Báo Đồng Nai điện tử
En

Myanmar cam kết hợp tác với Bangladesh và các nước giải quyết vấn đề thuyền nhân

09:05, 25/05/2015

Myanmar cam kết hợp tác với Bangladesh và các nước khác nhằm giải quyết vấn đề "thuyền nhân" trên biển, hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết một cách hữu nghị với quốc gia láng giềng Bangladesh. Đây là tuyên bố được Bộ Ngoại giao Myanmar đưa ra ngày 24-5.

Myanmar cam kết hợp tác với Bangladesh và các nước khác nhằm giải quyết vấn đề "thuyền nhân" trên biển, hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết một cách hữu nghị với quốc gia láng giềng Bangladesh. Đây là tuyên bố được Bộ Ngoại giao Myanmar đưa ra ngày 24-5.

Những người di cư từ Bangladesh và Myanmar trên một chiếc thuyền ngoài khơi vùng biển Andaman
Những người di cư từ Bangladesh và Myanmar trên một chiếc thuyền ngoài khơi vùng biển Andaman

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Myanmar nêu rõ cũng như các nước bị ảnh hưởng khác, Myanmar phải đối mặt với khó khăn trong việc tiếp nhận và cung cấp nơi trú ẩn tạm thời cho thuyền nhân, và Myanmar sẽ tiếp tục hợp tác với các nước nhằm giải quyết vấn đề này. Bộ Ngoại giao Myanmar cũng cho biết nước này sẽ cử một đoàn quan chức cấp cao tham dự cuộc họp về vấn đề người di cư trên biển Ấn Độ Dương, dự kiến diễn ra ngày 29/5 tới tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Ngày 21-5 vừa qua, khi tiến hành tuần tra định kỳ, Hải quân Myanmar đã phát hiện 2 thuyền đánh cá ở ngoài khơi Maungtaw, bang miền Tây Rakhine, trong đó có 1 chiếc tàu chở 208 người và 1 chiếc không chở người nào. Hải quân Myanmar đã tiến hành chuyển giao 208 người cho chính quyền bang Rakhine. Hiện hai chiếc thuyền này đang đậu tại cảng Annumaw, và một lán trại đã được dựng tạm tại làng Ale Than Kyaw nhằm cung cấp nơi trú ẩn tạm thời, lương thực, chăm sóc y tế và hỗ trợ nhân đạo đối với những người trên. Theo xác minh, những thuyền nhân này đều đến từ Bangladesh và Myanmar đã gửi yêu cầu Bangladesh giải quyết vấn đề này.

Trước đó, Myanmar đã trục xuất 11 người di cư Bangladesh bị giạt vào bờ biển bang Rakhine, sau khi những người này nhảy khỏi một con tàu đi về hướng Malaysia. Thời gian gần đây, hàng ngàn người từ Bangladesh và người Rohingya ở Myanmar đã tìm cách vượt biển ra nước ngoài tỵ nạn, tìm đến Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Campuchia để ngỏ khả năng tiếp nhận người Rohingya di cư

Truyền thông Campuchia ngày 23-5 dẫn phát biểu của người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng, Quốc vụ khanh Phay Siphan cho biết Thủ tướng Hun Sen  vừa tuyên bố Phnom Penh có thể chuẩn bị phương án để cung cấp nơi tạm trú cho hàng ngàn người Rohingya ở Myanmar đang tìm đường tỵ nạn hiện mắc kẹt trên biển Andaman với điều kiện nếu Liên hợp quốc (LHQ) đồng ý tái định cư những người này ở một nước khác.

(Theo BBC, AP)

Tin xem nhiều