Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nhân phải biết uống nước nhớ nguồn

04:11, 30/11/2019

Ông Huỳnh Thanh Vạn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần S Furniture chuyên sản xuất gỗ nội thất (tỉnh Bình Dương). Ông đồng thời là Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, một tổ chức của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Huỳnh Thanh Vạn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần S Furniture chuyên sản xuất gỗ nội thất (tỉnh Bình Dương). Ông đồng thời là Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, một tổ chức của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn
Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn

Từng vực dậy các công ty của Nhà nước đang lâm vào khó khăn trở nên phát triển ổn định rồi sau đó rẽ ngang để khởi nghiệp và tham gia đào tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Vạn thấu hiểu và trải qua những khó khăn mà doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải. Muốn thành công bền vững, điều ông tâm huyết là xây dựng doanh nghiệp có một nền tảng văn hóa tốt để mỗi cán bộ, công nhân viên xem công ty như là ngôi nhà thứ hai của mình.

* Chủ doanh nghiệp cần sống hòa mình, gần gũi người lao động

* Ông khởi đầu công việc của mình từ thời điểm nào?

- Tôi tốt nghiệp Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh năm 2001 rồi làm việc tại Xí nghiệp chế biến gỗ Đông Hòa (Bình Dương), Xí nghiệp chế biến gỗ Tam Phước (Khu công nghiệp Tam Phước, Đồng Nai)... đều thuộc Công ty cổ phần công nghiệp và xuất nhập khẩu cao su.

Năm 2008, tôi là Giám đốc Xí nghiệp gỗ Dĩ An và đến tháng 2-2010 là Giám đốc Xí nghiệp chế biến gỗ Đông Hòa, sau đó là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chế biến gỗ Đông Hòa trên cơ sở sáp nhập các xí nghiệp lại với nhau.

Thời điểm đó, cả 3 xí nghiệp của công ty chỉ có vỏn vẹn một khách hàng truyền thống, hoạt động kinh doanh hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào đơn hàng của đối tác này. May mắn là tôi có sự đồng hành của đội ngũ cán bộ trẻ năng động, giỏi giang. Dần dần, chúng tôi đã chủ động tìm thêm nhiều khách hàng lớn tiềm năng giúp công ty tăng doanh số theo từng năm. Lúc đó, chúng tôi không có gì ngoài tinh thần, nhiệt huyết vượt qua khó khăn của tuổi trẻ và luôn giữ niềm tin mình sẽ làm được.

* Trong khi đang thành công với chức vụ lãnh đạo doanh nghiệp, ông vẫn quyết định khởi nghiệp lập công ty riêng. Điều gì thôi thúc ông thực hiện ý tưởng này?

- Năm 2015, tôi và một số đồng nghiệp cùng chí hướng thành lập Công ty cổ phần S Furniture. Trước khi “ra riêng” để thành lập doanh nghiệp, tôi cũng có rất nhiều trăn trở. 15 năm làm việc cùng lãnh đạo, anh chị em cán bộ, nhân viên đã đem lại cho tôi rất nhiều kinh nghiệm bổ ích. Từ quản trị doanh nghiệp, xây dựng văn hóa công ty cho đến trọng dụng nhân tài để người lao động phát huy được tiềm năng vốn có. Nhưng với hoài bão của tuổi trẻ, chúng tôi muốn khẳng định mình, muốn đem những tâm huyết, ý tưởng mới sớm nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn. Mà điều này, với các doanh nghiệp nhà nước là một hạn chế vì thường phải qua sự bàn bạc, thống nhất của tập thể, S Furniture đã ra đời trong bối cảnh như vậy.

* Ông vừa nói đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp, ở S Furniture điều đó được thực hiện thế nào?

- Chúng tôi vẫn luôn cố gắng giữ cho mình tâm niệm “sống là phải chia sẻ”. Do đó, ngay từ thời điểm thành lập, anh chị em đã bền bỉ dựng xây và bồi đắp văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa S Furniture mang đặc trưng riêng, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, mộc mạc nhưng chân thành, ấm áp.

Với nhiều đóng góp quan trọng cho doanh nghiệp mình và cho cộng đồng, doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn vinh dự nhận được nhiều giải thưởng. Trong đó, có Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, tốp 100 Doanh nhân APEC Việt Nam tiêu biểu, Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017...

Tại S Furniture, ngoài thời gian căng thẳng trên bàn làm việc, người lao động có thể giải trí trên bàn bida, bi lắc do công ty trang bị; được thưởng thức bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại nhà ăn; được sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh từ hệ thống lọc nước, máy làm đá sạch hay thưởng thức nước giải khát từ máy bán nước tự động.

S Furniture cũng dành không gian để làm công viên cây xanh tạo môi trường làm việc hài hòa, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Bên cạnh đó, phong trào văn hóa, văn nghệ trong công ty luôn được khuyến khích và thực tế đã mang lại giá trị tinh thần rất lớn cho anh chị em.

* Nhưng như vậy chắc là chưa đủ?

- Quả thật là như vậy. Với tôi, ngoài môi trường làm việc tốt thì điều quan trọng, các thành viên lãnh đạo công ty phải luôn hòa đồng cùng người lao động. Biết quan tâm sẻ chia với những khó khăn mà họ gặp phải, lắng nghe và giải quyết là trách nhiệm của lãnh đạo.

Ở công ty chúng tôi, bất cứ người lao động ở bộ phận nào cũng có thể có cơ hội thăng tiến lên cấp bậc cao hơn nếu có những sáng kiến hiệu quả, đó là sự bình đẳng. Chúng tôi giúp người lao động phát huy hết năng lực của mình, bù lại họ được ghi nhận xứng đáng. Phải làm sao cho người lao động ngoài tổ ấm riêng thì họ xem S Furniture như gia đình thứ hai của mình.

* Luôn muốn “cháy” hết mình với phong trào khởi nghiệp

* Ông hiện còn là Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam. Phải chăng, việc truyền đạt kinh nghiệm cho người trẻ khởi nghiệp là trách nhiệm của doanh nhân?

- Từ thời đại học, tôi tham gia nhiều công tác Đoàn, công tác thanh niên của nhà trường. Tôi cũng đã nhận được các suất học bổng của Hội Sinh viên Việt Nam. Đó là những hoạt động mà bản thân tôi đã trải qua, thụ hưởng nên phải “uống nước nhớ nguồn”. Là doanh nhân, tôi luôn mong muốn góp phần nhỏ bé của mình cho tuổi trẻ, chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Đó cũng là một trong những tiêu chí mà khi thành lập S Furniture, chúng tôi luôn quán triệt.

* Ông có thể nói rõ hơn về mục tiêu mà Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam hướng tới?

Thời điểm khởi nghiệp năm 2015, Công ty S Furniture phải đi thuê nhà xưởng khoảng 3 ngàn m2 với vỏn vẹn 100 lao động; bước đầu gia công cho đơn vị bạn, sau đó xuất hàng trực tiếp 3-5 container/tháng. Với bản lĩnh nhạy bén, ban lãnh đạo công ty luôn chủ động nắm bắt thời cơ đón đầu xu hướng, đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đến năm 2018, S Furniture đạt doanh số khoảng 300 tỷ đồng và tạo việc làm cho 1 ngàn lao động.

- Hội đồng hiện có 60 thành viên, trong đó gần một nửa là giảng viên từ các trường đại học, cao đẳng, phần còn lại là doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi đang phấn đấu xây dựng hội đồng trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, có sứ mệnh ươm mầm khát vọng doanh nhân cho giới trẻ. Giá trị cốt lõi của hội đồng là kết nối nguồn lực khởi nghiệp cộng đồng và phát triển năng lực khởi nghiệp quốc gia. Từ các cuộc thi, các dự án khởi nghiệp tốt, chúng tôi có thể hỗ trợ hoặc kêu gọi hỗ trợ vốn, kiến thức quản trị để dự án đó nhanh chóng triển khai, biến ý tưởng thành hiện thực.

Qua 5 năm hoạt động, hội đồng đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo khởi nghiệp và giao lưu doanh nhân tại các trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành miền Nam và Đồng Nai là một trong những địa phương ưu tiên. Các chương trình này giúp sinh viên, thanh niên có thêm động lực và niềm đam mê kinh doanh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Kết quả là hàng trăm sinh viên phía Nam đã tham gia cuộc thi khởi nghiệp quốc gia và nhiều dự án đoạt được các giải cao.

* Ông vừa hoàn thành vai trò giám khảo Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai 2019. Theo ông, Đồng Nai cần làm gì để khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp?

- Tôi từng điều hành nhà máy sản xuất ở Đồng Nai nên nhận thấy ở đây có nhiều thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là vị trí địa lý gần kề TP.Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho sự nảy nở và phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, sự phát triển đó theo chủ quan của tôi là đang chững lại, một phần do tính sáng tạo của các cơ quan chức năng còn hạn chế, bên cạnh đó, thủ tục hành chính vẫn chưa thông thoáng.

Địa phương cần có chính sách cụ thể đối với loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là ưu đãi về thuế, đơn giản bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện vay vốn. Theo tôi, nếu không có chính sách rõ ràng và lộ trình thực hiện cụ thể thì phong trào khởi nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ chỉ dừng lại ở mức “phong trào”.

Một điều nữa tôi muốn nhấn mạnh là tỉnh cần xây dựng đội ngũ cán bộ, doanh nhân làm công tác khởi nghiệp phải thực sự tâm huyết. Nếu cán bộ làm công tác này cũng như các chương trình, cuộc thi khởi nghiệp chỉ mang tính hình thức thì rất nguy hiểm. Chúng ta đào tạo không phải là những người thông thường mà là những doanh nhân tương lai, nếu tư vấn sai, vẽ quá nhiều kỳ vọng mà không sát thực tế thì dẫn đến hệ lụy lớn.

Xin cảm ơn ông!

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều