Báo Đồng Nai điện tử
En

Mỹ dùng sứ quán Australia để do thám châu Á

08:11, 01/11/2013

Vụ bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) ngày càng lan rộng. Ngoài châu Âu và Mỹ Latinh, người ta lại vừa biết thêm rằng châu Á cũng không thoát khỏi “vòi bạch tuộc” nghe lén của cơ quan này.

Vụ bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) ngày càng lan rộng. Ngoài châu Âu và Mỹ Latinh, người ta lại vừa biết thêm rằng châu Á cũng không thoát khỏi “vòi bạch tuộc” nghe lén của cơ quan này.

Cái bắt tay giữa tình báo Mỹ và Australia

Tiết lộ mới nhất của cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ Edward Snowden cho biết: Tình báo Mỹ đã phối hợp với tình báo Australia trong các chương trình do thám và các đại sứ quán Australia trên khắp châu Á đã được sử dụng làm “đại bản doanh” để thu thập dữ liệu, thông tin. Phần lớn các nhà ngoại giao Australia không hay biết có nhân viên tối mật hoạt động tại các cơ sở bí mật trong phạm vi đại sứ quán.

Bên ngoài Đại sứ quán Australia tại Jakarta, Indonesia.

Theo hãng tin Fairfax Media, công việc thu thập thông tin tình báo diễn ra tại các đại sứ quán Australia ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Timor, các cơ quan đại diện ngoại giao ở Kuala Lumpur (Malaysia) và Port Moresby (Papua New Guinea) cũng như các cơ sở ngoại giao khác.

Trong khi đó, theo tài liệu mật của NSA bị Snowden tiết lộ cho tờ Der Spiegel của Đức, có một chương trình thu thập thông tin tình báo nhạy cảm được tiến hành tại các khu vực thuộc đại sứ quán, lãnh sự quán Mỹ, từ các phái bộ ngoại giao của nhóm đối tác tình báo mang tên “Năm con mắt” (Five eyes) - gồm Australia, Anh, Mỹ, Canada và New Zealand. Chương trình này có mật danh là STATEROOM, chuyên thu thập thông tin từ Internet, mạng viễn thông và sóng vô tuyến.

Tài liệu mật khẳng định chắc chắn rằng Cơ quan tình báo Australia điều hành các cơ sở trong khuôn khổ chương trình STATEROOM. Các cơ sở giám sát này có quy mô nhỏ và ít nhân viên. Chúng thường được ngụy trang cẩn thận, các ăng ten thu tín hiệu đôi khi được giấu trong các chi tiết kiến trúc giả.
Tờ Sydney Morning Herald cho biết, Cơ quan tình báo Australia đã thu thập dữ liệu và chia sẻ với NSA hơn 250 triệu cuộc liên lạc trên thế giới mỗi năm.

Tiết lộ về việc tình báo Mỹ “bắt tay” với tình báo Australia nói riêng và nhóm “Năm con mắt” nói chung được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang mất mặt với các đồng minh vì hành vi nghe lén điện thoại các lãnh đạo của họ, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Mỹ “đột nhập” Google, Yahoo

Để thu thập thông tin tình báo, Mỹ còn thực hiện một chương trình mang tên MUSCULAR. Khác với chương trình giám sát Internet PRISM, chương trình này không hoạt động trên lãnh thổ Mỹ và không cần phải xin giấy phép đặc biệt của tòa án Mỹ. Thông qua nó, tình báo Mỹ đã hợp tác với tình báo Anh để thu thập dòng dữ liệu từ các mạng cáp quang của một số nhà cung cấp dịch vụ Internet khổng lồ của Mỹ như Google và Yahoo.

Theo Washington Post, NSA đã “đột nhập” vào trung tâm dữ liệu của Google và Yahoo, tùy ý thu thập dữ liệu từ hàng trăm triệu tài khoản của người sử dụng, kể cả người Mỹ. Cụ thể, theo tài liệu đề ngày 9/1/2013, 181 triệu bộ dữ liệu đã được thu thập trong vòng 30 ngày trước đó, từ “siêu dữ liệu” về thư điện tử cho đến nội dung thư điện tử như phần chữ, âm thanh và hình ảnh. Để làm được điều này, NSA đã được một nhà cung cấp viễn thông cho phép bí mật tiếp cận hệ thống.

Tuy nhiên, phản ứng trước thông tin trên, giám đốc NSA Keith Alexander khẳng định rằng điều này không bao giờ xảy ra và nhắc lại rằng NSA phải xin lệnh của tòa án khi tiếp cận dữ liệu kiểu như vậy.

Hai tập đoàn Google và Yahoo cũng khẳng định không cho phép chính phủ Mỹ tiếp cận hệ thống và không liên quan đến các hoạt động nói trên, đồng thời họ luôn có các biện pháp bảo vệ an ninh cho các trung tâm dữ liệu.

BaoTinTuc

 

Tin xem nhiều