Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn

11:09, 08/09/2013

Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh có kế hoạch tăng cường cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn.

Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh có kế hoạch tăng cường cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, ông Huỳnh Công Nam, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết:

-  6 tháng đầu năm, chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân khoảng 45 tỷ đồng cho gần 2.900 hộ vay, đạt trên 72% so với kế hoạch. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm dư nợ giảm mạnh. Do thu về quá nhiều, cho vay ra không kịp nên vào ngày 6-8-2013, Ngân hàng CSXH tỉnh đã có công văn yêu cầu các chi nhánh tập trung chỉ đạo việc rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để tăng cường cho các đối tượng này vay vốn.

 Đồng Nai không có hộ cận nghèo nên một sđịa phương đang lúng túng khi xác định đối tượng này để cho vay vốn. Xin ông cho biết, cách xác định hộ cận nghèo như thế nào cho đúng?

- Đúng là hiện nay, nhiều địa phương triển khai chương trình cho vay hộ nghèo còn chậm, do hiểu không đúng nên gặp lúng túng khi xác định đối tượng để cho vay vốn. Thực tế, chuẩn nghèo của Đồng Nai cao hơn chuẩn nghèo chung của cả nước nên ở Đồng Nai không có hộ cận nghèo. Vì vậy, hiện tại vẫn dựa vào chuẩn nghèo của tỉnh để làm căn cứ cho vay vốn đối với hộ cận nghèo. Cụ thể, hộ nghèo ở nông thôn có thu nhập 650 ngàn đồng/người/tháng, ở thành thị là 850 ngàn đồng/người/tháng.

 Hiện nay, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đang giảm mạnh và đều được cho vay vốn. Hộ cận nghèo Đồng Nai lại không có. Còn số hộ khó khăn có rất nhiều nhưng không đủ điều kiện để vay vốn theo quy định. Vậy có cách nào để họ tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng không, thưa ông?

- Chính vì lý do này, vừa qua Ngân hàng CSXH tỉnh đã yêu cầu các chi nhánh tập trung rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để tăng cường cho các đối tượng này vay vốn. Bên cạnh việc cho các hộ nghèo đúng chuẩn vay vốn theo quy định, ngân hàng còn giải quyết cho các hộ khó khăn, chưa thuộc diện hộ nghèo, nhưng thu nhập hiện tại ở mức hộ nghèo được vay vốn làm ăn. Chỉ từ đầu tháng 8 đến nay, đã cho gần 5 ngàn hộ vay mới trên 79 tỷ đồng. Hiện tại, chương trình này vẫn được triển khai ở các địa phương trong tỉnh.

 Như vậy, muốn vay được tiền từ chương trình cho vay hộ nghèo cũng phải dựa vào chuẩn nghèo của tỉnh. Có ý kiến cho rằng, chuẩn nghèo hiện nay chưa phù hợp, do mức sống ngày càng tăng, nếu không nâng chuẩn nghèo lên thì người nghèo sẽ khó tiếp cận được nguồn vốn vay, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Giải ngân cho vay hộ nghèo tại Điểm giao dịch xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc. Ảnh: N.Thư
Giải ngân cho vay hộ nghèo tại Điểm giao dịch xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc. Ảnh: N.Thư

- Đúng là số hộ nghèo ở cuối giai đoạn nên giảm mạnh, do đó đối tượng được cho vay cũng không nhiều. Muốn giải quyết vấn đề này phải nâng chuẩn nghèo lên cho phù hợp với mức sống, thu nhập của đối tượng nghèo, khó khăn. Chính vì vậy, trong thời gian chờ nâng chuẩn nghèo, Ngân hàng CSXH tỉnh yêu cầu các chi nhánh cũng như các địa phương thường xuyên cập nhật, rà soát danh sách các đối tượng khó khăn, chưa thuộc diện hộ nghèo vào để giải quyết cho vay kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người dân. Bởi lẽ, nếu vốn không giải ngân được, trung ương sẽ lấy về, người dân nghèo trong tỉnh sẽ thiệt thòi.

 Ngoài chương trình cho vay người nghèo, còn có chương trình cho vay nào để giải quyết khó khăn hay không, thưa ông?

-  Ngoài chương trình cho vay người nghèo còn có một số chương trình khác, như: cho vay học sinh, sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; chương trình cho vay giải quyết việc làm; cho vay hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn; cho vay giải quyết nước sạch, vệ sinh môi trường; cho vay hộ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn...

 Xin cảm ơn ông!

Ngọc Thư (thực hiện)

Tin xem nhiều