Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành trình nhỏ hướng về Hà Giang

08:03, 31/03/2022

Cuối tháng 3-2022, khi hạt bắp, đậu nhú mầm trên những kẽ đá cũng là lúc đồng bào các dân tộc thiểu số xã Lũng Chinh (H.Mèo Vạc), Tả Phìn (H.Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) lo nghĩ nhiều về cái ăn tháng giáp hạt.

Cuối tháng 3-2022, khi hạt bắp, đậu nhú mầm trên những kẽ đá cũng là lúc đồng bào các dân tộc thiểu số xã Lũng Chinh (H.Mèo Vạc), Tả Phìn (H.Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) lo nghĩ nhiều về cái ăn tháng giáp hạt.

Nhóm bạn trẻ Vạn Sự Tùy Duyên (H.Long Thành) phân quà, bánh để tặng trẻ em, học sinh xã Lũng Chinh (H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Đoàn Phú
Nhóm bạn trẻ Vạn Sự Tùy Duyên (H.Long Thành) phân quà, bánh để tặng trẻ em, học sinh xã Lũng Chinh (H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Đoàn Phú

Chính vì vậy, dù chỉ là sự chia sẻ rất nhỏ nhưng Nhóm thiện nguyện Vạn Sự Tùy Duyên (H.Long Thành) cũng được đồng bào và chính quyền nơi đây trân quý.

* Về với Lũng Chinh

Sau chặng đường trên 2 ngàn km bằng nhiều phương tiện, chúng tôi và Nhóm thiện nguyện Vạn Sự Tùy Duyên đã có mặt tại UBND xã Lũng Chinh tổ chức hỗ trợ trên 600 phần quà (trị giá 197 triệu đồng) cho đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, giáo viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Lũng Chinh ở nơi vùng đất đá cực Bắc Tổ quốc. Thiếu tá Hoàng Phan Dũng (Trưởng Công an xã Lũng Chinh) đón đoàn ngay ngã ba chợ xã rồi dẫn chúng tôi vào UBND xã triển khai công tác trao quà.

Thiếu tá Hoàng Phan Dũng tuy mới được điều về xã Lũng Chinh công tác được trên 2 năm nhưng khá tường tận về tập quán, cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số: Mông, Dao, Cờ Lao, Hoa, Tày trong xã. Chỉ cây bắp, đậu mới nhú mầm vươn lên khỏi lớp đất từ các vách đá được 2 đốt ngón tay giữa trùng điệp cao nguyên đá, thiếu tá Dũng cho biết, thời điểm này đồng bào xuống hạt gần xong nên cũng là lúc số bắp dự trữ trong nhà để làm ra món mèn mén (món ăn quen thuộc hằng ngày thay cơm) đang sắp cạn. Do đó, có rất nhiều hộ đồng bào tiếp tục được Nhà nước trợ cấp lương thực chờ đến ngày cây bắp, đậu cho thu hoạch.

Trẻ em vùng núi đá Lũng Chinh (H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) quen với việc đèo em đi bộ đến trường, đi nương. Ảnh: Đoàn Phú
Trẻ em vùng núi đá Lũng Chinh (H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) quen với việc đèo em đi bộ đến trường, đi nương. Ảnh: Đoàn Phú

Lũng Chinh là xã miền núi nằm cách trung tâm H.Mèo Vạc 20km về phía Tây, giáp với các xã: Sùng Máng, Nậm Ban (H.Mèo Vạc) và Lũng Phìn (H.Đồng Văn). Địa phương có 829 hộ dân/4.272 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 88% dân số, hộ nghèo chiếm trên 60% dân số toàn xã. Xã Lũng Chinh có 3/7 thôn chưa có điện, 1 thôn xe ô tô không vào được. Ngoài khó khăn về hạ tầng, vấn đề nước tưới tiêu, sinh hoạt luôn là khát vọng được quan tâm đầu tư của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.

Tiếng xe ô tô rú lên để vượt qua con dốc cao vào sân UBND xã Lũng Chinh - nơi rất đông đồng bào các dân tộc, học sinh vượt núi, dốc, đồi từ tờ mờ sáng đợi sẵn. Những túi quà nhỏ (bánh kẹo, gạo, thuốc tây…) được chuẩn bị sẵn trước đó nhanh chóng được phân phát cho tất cả mọi người một cách trật tự, nghĩa tình nhờ sự chuẩn bị chu đáo của cán bộ UBND xã. Từ đây, những túi quà to, nhỏ tiếp tục được đồng bào cõng về bản trong niềm vui.

Nhóm thiện nguyện Vạn Sự Tùy Duyên (H.Long Thành) tặng quà cho học sinh Trường mầm non Tả Phìn (H.Đồng Văn). Ảnh: Đoàn Phú
Nhóm thiện nguyện Vạn Sự Tùy Duyên (H.Long Thành) tặng quà cho học sinh Trường mầm non Tả Phìn (H.Đồng Văn). Ảnh: Đoàn Phú

“Dù đi bộ mấy chục km từ sáng sớm trong lúc ngày mùa bận rộn, đồng bào bản Mèo Vống của mình vẫn háo hức đón nhận quà của các bạn trẻ người Kinh miền xuôi lên. Trong quà hôm nay có gạo, đồng bào sẽ có bữa cơm trắng ngon thay cho món mèn mén thường ngày khi lên nương lao động” - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Mèo Vống Sùng Mí Cớ bày tỏ.

* Chợ lùi Lũng Chinh

Sau khi trao quà cho đồng bào, học sinh, giáo viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Lũng Chinh, nhóm bạn trẻ Vạn Sự Tùy Duyên tiếp tục đi thăm, tặng quà cho giáo viên Trường mầm non Tả Phìn (xã Tả Phìn, H.Đồng Văn). Rồi nhóm quay lại xã Lũng Chinh để giao lưu với cán bộ xã, ấp, giáo viên và nhất là sáng sớm hôm sau tham dự chợ phiên lùi Lũng Chinh. Dù một ngày cật lực chạy theo thời gian để hoàn thành phần việc nhưng tất cả các thành viên trong đoàn đều háo hức đợi trời sáng để được đi chợ phiên.

Gà đồi chưa kịp cất tiếng gáy vang, chúng tôi tách đoàn theo bước chân đồng bào dân tộc hướng về chợ lùi Lũng Chinh lúc 4 giờ sáng. Dù không quen vượt dốc, đồi nhưng chúng tôi vẫn hăm hở hòa vào dòng người đi bộ từ các lối mòn hướng về chợ. Thứ họ mang ra chợ chỉ là cái gùi không hoặc từ con dao, cái cuốc, củ khoai, bao bắp, đậu cho đến con trâu, bò, ngựa, gà, lợn “mán”, chó con… Bởi vì theo tập tục, họ đi chợ phiên không đơn thuần là mua bán mà còn đi vui chơi, uống rượu.

Đồng bào xã Tả Phìn (H.Đồng Văn) đi chợ phiên lùi Lũng Chinh. Ảnh: Đoàn Phú
Đồng bào xã Tả Phìn (H.Đồng Văn) đi chợ phiên lùi Lũng Chinh. Ảnh: Đoàn Phú

Gặp thầy giáo Nông Quốc Chấn (dân tộc Tày, Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Lũng Chinh) tại ngã ba Mèo Vỗng khi đang chuyện trò với một đồng nghiệp ở xuôi lên. Qua bắt chuyện, chúng tôi được thầy Chấn cho biết, chợ phiên lùi Lũng Chinh cũng như chợ phiên lùi (tuần họp chợ 1 lần) ở các xã trong H.Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang. Chợ lùi thực chất là tên do người miền xuôi đặt. Do họ thấy cách họp chợ của đồng bào là phiên chợ sau sẽ được họp lùi lại một ngày so với phiên chợ trước. Chẳng hạn như, vào thứ bảy tuần này tổ chức phiên chợ, thì tuần sau phiên chợ rơi vào thứ sáu. Cứ như thế xoay vòng họp chợ. Chợ họp từ 5 giờ sáng tới 12 giờ trưa thì kết thúc. Hàng hóa bày bán, trao đổi ở chợ từ những sản phẩm do chính đồng bào tự chăn nuôi, lao động mà có. Bên cạnh đó, phiên chợ còn có đủ các sản phẩm dưới xuôi lên như: quần áo, đồ điện tử, gia dụng, thực phẩm đóng gói…

“Chợ lùi không chỉ có ở xã Lũng Chinh (H.Mèo Vạc), mà tỉnh Hà Giang còn có ở các xã: Sà Phìn, Tả Phìn và Phố Cáo… (H.Đồng Văn). Chính vì vậy, hiện nay gần như trong tuần ngày nào cũng có chợ phiên lùi, được tổ chức luân phiên 1 tuần/lần giữa các xã trong huyện” - thầy Chấn nói.

Những món quà nhỏ của Nhóm thiện nguyện Vạn Sự Tùy Duyên (H.Long Thành) nhanh chóng được trao tặng cho đồng bào xã Lũng Chinh. Ảnh: Đoàn Phú
Những món quà nhỏ của Nhóm thiện nguyện Vạn Sự Tùy Duyên (H.Long Thành) nhanh chóng được trao tặng cho đồng bào xã Lũng Chinh. Ảnh: Đoàn Phú

Lang thang mấy tiếng đồng hồ nơi chợ phiên lùi Lũng Chinh để chờ đoàn ra, chúng tôi được thưởng thức từ món mèn mén bình dân của đồng bào tới phở, bánh láo khoải, bánh giầy, mì luộc… trong cái náo nhiệt, xì xầm của phiên chợ. Nghỉ mệt nơi vách đá gần nhà dân suốt nhiều giờ chờ đoàn ra, chúng tôi chợt nghĩ, núi rừng Hà Giang hùng vĩ là đó nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, họ rất cần sự sẻ chia dù nhỏ của người dân miền xuôi, điều đó quý giá như những giọt nước ngọt rỉ ra từ vách đá.

Từ xã Lũng Chinh (H.Mèo Vạc) về Trường mầm non Tả Phìn (xã Tả Phìn, H.Đồng Văn) mất 3 giờ đi ô tô. Món quà Nhóm thiện nguyện Vạn Sự Tùy Duyên mang tặng cho trường và học sinh nơi đây ngoài bánh, thuốc tây, gạo còn có tủ nấu gas (tổng trị giá 105 triệu đồng). Theo lời anh Nguyễn Ngọc Giang San, Trưởng Nhóm Vạn Sự Tùy Duyên (H.Long Thành), có thể nay mai đoàn sẽ quay lại Lũng Chinh, Tả Phìn để hỗ trợ người dân nơi đây nhiều hơn nữa.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều