Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui buồn nghề giữ sách

10:11, 14/11/2018

Hiện nay, khi internet phát triển mạnh mẽ, xu hướng đọc sách, báo có sự thay đổi lớn. Vì vậy, số người đến đọc và mượn sách ở Thư viện tỉnh ngày càng thưa vắng. Thế nhưng, hằng ngày, những thủ thư của Thư viện tỉnh vẫn cần mẫn với công việc giữ sách của mình, một công việc nếu không có tình yêu với sách khó có thể gắn bó lâu dài.

Hiện nay, khi internet phát triển mạnh mẽ, xu hướng đọc sách, báo có sự thay đổi lớn. Vì vậy, số người đến đọc và mượn sách ở Thư viện tỉnh ngày càng thưa vắng. Thế nhưng, hằng ngày, những thủ thư của Thư viện tỉnh vẫn cần mẫn với công việc giữ sách của mình, một công việc nếu không có tình yêu với sách khó có thể gắn bó lâu dài.

Bà Đào Thị Bích, Phó trưởng phòng Phục vụ Thư viện tỉnh kiểm tra các sách đang được lưu giữ trong kho.
Bà Đào Thị Bích, Phó trưởng phòng Phục vụ Thư viện tỉnh kiểm tra các sách đang được lưu giữ trong kho.

Thư viện tỉnh vào một ngày giữa tuần của tháng 11 khá yên tĩnh và vắng vẻ. Dù đây là thời điểm học sinh, sinh viên chuẩn bị ôn thi học kỳ I nhưng rất ít các bạn trẻ ra vào mượn sách, đọc sách. Thỉnh thoảng có một vài người khách cao tuổi tìm đọc báo, 2-3 nhóm sinh viên đến học nhóm.

* Tận tâm với nghề

Bà Đào Thị Bích (50 tuổi, Phó trưởng Phòng Phục vụ, có 23 năm công tác tại Thư viện tỉnh) cho hay thời kỳ vàng son nhất của thư viện đã qua. Hình ảnh nhiều bạn đọc xếp hàng chờ làm thẻ đọc ở thư viện đã chỉ còn trong ký ức.  Hơn 10 năm nay, xu hướng đến thư viện đọc sách ngày càng giảm, mà thay vào đó nhiều người chọn cách đọc sách trên internet hoặc mua trực tiếp sách ở các nhà sách, các kênh bán hàng online. Điều này kéo theo việc Thư viện tỉnh ngày càng ít dần bạn đọc.

Ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết những thủ thư ở Phòng Phục vụ chính là cầu nối trực tiếp giữa các bạn đọc và thư viện. Vừa làm công tác bảo quản sách, vừa giới thiệu sách đến bạn đọc. Công việc thầm lặng của  những thủ thư đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển của Thư viện tỉnh suốt nhiều năm qua.

Trong tuần, ngày đông bạn đọc nhất là sáng thứ bảy, một số phụ huynh đưa con đến đọc sách ở phòng thiếu nhi. Ngoài ra, vào những thời điểm ôn thi, số lượng người đọc có nhích lên chút đỉnh vì khi đó sinh viên một số trường đại học, cao đẳng ở TP.Biên Hòa đến tìm tài liệu. Tuy nhiên, thời điểm đông nhất cũng chỉ có khoảng 20 sinh viên vào học nhóm.

Phòng Phục vụ của Thư viện tỉnh có 10 thủ thư, tính luôn cả lãnh đạo phòng. Công việc hằng ngày của các thủ thư là hướng dẫn bạn đọc tìm sách và chỉ dẫn họ thủ tục để mượn sách; sắp xếp các dãy sách trên kệ cho thẳng hàng, đặt lại sách bị bạn đọc xáo trộn vào đúng vị trí ban đầu...

Bà Trần Thị Hồng Hạnh (40 tuổi, nhân viên Phòng Phục vụ, có 22 năm công tác tại Thư viện tỉnh) bày tỏ nhiệm vụ của một thủ thư không chỉ giúp bạn đọc tìm được cuốn sách họ cần một cách nhanh nhất mà phải hiểu được ý bạn đọc. Đối với bạn đọc quen thuộc, bà còn hiểu được sở thích của họ, loại sách hay tác giả họ thích để giới thiệu các sách mới về, các sách hiếm để kết nối bạn đọc với thư viện đều đặn hơn.

Tuy số lượng bạn đọc có ít đi nhưng không vì vậy mà công việc của thủ thư lại giảm. Khi có sách mới về, sau khi Phòng Xử lý tài liệu đã xử lý các bước cơ bản như: phân loại theo nội dung, tác giả... các thủ thư sẽ nhận và đóng các dấu phân loại theo thể loại, kích thước, dãy, kệ... để quản lý sách bằng mã số. Mỗi cuốn sách có một mã vạch riêng (khác với mã vạch do nhà xuất bản in lên), khi quét mã vạch này, thủ thư có thể biết được sách này đã được cho ai mượn, mượn bao lâu, có quá hạn không. Bên cạnh đó, các thủ thư cũng phải dán keo ở nếp gấp trang bìa, bọc giấy kiếng để bảo quản sách lâu dài...

* Trụ lại vì tình yêu với sách

Theo bà Đào Thị Bích, để gắn bó với công việc thủ thư, điều đầu tiên phải có đó chính là tình yêu với sách. Vì sách chính là nơi lưu giữ tri thức, là thứ níu chân bạn đọc với thư viện và cũng chính là “linh hồn” của thư viện. Ngày ngày, giờ giờ đều làm việc trong không gian tĩnh lặng cùng hàng trăm ngàn quyển sách, do đó, nếu không phải người ham thích đọc sách sẽ khó cống hiến hết mình với công việc này.

Thủ thư Thư viện tỉnh làm thủ tục quét mã vạch sách trước khi đưa cho bạn đọc mượn.
Thủ thư Thư viện tỉnh làm thủ tục quét mã vạch sách trước khi đưa cho bạn đọc mượn.

Hằng ngày, các thủ thư còn đảm nhiệm việc giới thiệu các sách mới, tư liệu mới, sách “hot” được mượn nhiều... trên trang web của Thư viện tỉnh. Để làm tốt việc này, các thủ thư phải đọc nhiều, chọn lọc giới thiệu sách, tác giả, tác phẩm tiêu biểu đến bạn đọc.

Nếu như trước đây, bạn đọc tự tìm đến thư viện để đọc sách, báo thì hiện nay các thủ thư của Thư viện tỉnh phải “xắn tay áo” để đưa sách tới gần với bạn đọc hơn. Họ phải thay nhau đi xuống tận các thư viện nhỏ cấp huyện, các tủ sách ở trường học, các trại giam, trại tạm giam trong tỉnh để giới thiệu sách, luân chuyển sách, tạo cơ hội cho nhiều người dân ở xa có cơ hội đọc nhiều cuốn sách hay, ý nghĩa.

“Mỗi khi thấy bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa cầm, nâng niu, đọc say sưa cuốn sách mà chúng tôi đem đến cũng đủ làm chúng tôi xúc động và hạnh phúc. Vì ở những nơi đây, điều kiện để bà con tiếp cận được những cuốn sách, báo không phải dễ” - bà Hạnh bộc bạch.

Quả thực, công việc của một thủ thư khá vất vả, thu nhập không cao. Để gắn bó lâu dài với công việc phải có một tình yêu đặc biệt với sách. Chị Nguyễn Thị Yên (29 tuổi, nhân viên Phòng Phục vụ, Thư viện tỉnh) tâm sự: “Sau 6 năm làm việc tại Thư viện tỉnh, tôi thấy yêu nơi này và muốn gắn bó lâu dài, bởi đây gần như là nơi thời gian lắng đọng lại, tôi có thể tìm đọc và giới thiệu cho nhiều bạn đọc những sách quý hiếm lưu giữ nhiều tri thức, văn hóa, trong đó có cả những kiến thức tôi không thể tìm thấy trên internet”.

Minh Thành

Tin xem nhiều