đảo bí ẩn và tốt nhất trên thế giới”.

Còn cẩm nang du lịch Lonely Planet nổi tiếng thì ghi nhận Côn Đảo của Việt Nam là: “Thiên đường thiên nhiên với những cánh rừng rậm rạp, làn nước màu ngọc bích, những bãi cát trắng và là ngôi nhà của bò biển, cá heo, rùa biển và những rạn san hô ngoạn mục”.

Như vậy, cùng với quần thể di tích lịch sử dày đặc, biển đảo và rừng nguyên sinh ngập nước của Côn Đảo là cảnh quan thiên nhiên kỳ thú cho những ai thích khám phá. Vì thế, Côn Đảo được xác định là một trong 21 khu du lịch quốc gia của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1518/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2030 phát triển thành khu kinh tế du lịch hiện đại, tầm cỡ quốc tế.

* VIÊN ĐÁ MẠNG NGƯỜI…

Đến thị trấn Côn Đảo, vừa đặt chân lên cầu tàu được gọi tên bằng danh số 871, 914, 915 để tưởng nhớ đến số người đã chết trong lúc xây dựng, tôi không khỏi rùng mình. Con số này chắc cũng không nói đúng, nói đủ về số tù nhân đã thực sự thiệt mạng nơi đây.

Vì từ năm 1873, để khởi công xây dựng cầu tàu, bọn gác ngục đã huy động tù nhân xeo đá tảng từ núi Chúa về kè dọc theo bờ đảo. Với lối giết tù bằng lao động khổ sai, bọn gác ngục người Pháp cùng tay sai dã man đã giao cho 12 người tù xeo một tảng đá nặng hàng tấn.

Thấy họ xeo không nổi, chúng dùng gậy gân bò, roi mây… đánh đập tơi tả rồi bớt ra 2 người, bắt họ xeo tiếp. Họ lại xeo không nổi, chúng đánh tiếp rồi bớt người, bắt xeo lại… Để làm bờ kè, người tù Côn Đảo đã phải đối mặt với tình trạng không xeo đá được thì chết vì đòn roi, còn xeo được thì chết vì kiệt sức.

Nhìn hàng trăm ngàn phiến đá chồng chất xếp lớp dưới chân cầu tàu, tôi không thể hình dung ra được bao nhiêu xương máu của đồng loại mình đã thực sự bỏ ra ở nơi này. Trong đầu tôi chợt nghe âm vang của lời ca thống thiết: “Côn Lôn ơi, viên đá mạng người” mà trong những cuộc hàn huyên, một số cựu tù Côn Đảo gốc người Đồng Nai mà tôi quen biết như ông Võ Hồng Thái, ông Nguyễn Phan Biên… thường hay kể.

Cầu tàu Côn Đảo, di tích lịch sử đầu tiên ở “địa ngục trần gian” cũng là nơi khởi đầu của hàng chục vạn lượt tù nhân bước chân vào chốn lưu đày, trong đó có hàng vạn người vĩnh viễn không trở về. Cầu tàu này cũng là nơi chứng kiến niềm hân hoan của hơn 2 ngàn tù chính trị được giải phóng vào tháng 9-1945, khi ca nô do thợ máy Tôn Đức Thắng cầm lái dẫn đoàn tàu của Ủy ban Hành chánh Nam bộ ra rước. Để rồi 30 năm sau đó, với đại thắng mùa xuân năm 1975, 4 ngàn tù chính trị ở Côn Đảo lại reo vang khi lần lượt được đón trở về đất liền.

* THỊ TRẤN TÙ TRÊN HÒN ĐẢO TÙ

Thêm một bất ngờ, khi vừa bước chân qua cầu tàu Côn Đảo, tôi nhìn thấy một ngôi nhà có kiến trúc cổ điển châu Âu nằm nép bóng cội bàng cổ thụ. Trên tường nhà gắn tấm bảng đồng khắc hàng chữ: “Dans cette maison vécut le grand compositeur Camille Saint Saens du 20 Mars au 19 Avril 1895, il y acheva l’opéra Brunehilda”.

Thì ra, đây là nhà khách dành cho quan chức từ đất liền ra đảo công tác lưu trú. Và bọn thực dân Pháp đã hết sức tự hào thông báo với mọi người rằng nhà công vụ này đã được nhạc sĩ kỳ tài Camille Saint Saens ở cả tháng, từ ngày 20-3 đến 19-4-1895 để hoàn thành vở nhạc kịch nổi tiếng Brunehilda.

Thị trấn Côn Đảo có vị trí khá độc đáo: một thung lũng bằng phẳng hình bán nguyệt mặt ngó ra vịnh Đông Nam, 3 bề được vây quanh bởi dãy núi Chúa, 2 đầu là sân bay Cỏ Ống và cảng Bến Đầm. Nhưng lạ hơn nữa, Côn Đảo thời nào cũng là đơn vị hành chính đặc biệt nhất ở Việt Nam: tỉnh Côn Sơn, nhưng không có quận, huyện và nay là huyện Côn Đảo, nhưng cũng không có xã, phường.

Côn Đảo còn có một cấu trúc hết sức đặc biệt: thị trấn tù của một hòn đảo tù. Hơn một thế kỷ hình thành và tồn tại, ở Côn Đảo ngoài hệ thống trại giam đồ sộ và bộ máy trị tù ra, không có cơ cấu dân cư, cơ sở kinh tế - xã hội nào hoạt động. Vì vậy, từ ý niệm “Côn Đảo là một hòn đảo di tích”, tôi rất đồng tình với ý kiến đề nghị bảo tồn kiểu dáng kiến trúc của thị trấn này từ dãy phố công sở đến những hàng cây, con đường, tường rào, kè đá… trong phác thảo quy hoạch tổng thể cho Côn Đảo của kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn.

Vẫy vùng giữa làn nước trong xanh ở các bãi biển sạch, đẹp của Côn Đảo, sang hòn Bảy Cạnh lặn biển ngắm san hô, xem vích (một loại rùa biển to lớn) đẻ, rình rập chụp ảnh cua xe tăng kềnh càng đi kiếm ăn vào lúc chạng vạng trong rừng ngập mặn, thưởng thức sắc đỏ vàng pha trộn của loài hoa dại có tên Móng Rồng nở ngập ven đường vào làng cổ Cỏ Ống, bãi Đầm Trầu..., tôi cũng không thể nào thôi ấn tượng về những dãy tường đá xám xịt, rêu phong bao quanh các trại giam, những hàng cây bàng già nua, cổ lổ cùng những kè đá dưới cầu tàu, mấy con đường lát đá dọc ngang khắp đảo… từng thấm đẫm biết bao mồ hôi, xương máu của những người yêu nước và chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Bùi Thuận

Bài 2: Nửa đêm ở Nghĩa trang Hàng Dương

Tin xem nhiều