Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm lý do khiến David Moyes "xứng đáng" bị M.U sa thải

10:04, 22/04/2014

Từ chỗ được kỳ vọng là "Người được chọn lựa," David Moyes đã có biệt danh mới là "Kẻ phá kỷ lục" khi liên tiếp đưa các nhà đương kim vô địch Premier League chạm những cột mốc mới của sự thất vọng.

Từ chỗ được kỳ vọng là “Người được chọn lựa,” David Moyes đã có biệt danh mới là “Kẻ phá kỷ lục” khi liên tiếp đưa các nhà đương kim vô địch Premier League chạm những cột mốc mới của sự thất vọng.
David Moyes bị sa thải là xứng đáng. (Nguồn: EPA)
David Moyes bị sa thải là xứng đáng. (Nguồn: EPA)
gay cả việc bị sa thải cũng khiến Moyes đi vào lịch sử khi trở thành huấn luyện viên đầu tiên bị Manchester United hất cẳng kể từ năm 1986. Những điểm sáng hiếm hoi như việc bất bại ở vòng bảng Champion League hay chiếc Siêu Cúp nước Anh hồi đầu mùa là không đủ để khỏa lấp những sai lầm sau đây của nhà cầm quân người Scotland.

Gạt bỏ đội ngũ huấn luyện cũ

Sau khi huyền thoại Alex Ferguson tạm biệt sân Old Trafford ở cuối mùa giải trước, ông đã để lại cho người kế nhiệm bộ sậu ăn ý của mình là các trợ lý Mike Phelan, Rene Meulensteen và Eric Steele - những người đã cùng ông đi tới đỉnh vinh quang và có kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Manchester United. 

Song quyết định lớn đầu tiên của Moyes lại là gạt bỏ hết những cái tên trên và thay thế bằng những người thân cận của ông tại Everton như Steve Round, Jimmy Lumsden và Chris Woods.
 
Đây là một trong những sai lầm lớn nhất của Moyes khi ông đã thanh trừng những người hiểu rõ sân Old Trafford và có mối quan hệ tốt với các cầu thủ. 
 
Bản thân Meulensteen cũng từng lên tiếng: "Tôi từng nói với David rằng ông ta đã làm một công việc tuyệt vời tại Premier League cùng Everton, song có lẽ ông chưa nhận ra rằng mình đang từ một chiếc thuyền buồm nhảy lên một chiếc tàu thủy hạng sang. Thuyền trưởng Ferguson đã để lại các thủy thủ đoàn lành nghề như tôi, song David lại không hiểu điều đó và muốn những gương mặt thân quen."

Moyes thẳng thừng gạt bộ sậu ăn ý của Sir Alex. (Nguồn: Getty Images)
Moyes thẳng thừng gạt bộ sậu ăn ý của Sir Alex. (Nguồn: Getty Images)
Thất bại trong thị trường chuyển nhượng
 
Mặc dù phải tới tháng Bảy năm ngoái mới chính thức lên nắm quyền tại Manchester United song Moyes không thể bào chữa cho sự chậm chạp và thiếu nhạy bén trong công tác chuyển nhượng, khi quyết định bổ nhiệm của ông đã được công bố từ tháng Năm. Khoảng thời gian đó là đủ để Moyes cùng bộ sậu có thể thăm dò các mục tiêu và đàm phán với các câu lạc bộ chủ quản của họ.

Nhưng thị trường chuyển nhượng hè vừa qua của Manchester United có thể được ví như một mớ bòng bong, khi người hâm mộ được nghe về những vụ tuyển mộ bom tấn như Cesc Fabregas, Thiago Alcantara, Ander Herrera hay trò cũ của Moyes tại Everton là Leighton Baines, song cuối cùng tất cả các mục tiêu trên đều không cập bến Old Trafford.
 
Mãi cho tới những ngày cuối thị trường chuyển nhượng, Moyes mới ký hợp đồng với tân binh Marouane Fellaini trước sức ép từ cổ động viên lẫn “cuộc chạy đua vũ trang” hùng hậu từ những đối thủ cạnh tranh.
 
Được mua với mức giá 27 triệu bảng nhưng mùa giải đầu của Fellaini tại Manchester United có thể coi là thất bại khi anh không đóng góp được nhiều cho lối chơi (chưa hề có bàn thắng hay pha kiến tạo thành bàn nào) và còn mắc chấn thương.
 
Tới kỳ chuyển nhượng mùa đông, khi Manchester United đã hụt hơi tại Premier League, Moyes lại lao vào chợ cầu thủ và mang về Juan Mata từ kình địch Chelsea. Dù đây là một cầu thủ tài năng và đã chứng tỏ được mình nhưng cái giá kỷ lục CLB là 37,5 triệu bảng vẫn bị xem là cao so với một cầu thủ phải ngồi ghế dự bị suốt hầu hết lượt đi của mùa giải.

Moyes và bản hợp đồng hớ Fellaini. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Moyes và bản hợp đồng hớ Fellaini. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Không được lòng cầu thủ
 
Mặc dù cho hai bên đã ra sức phủ nhận nhưng dường như mối quan hệ không êm đẹp giữa Moyes và tiền đạo chủ lực Robin Van Persie là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự đi xuống của các nhà vô địch mùa giải trước. 
 
