Báo Đồng Nai điện tử
En

Hai vở kịch "Mất vợ" và "Bạc tình" của Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai:
Vun đắp những giá trị nhân bản

05:04, 17/04/2009

"Công chúng không bỏ kịch, vấn đề còn lại là cách thể hiện như thế nào...". Đó là nhận định của đạo diễn Giang Mạnh Hà, Trưởng đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai, sau 80 đêm diễn thành công trong quý I-2009 của hai vở kịch "Mất vợ" và "Bạc tình".

"Công chúng không bỏ kịch, vấn đề còn lại là cách thể hiện như thế nào...". Đó là nhận định của đạo diễn Giang Mạnh Hà, Trưởng đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai, sau 80 đêm diễn thành công trong quý I-2009 của hai vở kịch "Mất vợ" và "Bạc tình".

 

* Điểm đến của những chương trình mừng Đảng, mừng Xuân trong quý I thường là vùng sâu vùng xa. Ở đó, công chúng đã đón nhận hai vở kịch này như thế nào, thưa ông?

 

- Có thể nói, xuyên suốt từ tháng 1-2009 đến nay, Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai diễn không nghỉ, kể cả ngày Tết, với 80 đêm diễn phục vụ cơ sở, chủ yếu là các xã anh hùng, vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa... Một điều rất mừng là hai vở diễn đã được bà con hưởng ứng rất nhiệt tình. Họ đến sớm, rất đông và đón xem đến hết vở kịch mới về. Thêm nữa, sau mỗi đêm diễn, lãnh đạo địa phương đều cảm ơn anh chị em trong đoàn đã đem đến món ăn tinh thần bổ ích.

 

* Vì sao đoàn lại chọn "Mất vợ " và "Bạc tình" làm điểm nhấn cho chương trình biểu diễn đầu năm nay?

 

- Phải nói là khâu chọn lọc kịch bản rất công phu. Chúng tôi đã đọc hàng chục kịch bản văn học để chọn 5 kịch bản phù hợp nhất để Hội đồng nghệ thuật của đoàn thẩm định lại. Cuối cùng, kịch bản của tác giả Bùi Vũ Minh (vở "Mất vợ") và của NSƯT Quốc Trượng (vở "Bạc tình") được chọn vì nội dung tư tưởng sâu sắc. Nếu như "Mất vợ" lên án sự tha hóa của đồng tiền, xem đồng tiền là thống soái để sẵn sàng đánh mất đạo đức nhân nghĩa, thì "Bạc tình" lại vạch trần thói tham lam, ích kỷ của những người có chức có quyền làm tan vỡ hạnh phúc của gia đình người khác. Tôi nghĩ, người dân đón nhận hai vở diễn này vì nội dung sâu sắc và thực tế, gắn với tình hình hiện nay, rất cần giữ lại những giá trị nhân bản...

 

* Ngoài nội dung tư tưởng, khâu dàn dựng đóng một vai trò quan trọng. Đoàn đã có những bước chuẩn bị gì để làm nên thành công đó, thưa ông?

 

- Nhìn chung là chuẩn bị rất công phu, chặt chẽ... Trước hết, chúng tôi phải có cái nhìn tổng thể, xem gu thẩm mỹ của công chúng ở địa phương, lực lượng diễn viên của đoàn, tính thời sự của tác phẩm... để bố cục lại. Thêm vào đó, anh chị em diễn viên trong đoàn đã dày công tập luyện suốt 2 tháng. Ngoài ra, còn có nhạc sĩ viết nhạc nền riêng cho từng vở kịch, họa sĩ thiết kế phông nền, cảnh trí, đạo cụ biểu diễn sân khấu...

 

* Điều gì đọng lại sau thành công của hai vở kịch này, thưa ông?

 

- Tác động của kịch là sự tác động đến tâm hồn một cách tự nhiên. Hai vở kịch này thấm sâu vào người xem, góp phần giúp họ bồi bổ về nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, tình cảm để vươn tới những giá trị nhân văn. Riêng đối với các diễn viên trong đoàn, 80 đêm diễn là cơ hội cho họ chui rèn, lắng nghe những phản ứng của khán giả nhiều nơi, từ đó anh chị em có thể đúc rút cho mình những kinh nghiệm cho những lần diễn sau, nâng cao năng lực chuyên môn của họ... Mặt khác, nghệ sĩ diễn nhiều thì thu nhập sẽ tăng cao, giúp họ toàn tâm, toàn ý gắn bó với nghề, cống hiến cho sự nghiệp văn hóa văn nghệ của tỉnh nhà.

 

* Là tác giả và tổng đạo diễn của hầu hết chương trình lễ hội lớn trong tỉnh, ông có đánh giá gì về nhu cầu thưởng thức kịch ở Đồng Nai?

 

- Cách đây 20 năm, Đồng Nai có đoàn nghệ thuật tổng hợp là ca múa kịch Đồng Nai, song kịch không duy trì được. Là một loại hình nghệ thuật có tính va đập, đột phá trực diện, mạnh mẽ, kịch có tính chắt lọc cao. Qua thành công của hai vở diễn này, tôi tin rằng công chúng không bỏ kịch, vấn đề còn lại là cách thể hiện như thế nào. Tôi cho rằng nếu thực sự có những vở diễn hay, đầu tư chất lượng cao thì sẽ thu hút được khán giả...

 

* Xin cảm ơn ông!

Lâm Viên (thực hiện)

Tin xem nhiều