Báo Đồng Nai điện tử
En

Hầu hết thị trường châu Á giảm điểm sau khi 2 ngân hàng lớn của Mỹ đóng cửa

10:03, 13/03/2023

Ngày 13-3, hầu hết các thị trường châu Á đã giảm điểm sau khi 2 ngân hàng lớn của Mỹ đóng cửa làm dấy lên lo ngại trên thị trường tài chính, dù nhà chức trách Mỹ đã cam kết bảo vệ khách hàng.

Ngày 13-3, hầu hết các thị trường châu Á đã giảm điểm sau khi 2 ngân hàng lớn của Mỹ đóng cửa làm dấy lên lo ngại trên thị trường tài chính, dù nhà chức trách Mỹ đã cam kết bảo vệ khách hàng.

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm điểm hơn 1%, trong khi các thị trường tại Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc), Singapore, Đài Bắc (Trung Quốc), Wellington (New Zealand), Manila (Philippines) và Jakarta (Indonesia) đều trong vùng đỏ. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,06%, hay 1,95 điểm, xuống 3.228,12 điểm.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,16%, hay 3,79 điểm, xuống 2.390,8 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,48%, hay 91,96 điểm, xuống 19.411,88 điểm.

Ngày 10-3 vừa qua, Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng chuyên hỗ trợ tài chính cho các công ty chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ - đã tuyên bố phá sản. Sự sụp đổ của ngân hàng này diễn ra sau khi người gửi tiền đổ xô đi rút tiền. Phản ứng của khách hàng xuất phát từ việc SVB thông báo bán cổ phiếu để huy động lượng tiền mặt mà ngân hàng đang rất cần. Cổ phiếu của SVB đã giảm 60% giá trị tại New York ngày 9-3 và ngân hàng đã ngừng giao dịch sáng 10-3 trước khi các nhà quản lý thông báo đóng cửa ngân hàng này.

SVB là ngân hàng bán lẻ lớn nhất sụp đổ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vấn đề của SVB tích tụ khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất nhiều lần trong suốt cả năm qua, khiến cổ phiếu mà ngân hàng nắm giữ bán ra với giá thấp hơn nhiều. Đây cũng là vấn đề mà nhiều ngân hàng khác có thể phải đối mặt.

Ngày 12-3, cơ quan quản lý ngân hàng bang New York cũng thông báo đóng cửa một ngân hàng khác là Signature Bank.

Cuộc khủng hoảng này buộc FED, Bộ Tài chính và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang của Mỹ (FDIC) phải đứng ra cam kết bảo vệ tất cả người gửi tiền và hỗ trợ các ngân hàng khó khăn về tiền mặt, theo đó nới lỏng các điều kiện cung cấp các khoản cho vay ngắn hạn. Trong một tuyên bố chung, các cơ quan trên nêu rõ tất cả những người gửi tiền ở SVB sẽ được tiếp cận toàn bộ số tiền gửi của họ trong ngày 13-3 và người đóng thuế ở Mỹ sẽ không phải chịu gánh nặng liên quan. Tuyên bố nhấn mạnh nhà chức trách đang “hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ thông qua việc củng cố lòng tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng”.

Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay sẽ làm phức tạp các kế hoạch tăng lãi suất tiếp theo của FED trong bối cảnh ngân hàng liên bang này đang nỗ lực kiềm chế lạm phát. Các nhà đầu tư dự đoán trong phiên họp tới FED sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, thay vì 50 điểm dự đoán trước đây .

TTXVN

Tin xem nhiều