Báo Đồng Nai điện tử
En

Thâm nhập "công trường" phế liệu

07:11, 16/11/2017

Trong khuôn viên rộng hàng chục hécta ở KP.7, phường Long Bình (TP.Biên Hòa), có nhiều khu tập trung các loại phế liệu, như: giấy, bọc ny-lông, vỏ xe cũ, nhựa, sắt... để tái chế. Hoạt động tái chế phế liệu ở đây phần lớn làm thủ công, khói bụi, nước thải, chất thải được xả thẳng ra môi trường.

Trong khuôn viên rộng hàng chục hécta ở KP.7, phường Long Bình (TP.Biên Hòa), có nhiều khu tập trung các loại phế liệu, như: giấy, bọc ny-lông, vỏ xe cũ, nhựa, sắt... để tái chế. Hoạt động tái chế phế liệu ở đây phần lớn làm thủ công, khói bụi, nước thải, chất thải được xả thẳng ra môi trường.

Lò sấy của một cơ sở sản xuất bột giấy thường xuyên phả bụi ra môi trường.
Lò sấy của một cơ sở sản xuất bột giấy thường xuyên phả bụi ra môi trường.

Người dân địa phương cho biết hoạt động tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường ở khu vực này đã diễn ra nhiều năm, nhưng chưa thấy cơ quan chức năng xử lý. Nguyên do là khu vực này nằm trong đất của một đơn vị quân đội nên người dân và chính quyền địa phương không thể tiếp cận.

* “Công trường” phế liệu

Theo sự hướng dẫn của người dân địa phương, một ngày đầu tháng 11-2017, chúng tôi đã thâm nhập vào khu vực kinh doanh, tái chế phế liệu ở KP.7, phường Long Bình. Từ đường Bùi Văn Hòa rẽ vào cổng của một đơn vị quân đội, chúng tôi phải qua vọng gác mới vào được khu vực tái chế phế liệu. Đi sâu vào bên trong cổng gác, chúng tôi thấy nhiều khu vực tái chế phế liệu nằm sát nhau, mỗi khu có diện tích hàng ngàn mét vuông.

Vỏ xe được chất đống giữa khu rừng tràm.
Vỏ xe được chất đống giữa khu rừng tràm.

Theo người dẫn đường, các cơ sở tái chế phế liệu đã thuê đất quân đội để tái chế các loại phế liệu, như: bột gỗ, vỏ xe cũ, bao ny-lông, sắt thép... thành hạt nhựa, bột giấy, thậm chí là đúc gang... Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các cơ sở này hoạt động không đảm bảo môi trường, một lượng khí thải và nước thải chưa qua xử lý đều trực tiếp thải ra môi trường.

Cơ sở tái chế phế liệu đầu tiên chúng tôi tiếp cận là nơi sản xuất bột giấy với khu nhà xưởng rộng hàng ngàn mét vuông được đóng kín cổng. Điều dễ nhận thấy ở cơ sở này là hệ thống lò sấy nhô lên cao, thường xuyên phả những luồng bụi trắng ra bên ngoài. Vòng qua phía sau xưởng sản xuất bột giấy, chúng tôi thấy nhiều cơ sở khác đang hoạt động rầm rộ.

Người dẫn đường cho biết khu tập trung và sản xuất hạt nhựa thường xuyên mở cổng để xe tải vào đổ phế liệu. Bên trong cơ sở này, bọc ny-lông được ép thành những khối vuông chất cao như “núi” và chỉ được che chắn xung quanh bằng một vòng tôn mỏng. Đứng bên ngoài, chúng tôi dễ dàng quan sát được “núi” phế liệu cũng như các hoạt động sản xuất ở bên trong.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi gom bọc ny-lông về, cơ sở này sẽ xử lý qua nhiều công đoạn để tạo ra các hạt nhựa. Tất cả các công đoạn này đều được làm thủ công, mùi ny-lông cháy bốc lên khét lẹt.

Đối diện với khu tái chế phế liệu ny-lông là cơ sở tái chế vỏ, ruột xe. Vỏ, ruột xe cũ sau khi gom về đây được cho vào máy xay thành hạt nhỏ dùng để rải trên các sân bóng đá nhân tạo. Cũng như các nơi khác, cơ sở này làm bằng thủ công, hoàn toàn không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải.

Cách khu tái chế hạt nhựa không xa, một bãi vỏ xe chất đống thành 2 dãy dài nằm giữa khu rừng tràm hoàn toàn không có sự che chắn. Sau khi gom vỏ, ruột xe cũ về, cơ sở này cho nhân công cắt gọt lấy phần bố và cao su non để tái chế thành các sản phẩm khác. Số còn lại không sử dụng được thì chất đống ở khu rừng tràm. Quá trình cắt gọt, tái chế vỏ, ruột xe, toàn bộ chất thải và nước thải được đổ ra rừng tràm.

* Cơ sở tái chế phế liệu “khủng” giữa rừng tràm

Rời khu vực có nhiều khu tái chế phế liệu tập trung san sát nhau, tiếp tục men theo con đường đất nhỏ giữa rừng tràm khoảng 1km, chúng tôi gặp một cơ sở tái chế giấy và bọc ny-lông để làm giấy và hạt nhựa rộng khoảng 10 ngàn m2 do một người tên Q. (quê TP.Hà Nội) làm chủ. Bước vào bên trong cơ sở này, chúng tôi thấy 2 bên lối vào vỏ bao xi măng được chất cao thành “núi”, cả khu vực sản xuất rộng lớn chỉ được “bảo vệ” bởi lớp tôn tạm bợ.

Sau khi qua các bồn lắng bùn, nước thải trong cơ sở tái chế phế liệu của ông Q. được đổ thẳng ra môi trường.
Sau khi qua các bồn lắng bùn, nước thải trong cơ sở tái chế phế liệu của ông Q. được đổ thẳng ra môi trường.

Trao đổi với chúng tôi lúc vừa tan ca, một nhân công của cơ sở cho biết đã làm việc ở đây khoảng 3 năm. Công việc hàng ngày của người này là tẩy rửa, làm sạch bao xi măng để chuyển cho bộ phận khác phân loại.

Người này cho biết số bao xi măng phế liệu sẽ được nghiền ra làm bột giấy, còn số bọc ny-lông sẽ được chuyển sang chỗ chế tạo hạt nhựa. Tất cả công đoạn này đều làm thủ công trong 2 khu xưởng nằm sát nhau. Hàng ngày, có khoảng 50 nhân công làm việc ở 2 xưởng này.

Bên trong xưởng làm bột giấy, nhiều bể chứa nước dùng để làm sạch bao xi măng. Quá trình làm sạch này, một lượng lớn bùn cặn và nước thải chảy ra ngoài theo một mương nước thải lộ thiên. Mương nước thải có màu đen pha lẫn sợi bao ny-lông được đổ ra ngoài mà không qua công đoạn xử lý nào.

Một số người dân địa phương cho biết họ thường xuyên phát hiện ống khói phả khói bụi và mùi hôi tỏa ra từ các khu vực tái chế phế liệu, nhưng vì khu vực này do quân đội quản lý nên mọi người không thể tiếp cận được.

“Các cơ sở chế biến phế liệu ở đây hoạt động đã 4-5 năm nay. Thỉnh thoảng, tôi ngửi thấy mùi hôi và hít phải khói bụi từ các cơ sở tái chế phế liệu tỏa ra nhưng không biết kêu ai. Khu đất này do một đơn vị quân đội quản lý nên người dân không được vào” - ông L.V.H. (ngụ KP.7, phường Long Bình) cho biết.

Từ thực tế ghi nhận của phóng viên và những phản ảnh của người dân, mong rằng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh, xử lý hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở tái chế phế liệu này.

Trần Danh

Tin xem nhiều