Ở mùa 2012-2013, Van Persie chính là đầu tàu đưa Manchester United tới chức vô địch lần thứ 20 song dưới trướng Moyes, anh lại thi đấu dưới sức và nhiều lần mắc chấn thương - vốn được cho là bởi giáo án tập nặng về thể lực của vị tân huấn luyện viên.
 
Không những vậy, ông còn không được lòng các trụ cột như Nemanja Vidic, Ryan Giggs hay Rio Ferdinand. Trung vệ mang áo số 5 thậm chí còn lên tiếng chỉ trích cho rằng việc chỉ nêu tên đội hình ra sân vào phút chót của Moyes “đủ để biến bạn thành một kẻ điên”.
 
Ngoài ra, David Moyes còn bị nhiều người hâm mộ phê phán khi giam cầm Shinji Kagawa - một trong những cầu thủ sáng tạo nhất của MU - trên ghế dự bị trong phần lớn mùa giải. Những Chicharito, Patrice Evra đều đã rục rịch đánh tiếng ra đi khi mùa giải này kết thúc.

Robin van Persie không ít lần tỏ thái độ với David Moyes. (Nguồn: PA)
Robin van Persie không ít lần tỏ thái độ với David Moyes. (Nguồn: PA)
Sai lầm về chiến thuật
 
Ở Everton, Moyes đã tạo dựng được danh tiếng khi giúp câu lạc bộ hạng trung này trở thành một trong những kẻ ngáng đường khó chịu nhất nước Anh và còn từng một lần dành vé sơ loại Champion League. Chiến thuật mà ông áp dụng tại đội bóng vùng Merseyside thường thiên về phòng ngự, song việc áp dụng nguyên phong cách đó sang Manchester United là bước đi sai lầm.
 
Với những Rooney, Van Persie hay Mata... MU sở hữu những ngôi sao tấn công hàng đầu nhưng Moyes lại cho thấy ông không biết cách sử dụng họ. Ông cứng nhắc với sơ đồ 4-4-2, loay hoay trong việc đưa hết các ngôi sao vào đội hình chính (thường để Rooney đá thấp dưới Van Persie và gạt bỏ Kagawa) và thậm chí còn thể hiện sự bế tắc đến cùng cực trong trận gặp Fulham hồi tháng Hai.
 
Khi đó, Manchester United đã lập một kỷ lục mới của Premier League với tận 81 quả tạt, nhưng vẫn phải chấp nhận kết quả hòa 2-2. Một trong những lần hiếm hoi mà Moyes cho thấy cách tiếp cận trận đấu đúng đắn là ở tứ kết Champion League trước đội bóng hàng đầu thế giới Bayern Munich, song “Hùm xám” quá mạnh và vẫn giành thắng lợi chung cuộc 4-2 sau hai lượt trận.

Moyes luôn gặp khó trong việc tìm ra lối chơi hợp lý. (Nguồn: Getty Images)
Moyes luôn gặp khó trong việc tìm ra lối chơi hợp lý. (Nguồn: Getty Images)
Những thất bại không thể chấp nhận
 
Bị West Brom, Newcastle, Stoke, Swansea... đánh bại là một điều khó chấp nhận, nhưng việc bị đánh bại toàn diện trong cả lượt đi và về bởi những đối thủ không đội trời chung như Liverpool hay Manchester City mới đem lại cảm giác khó nuốt trôi cho người hâm mộ Quỷ đỏ. 
 
Nếu như Ferguson luôn thể hiện sự thù địch với hai đội bóng trên khi từng gọi Man City là “gã hàng xóm ồn ào” và tự hào về việc gạt bỏ Liverpool ở vị thế đội bóng vô địch nước Anh nhiều nhất thì Moyes lại thể hiện hoàn toàn trái ngược.
 
Dưới triều đại của Moyes, Liverpool đang băng băng tới chức vô địch Premier League và còn được ông thừa nhận là đội “cửa trên” trước trận derby nước Anh, còn Man City cũng được Moyes coi là “đẳng cấp mà Manchester United đang hướng tới” sau khi bị đội bóng cùng thành phố đánh bại 3-0 trên sân nhà.
 
Thất bại ở tứ kết Champion League, bị loại từ vòng 3 cúp FA bởi Swansea, thua Sunderland ở bán kết Carling Cup và không được dự Champion League ở mùa giải kế tiếp, David Moyes đã có một mùa giải vô cùng tệ hại cùng Manchester United. Đã có nhiều người so sánh việc Ferguson cũng từng không thành công thời gian đầu cùng MU, nhưng đó là khi đội chủ sân Old Trafford đang chật vật trong khủng hoảng.
 
Thời điểm đó, cầu thủ đắt giá nhất thế giới là Ruud Gullit cũng chỉ có giá 6 triệu bảng và luật Bosman còn chưa ra đời. Trong thời điểm hiện tại, khi mà các đội bóng liên tục đổ tiền tấn để chiêu mộ cầu thủ, việc Moyes thất bại khi được tiếp quản một đội ngũ những nhà vô địch là khó chấp nhận, bởi chỉ cần điều này tiếp diễn trong thời gian tới thì giá trị của Manchester United sẽ tụt xuống thảm hại. Đó là lý do nhà Glazers buộc phải ra tay trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn./.

Đến West Brom còn có thể đánh bại Quỷ đỏ tại Old Trafford.
Đến West Brom còn có thể đánh bại Quỷ đỏ tại Old Trafford.

(VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều