Báo Đồng Nai điện tử
En

Đăng ký sở hữu trí tuệ: "Không để mất bò mới lo làm chuồng"!

08:10, 01/10/2010

Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) để các tài sản vô hình như nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế... được pháp luật bảo vệ trong môi trường kinh doanh phức tạp hiện nay là điều mà rất nhiều DN quan tâm.

Ông Trần Việt Hùng

Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) để các tài sản vô hình như nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế... được pháp luật bảo vệ trong môi trường kinh doanh phức tạp hiện nay là điều mà rất nhiều DN quan tâm. Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học - công nghệ, xung quanh vấn đề này.

 

Thương hiệu là tài sản

 

* PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm của các DN trong nước đối với việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT hiện nay?

 

- Ông Trần Việt Hùng: DN Việt Nam trước đây rất ít quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, nhất là khi kinh tế còn lạc hậu. Tuy nhiên, hiện tại mức độ quan tâm của DN ngày càng tăng, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập WTO. Điều này thể hiện ở chỗ số lượng đơn xin đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nhiều hơn. Cụ thể, hiện bình quân 1 năm chúng tôi nhận được khoảng 35.000 đơn đăng ký nhãn hiệu, trong khi giai đoạn 1990 - 2000 thì mỗi năm chỉ khoảng 5.000 đơn. Một điều đáng ghi nhận nữa là lúc trước đơn của nhãn hiệu nước ngoài đến VN làm ăn và xin bảo hộ hàng hóa của mình chiếm đến 70% lượng đơn đăng ký. Hiện nay thì các DN trong nước lại "áp đảo", chiếm đến 60 - 65% lượng đơn đăng ký.

 

* Vì sao DN cần sớm đăng ký quyền bảo hộ, thưa ông?

 

- Đăng ký bảo hộ thương hiệu là rất cần thiết bởi thương hiệu cũng là tài sản, tuy mang tính vô hình song giá trị lại được định giá ngày càng lớn. Nhiều nhãn hiệu của Việt Nam hiện đã được định giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, nếu DN không đăng ký bảo hộ thì nhãn hiệu không thành tài sản của mình về mặt pháp luật, do đó khi có những vấn đề xâm phạm như tranh giành, làm giả, làm nhái..., DN sẽ không có cơ sở để kiện tụng. Mặt khác, khi nhãn hiệu đã nổi tiếng, muốn sang nhượng hoặc bán cho DN khác cũng không thể. Do đó, ngoài các vấn đề khác như vốn, công nghệ... thì đăng ký nhãn hiệu là điều tối quan trọng với DN.

 

* Có bài học nào ông muốn chia sẻ cùng các DN Việt Nam về vấn đề SHTT?

 

-  Chia sẻ của tôi đến các DN là không nên để những sai lầm nhỏ gây hại đến uy tín thương hiệu và sự phát triển kinh doanh của mình. Sẽ là sai lầm lớn nếu chỉ coi các tài sản hữu hình như nhà xưởng, máy móc, công nghệ mới là tài sản và bỏ qua các tài sản vô hình như nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng, chỉ dẫn địa lý... Nhiều DN hiện nay "quên" đăng ký, và điều này hoàn toàn bất lợi. Một số DN chỉ tìm đến chúng tôi khi nhãn hiệu bị tranh chấp, kiện tụng... và họ luôn ở thế yếu. Câu chuyện của cà phê Trung Nguyên cách đây 4 năm khi xâm nhập thị trường Mỹ là một bài học. DN này đã "quên" việc đăng ký bảo hộ cho sản phẩm này tại thị trường Mỹ, do đó bị người nhập khẩu lạm dụng đăng ký trước. Khi phát sinh tranh chấp, Trung Nguyên không có cơ sở pháp lý nên sau đó phải đàm phán để mua lại quyền sở hữu. Đây rõ ràng là bất lợi khi phải bỏ thời gian và vốn liếng ra mua lại quyền sở hữu nhãn hiệu vốn dĩ là của mình.

 

Đừng để mất bò...

 

* Đăng ký quyền SHTT, song nhiều DN cho rằng họ chưa được bảo hộ thích đáng, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tiêu hủy hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Chi cục Quản lý thị trường. (Ảnh T.L).

- Luật nước nào cũng có quy định về quyền bảo hộ tài sản trí tuệ. Chúng ta đã cố gắng rất nhiều, song tôi thừa nhận việc bảo hộ tài sản SHTT tại Việt Nam chưa thực sự hiệu quả. Không phải riêng Việt Nam mà các nước đang phát triển hiện đều rơi vào tình trạng này. Chúng tôi vẫn đang cố gắng bằng hết khả năng để hỗ trợ DN trong vấn đề bảo hộ: như: tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt... Song theo tôi, sự gian nan trong bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu của DN còn xuất phát từ nguyên nhân DN chưa được định hướng đúng. Có nhiều lực lượng hiện có thể giúp DN trong vấn đề bảo hộ, như: công an kinh tế, thanh tra Sở KH-CN, quản lý thị trường... hoặc cao hơn DN có thể kiện lên tòa án dân sự hoặc hình sự.

 

* Các DN vừa và nhỏ rất khó tiếp cận với việc đăng ký quyền bảo hộ. Nhà nước có hỗ trợ gì không, thưa ông?

1.000 vụ vi phạm về niêm yết giá và nhãn hàng hóa

 Tổng hợp của Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai trong 9 tháng đầu năm cho thấy, trong hơn 1.600 vụ vi phạm thì vi phạm về niêm yết giá và nhãn hàng hóa vẫn chiếm nhiều nhất với tổng số gần 1.000 vụ; tiếp đến là vi phạm về điều kiện kinh doanh với hơn 300 vụ. Các nội dung khác như kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... cũng chiếm tỷ lệ khá cao (trên 100 vụ). Tổng số tiền phạt vi phạm trong 9 tháng là hơn 2,7 tỷ đồng. Các đội quản lý thị trường cũng phối hợp với cơ quan thú y các huyện đã kiểm tra 850 cơ sở chế biến thực phẩm, 36 cơ sở giết mổ lậu, tịch thu hàng ngàn kg thịt heo, hàng trăm con gà vịt, nhiều loại thực phẩm có sử dụng chất phụ gia nằm trong danh mục cấm...

V.Lâm

 

-  Chúng tôi hiện rất quan tâm đến các DN vừa và nhỏ bởi khả năng tiếp cận thông tin thấp hơn, đồng thời khả năng tổ chức riêng bộ phận bảo vệ nhãn hiệu trong chính DN mình cũng ít. Có thể kể đến một số hỗ trợ của chúng tôi như: chương trình tuyên truyền rộng rãi về bảo hộ và tổ chức các khóa đào tạo tại các địa phương thông qua các Sở KH - CN. Chính phủ hiện đang có chương trình 168 hỗ trợ các DN phát triển tài sản trí tuệ ở địa phương, giúp đỡ DN về kinh phí và kiến thức. Chương trình này đã thực hiện được 3 năm và sắp tới sẽ kéo dài thêm giai đoạn 2011 - 2015.

 

* Thông điệp nào ông muốn gửi đến các DN trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt"?

 

-  Với cuộc vận động này thì đăng ký bảo hộ quyền SHTT rất quan trọng, bởi hàng Việt đang ngày càng có tiếng tăm hơn. Một số nhãn hiệu của Việt Nam đã bị làm nhái, làm giả. "Đừng để mất bò mới lo làm chuồng". Tôi cho rằng, để bảo vệ hàng hóa một cách tốt nhất thì DN sản xuất hàng Việt cần đăng ký quyền SHTT càng sớm càng tốt.

 

* Xin cảm ơn ông.

V.Lâm (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều