Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có "nhạc trưởng" cho kết nối giao thông vùng

07:02, 10/02/2018

Gần 36 năm gắn bó với giảng dạy và nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường đại học giao thông - vận tải TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp cho ngành giao thông - vận tải trong nước cũng như Đồng Nai.

Gần 36 năm gắn bó với giảng dạy và nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường đại học giao thông - vận tải TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp cho ngành giao thông - vận tải trong nước cũng như Đồng Nai. Theo ông, kết nối giao thông vùng khu vực Đông Nam bộ đã được thực hiện khá hơn những vùng khác nhưng vẫn cần một “nhạc trưởng” để việc kết nối được đồng bộ, khai thác hết các thế mạnh.

Đồng Nai không chỉ là tỉnh có giao thông phát triển mà còn là nơi có sinh viên theo học Trường đại học giao thông - vận tải TP.Hồ Chí Minh đông nhất. Mỗi năm có khoảng 300 học sinh ở Đồng Nai (tỷ lệ 12%) thi đậu và học cử nhân các ngành của trường. Hàng ngàn cử nhân ngành giao thông - vận tải người Đồng Nai đã được đào tạo tại trường. Bên cạnh đó, ông tham gia đóng góp ý kiến cho nhiều công trình giao thông quan trọng của tỉnh để khi đưa vào xây dựng, khai thác hoàn thiện hơn.

* Giải bài toàn giảm chi phí logistics

 Gần đây các tỉnh ở khu vực Đông Nam bộ hay nhắc đến kết nối giao thông vùng, việc này đã thực hiện như thế nào?

- Nói đến giao thông thì tính liên thông, kết nối là tất yếu nhưng so với những vùng khác thì vùng Đông Nam bộ thực hiện kết nối giao thông khá rõ nét. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh đóng vai trò chủ đạo đang triển khai nhiều đường vành đai lớn để kết nối với Đồng Nai và tỉnh khác với mục đích để việc lưu thông và vận chuyển hàng hóa thuận lợi.

Tuy nhiên theo tôi, muốn kết nối giao thông vùng đồng bộ thì cần có một “nhạc trưởng” là Chính phủ vì liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: quy hoạch về đất đai, đầu tư, tài chính... Hiện nay các tỉnh, thành trong vùng đã có những liên kết để phát triển giao thông nhưng chưa đồng bộ dẫn đến một số tuyến đường giao thông huyết mạch của vùng được mở rộng ở địa phương này nhưng chưa được mở rộng ở địa phương khác, tạo thành những nút thắt về giao thông gây tình trạng ùn ứ, kẹt xe.

 Nếu như làm tốt kết nối giao thông, có phải sẽ giải được bài toán giảm được nhiều chi phí về logistics cho vùng Đông Nam bộ?

- Sẽ giảm được. Bởi khi kết nối giao thông vùng đồng bộ, việc vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến các cảng hoặc ngược lại sẽ rút ngắn được nhiều thời gian và chi phí. Đây là một trong những yếu tố chính để giảm chi phí về logistics cho doanh nghiệp và nâng sức cạnh tranh. Khi kết nối giao thông vùng tốt cũng tạo thêm nhiều cơ hội cho các tỉnh, thành trong thu hút đầu tư nước ngoài.

 Ở khu vực Đông Nam bộ, ngoài giao thông đường bộ thì giao thông đường thủy, đường sắt tuy rất quan trọng nhưng chưa được chú ý?

- Các tỉnh, thành ở khu vực Đông Nam bộ mới chỉ chú ý nhiều đến phát triển giao thông đường bộ, còn đường thủy, đường sắt chưa được chú trọng. Điều này thật đáng tiếc vì đầu tư phát triển đường thủy, đường sắt sẽ giảm được rất nhiều áp lực cho đường bộ và giải quyết tình trạng kẹt xe ngày càng gia tăng ở nhiều tuyến đường.

Tôi đơn cử như vận chuyển bằng đường sắt, một đoàn tàu hỏa có thể chở vài trăm container hàng hóa cùng lúc thay thế được cả vài trăm chiếc xe ô tô. Tương tự với đường thủy, một chiếc tàu có thể chở từ vài chục đến hàng trăm container. Gần đây, giao thông đường thủy khu vực TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai có sự đầu tư, phát triển nhưng chưa xứng tầm, còn lĩnh vực đường sắt vẫn giậm chân tại chỗ.

 Lợi ích từ giao thông đường sắt, đường thủy các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đã chỉ ra khá rõ. Nguyên nhân nào khiến các tỉnh, thành vẫn chưa có những đầu tư đúng tầm?

- Theo tôi, nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí để thực hiện. Để đầu tư một tuyến đường sắt, đường thủy rất tốt kém nhưng lợi ích không mang lại nhanh như đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng đường bộ. Ngoài xây dựng các tuyến đường sắt, đường thủy chính thì phải xây dựng hệ thống đường kết nối từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến các cảng, ga. Hiện nay, các tuyến đường từ khu công nghiệp đến các cụm cảng, nhà ga chưa được đầu tư nhiều nên chưa thể phát triển vận tải đường sắt và đường thủy.

* Nên xã hội hóa ngành giao thông

Thế mạnh của các tỉnh phía Nam là giao thông đường thủy vì có sẵn mạng lưới sông lớn nối liền giữa các tỉnh, thành. Thời gian qua có nhiều đề xuất khu vực phía Nam nên có đầu tư xứng tầm để phát triển giao thông đường thủy. Tuy nhiên vấn đề khó khăn là thiếu vốn đầu tư các cụm cảng để kết nối giao thông đường thủy với các khu công nghiệp, vì thế giao thông đường thủy vẫn chưa khai thác được các tiềm năng sẵn có.

Đồng Nai đã quy hoạch những dự án giao thông lớn, nếu đầu tư sớm sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, tuy nhiên khó khăn lớn nhất là thiếu kinh phí để làm vì vốn ngân sách có hạn. Để có vốn thực hiện nhanh các dự án, tỉnh nên làm gì?

- Không chỉ riêng Đồng Nai mà các tỉnh, thành khác cũng xảy ra tình trạng thiếu vốn để thực hiện các công trình giao thông trọng điểm. Ý kiến của tôi về vấn đề này là nên thực hiện xã hội hóa về giao thông để huy động được các nguồn vốn từ trong nước, nước ngoài để có vốn đầu tư. Trong đó hình thức tối ưu để có vốn xây dựng mới và nâng cấp các dự án giao thông lớn vẫn là hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Thời gian qua, xảy ra những thông tin không hay về BOT là do chưa thực hiện rõ ràng, minh bạch. Theo tôi, các dự án BOT nên công khai minh bạch, tìm đúng nhà đầu tư và tính định mức sát như vậy sẽ dễ dàng thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực sự. Hiện nay nguồn vốn từ xã hội, nước ngoài rất sẵn, chúng ta nên tận dụng, còn đợi vốn ngân sách rất khó khăn vì thực tế có những dự án đầu tư bằng vốn ngân sách đã phải dừng lại vì thiếu vốn.

 Đồng Nai có hơn 40 dự án giao thông lớn đang dự tính đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn theo hình thức trên có nên khuyến khích?

- Dự án đầu tư theo hình thức BT chính là đổi đất lấy hạ tầng. Dư luận gần đây cũng không thiện cảm với hình thức đầu tư này vì ngại lợi ích nhóm, tính không minh bạch. Nhưng tôi nghĩ đây cũng là một cách để các tỉnh, thành có vốn thực hiện các dự án giao thông lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên để cộng đồng ủng hộ thì các địa phương phải công khai quy hoạch, đồng thời quy hoạch dài hạn, ổn định để các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng cùng tham gia đấu thầu. Như vậy việc xác định giá đất sẽ phù hợp, tránh được những bức xúc, không đồng tình của dư luận.

 Những năm gần đây, giao thông - vận tải khu vực phía Nam phát triển nhanh, nhu cầu về lao động có tay nghề cao rất lớn. Các tỉnh, thành, doanh nghiệp đã có đặt hàng với trường trong việc đào tạo?

- Thật đáng tiếc là phía các tỉnh, thành, doanh nghiệp chưa có “đặt hàng” với trường trong công tác đào tạo, trong khi một số nước đã có hợp tác với trường trong việc chọn và đào tạo các kỹ sư ở một số chuyên ngành. Những sinh viên nước ngoài do trường đào tạo sau khi ra trường hầu hết được tiếp nhận vào làm việc và họ làm rất tốt, chưa có trường hợp nào bị sa thải vì không hoàn thành công việc. Phía trường cũng rất mong các tỉnh, thành, doanh nghiệp đang cần lao động trên lĩnh vực giao thông - vận tải liên hệ trực tiếp với trường để “đặt hàng”. Như vậy, ngoài đào tạo theo chương trình đặt hàng, năm cuối chương trình học các em có thể thực tập ngay tại doanh nghiệp để khi tốt nghiệp sẽ tiếp cận ngay được công việc. Từ đó, doanh nghiệp sẽ không lo thiếu lao động và cũng không mất thời gian để đào tạo thêm.

 Thiếu sự hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học có phải là nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp thiếu lao động tay nghề cao, trong khi sinh viên tốt nghiệp đại học lại khó tìm việc?

- Thực trạng này đã xảy ra nhiều năm. Gần đây, việc gắn kết giữa các nhà trường với doanh nghiệp đã có nhưng còn rất ít. Trong khi ở nhiều nước, các doanh nghiệp liên kết với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề rất chặt chẽ để có được nguồn nhân lực đào tạo tốt nhất phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Còn tại Việt Nam, số đông doanh nghiệp vẫn coi việc đào tạo là của các trường và khi các trường đào tạo ra thì họ chọn lựa. Đây là lỗ hổng và gây thiệt thòi cho chính doanh nghiệp, vì khi họ cần những lao động có tay nghề cao nhưng tuyển không được gây ảnh hưởng trực tiếp cho sản xuất lẫn kinh doanh.

 Xin cảm ơn ông!

 Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều