Báo Đồng Nai điện tử
En

Không nên đánh đổi môi trường vì mục tiêu kinh tế

07:03, 10/03/2018

GS-TSKH. Đặng Huy Huỳnh nguyên Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật hầu như dành cả đời mình hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học...

GS-TSKH. Đặng Huy Huỳnh nguyên Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam). Hiện ông là Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam (VACNE). Ông hầu như dành cả đời mình hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, tham gia hàng chục công trình nghiên cứu, viết sách... về bảo vệ môi trường. Năm 2017 ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN.

Ở tuổi 90, GS. Huỳnh vẫn tiếp tục các hoạt động bảo vệ môi trường trong khả năng của mình. Ông cho biết những nhà khoa học như ông rất hy vọng các nguồn đầu tư, khoản chi về môi trường, cũng như các chương trình giám sát môi trường được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

* Một đời gắn với rừng

 Vì sao ông lại chọn gắn bó với nghiên cứu về sinh học, bảo vệ môi trường? Lĩnh vực môi trường - rừng - sinh vật đối với riêng ông có sức hấp dẫn gì mà ông lại dành cả đời để nghiên cứu và bảo vệ?

- Năm 14 tuổi, tôi gia nhập quân ngũ. Suốt những năm trong quân đội tôi đều ở trong rừng, nên tôi có nhiều điều kiện gần gũi với môi trường tự nhiên. Tôi từng sống ở trong những cánh rừng ở Liên khu 5, vượt dãy Trường Sơn để tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào và Campuchia. Rừng như thể là người bạn thân tình, che chở cho chúng tôi dưới những hiểm nguy, mưa bom đạn lạc của quân thù. Rừng cho tôi cơ hội được tiếp xúc với nhiều loài thú, chim chóc suốt dọc đường hành quân. Từ đó, khiến tình yêu của tôi đối với thiên nhiên ngày càng mãnh liệt.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, khi tập kết ra Bắc, tôi được các cán bộ động viên cho đi học. Tôi đã quyết định theo học ở Khoa Sinh học của Trường đại học tổng hợp Hà Nội. Từ đó đến nay đã hơn 60 năm cuộc đời, tôi dành cho hoạt động nghiên cứu về sinh học, bảo vệ môi trường.

 So với các nước trong khu vực thì mức độ quan tâm đầu tư cho việc bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam đến đâu?

- Trong những năm vừa qua, nhiều nước trong khu vực, như: Singapore, Malaysia, Indonesia... có nhiều chính sách tăng cường mức độ đầu tư, giải quyết về ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường sống xanh - sạch - đẹp...

Ở Việt Nam, vấn đề môi trường đã được quan tâm, có nhiều chính sách đảm bảo phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nguồn đầu tư cho môi trường cần được tăng cường hơn nữa. Các chương trình bảo vệ môi trường cần được tiến hành đồng bộ, cả về đầu tư trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực cũng như nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục cộng đồng, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường không chỉ ở các thành phố lớn, các khu đô thị mà cần được mở rộng ra các vùng nông thôn, hải đảo…

 Ông nghĩ sao về quan điểm “để phát triển kinh tế thì nhất thiết phải đánh đổi môi trường”, ít nhất là trong một giai đoạn nào đó?

- Trước đây, trong một thời gian dài chúng ta chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà chưa thực sự coi trọng vấn đề về môi trường. Trong những năm gần đây, đã có nhiều chính sách, có nhiều bộ luật để phát triển kinh tế bền vững, gắn liền với hoạt động bảo vệ môi trường.

Đây là một việc làm hết sức quan trọng, do đó cần truyền thông điệp đó rộng rãi đến người dân để nâng cao ý thực cộng đồng về hoạt động bảo vệ môi trường, cùng với các cơ quan hữu quan tiến hành một cách triệt để, đảm bảo không có lợi ích nhóm, tăng cường hoạt động giám sát trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và tài nguyên sinh học…  Trong đó, vai trò của cơ quan thông tấn, báo chí về vấn đề này cần được coi trọng, phát huy.

 Với những gì đang xảy ra hiện tại, thực trạng về ô nhiễm môi trường và đa dạng sinh học của Việt Nam ra sao trong nhìn nhận của ông?

- Trên thực tế, trên cả nước vẫn còn nhiều khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc các bộ luật liên quan đến bảo vệ môi trường. Do đó, cần tích cực nêu cao tinh thần tự giác, chủ động của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khi sản xuất, kinh doanh không vì những cái lợi trước mắt mà gây ảnh hưởng tới môi trường sống, mà phải hướng đảm bảo lợi ích cộng đồng, sức khỏe của người dân trong khu vực. Điều này không những tác động tới cộng đồng dân cư và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp.

Bảo vệ môi trường phải được giám sát chặt chẽ, đảm bảo phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 Theo giáo sư, thách thức lớn nhất của Việt Nam trong vấn đề này là gì?

- Các chính sách về môi trường đã được coi trọng, triển khai. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các nghị quyết, đường lối vẫn còn tồn tại những bất cập, chưa thực sự chặt chẽ. Nguyên nhân là do hoạt động giám sát chưa được tiến hành đồng bộ, nghiêm túc. Nhiều địa phương chưa có cơ chế lôi kéo, động viện cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Do đó, nâng cao nhận thức cộng đồng cần phải được tiến hành thường xuyên, giúp cộng đồng hiểu biết các mối nguy cơ, thách thức ngày càng lớn về biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp như hiện nay.

Một số luật, bộ luật về môi trường còn chồng chéo, chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Hơn thế nữa, vấn đề lợi ích nhóm vẫn là còn tồn tại ở nhiều nơi, gây ra những tác động không tốt tới môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, các vấn đề môi trường cần có hướng xử lý mang tính cụ thể, thực tế để đề ra giải pháp đơn giản, phù hợp và tiết kiệm nhất.

* Kỳ vọng vào giới trẻ

 Theo ông, nhận thức của thế hệ trẻ về vấn đề này? Cần phải làm gì để họ có những suy nghĩ có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường sống?

- Tiếp xúc với nhiều nhà khoa học trẻ, tôi nhận thấy nhận thức của giới trẻ nhìn chung là rất tốt, hầu hết các em đều thấy được tầm quan trọng của hoạt động bảo vệ môi trường. Mặc dù vậy, một số ít vẫn còn lơ là, thờ ơ với vấn đề này. Tuy nhiên, tôi rất có niềm tin vào thế hệ trẻ, đặc biệt ấn tượng với các hoạt động thiết thực, đậm chất trẻ, năng động, mang tính lan tỏa cao của giới trẻ trong các hoạt động vì môi trường suốt thời gian qua, có thể kể đến như chương trình Giờ Trái đất, chiến dịch làm cho nước biển sạch hơn, các hoạt động trồng cây gây rừng...

Tôi mong rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục phát huy văn hóa ứng xử với môi trường, không ngừng học hỏi từ thực tế, học cách ứng xử với môi trường và lan tỏa những giá trị tốt đẹp về môi trường, thiên nhiên đến cộng đồng dân cư ở các địa phương.

 Giáo sư có nhận xét gì về hoạt động bảo vệ môi trường ở Đồng Nai trong suốt thời gian qua?

- Tôi cũng đã về nghiên cứu ở Đồng Nai nhiều lần. Tại đây để lại cho tôi nhiều kỷ niệm tốt đẹp. Trong đó, tôi may mắn có dịp về nghiên cứu về đa dạng sinh học, tìm hiểu về loài tê giác một sừng ở Vườn quốc gia Cát Tiên vào giai đoạn đầu sau khi đất nước thống nhất năm 1975.

Thời gian gần đây, tôi cũng thường xuyên theo dõi các vấn đề về môi trường ở Đồng Nai, như: vấn đề đảm bảo chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai, đề án khẩn cấp về bảo tồn voi Đồng Nai... Tôi cho rằng lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng ở địa phương.

 Sau hàng chục năm hoạt động, ông có thấy mình đã đến lúc “nghỉ ngơi” chưa? Hay vẫn còn tâm huyết và mong mỏi hoạt động vì môi trường?

- Tôi vẫn cố gắng hoạt động khoa học trong điều kiện sức khỏe cho phép. Cùng với một số cán bộ khác, tôi luôn cố gắng sắp xếp đi vận động các địa phương để phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ những loài cây cổ thụ, cây di sản cũng như động viên bà con ở những vùng giáp ranh các khu bảo tồn, vườn quốc gia, rừng ngập mặn ven biển…

Tôi sẽ tiếp tục hướng tới các hoạt động động viên, truyền đạt những kinh nghiệm về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, kết nối các nguồn tài liệu về sinh học để hỗ trợ thế hệ trẻ. Vào giữa tháng 3-2018, tôi cùng với lãnh đạo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam sẽ lên Cao Bằng để tham dự lễ vinh danh rừng gỗ nghiến cổ thụ là rừng cây di sản Việt Nam nhằm động viên, tuyên truyền cho bà con đồng bào dân tộc ở đây bảo vệ những cánh rừng gỗ nghiến, bảo vệ nguồn gen quý hiếm của địa phương

 Xin cảm ơn ông!

Vi Lâm - Hải Quân (thực hiện)

Tin xem nhiều