Báo Đồng Nai điện tử
En

'Chợ online' thời Covid-19: Lắm tiện ích, nhiều rủi ro

08:10, 31/10/2021

Trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, hạn chế tiếp xúc đã khiến người tiêu dùng quan tâm hơn đến mua sắm trực tuyến (online). Đây là xu hướng nổi bật, ngày càng có nhiều người lựa chọn...

Trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, hạn chế tiếp xúc đã khiến người tiêu dùng quan tâm hơn đến mua sắm trực tuyến (online).

Đồ họa thể hiện so sánh tỷ lệ % người mua một số nhóm mặt hàng tiêu dùng nhanh bằng kênh mua sắm trực tuyến trong 6 tháng gần nhất của năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen chia sẻ tại hội nghị trực tuyến Kết nối cung - cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Bộ Công thương phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức vào đầu tháng 10-2021. Đồ họa: Hải Quân
Đồ họa thể hiện so sánh tỷ lệ % người mua một số nhóm mặt hàng tiêu dùng nhanh bằng kênh mua sắm trực tuyến trong 6 tháng gần nhất của năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen chia sẻ tại hội nghị trực tuyến Kết nối cung - cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Bộ Công thương phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức vào đầu tháng 10-2021. Đồ họa: Hải Quân

Đây là xu hướng nổi bật, ngày càng có nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi cũng kèm theo những rủi ro mà người tiêu dùng cần phải chú ý.

* Tỷ lệ “đi chợ trực tuyến” tăng rất cao

Dịch Covid-19 mở ra gợi ý về các kênh tiếp cận khách hàng, cũng như là dịp để các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ phân tích kỹ hơn những việc cần làm trong xu hướng công nghệ, chuyển đổi số ngày càng phát triển. Trong đó, các ứng dụng mua sắm online trên điện thoại thông minh, máy tính bảng… trở nên phổ biến hơn.

Tại hội nghị trực tuyến Kết nối cung - cầu thức đẩy tăng trưởng kinh tế do Bộ Công thương phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua, đại diện của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen chia sẻ, người tiêu dùng đã chuyển dần sang xu hướng bán hàng đa kênh, tiếp cận nhiều kênh phân phối, mua sắm. Theo khảo sát của công ty, số người dùng kết hợp cả hình thức mua hàng online lẫn offline chiếm khoảng 66% trong thời gian qua.

“Giỏ hàng” thương mại điện tử trong xu hướng mua sắm này cũng có sự chuyển dịch khá rõ nét sang các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng nhanh. Trong 6 tháng gần nhất, theo khảo sát của Nielsen các nhóm mặt hàng liên quan đến chăm sóc cá nhân, thực phẩm - đồ uống, công nghệ, chăm sóc nhà cửa, sản phẩm “mẹ và bé”… có tỷ lệ người đặt mua tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các sản phẩm liên quan thời trang - thể thao, du lịch - giải trí… lại có tỷ lệ giảm.

Đại diện nhiều siêu thị tại Đồng Nai cho biết, trong thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng đã có nhiều sự chuyển biến, nhất là các hình thức đặt hàng trực tuyến, “đi chợ hộ”… ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn. Nhu cầu đặt hàng online tăng từ 20-40% trong những tháng vừa qua.

Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho biết, nhu cầu đặt hàng thông qua dịch vụ “đi chợ hộ” ngày càng tăng cao trong thời gian qua. Vào đợt cao điểm, trung bình mỗi ngày, siêu thị nhận khoảng 100 đơn hàng. Siêu thị đã thành lập, phân chia các tổ nhân viên “đi chợ hộ” và giao hàng cho khách hàng đặt mua hàng trên ứng dụng của siêu thị.

Trước những tác động của dịch Covid-19, các sàn thương mại điện tử, ứng dụng giao hàng cũng có nhiều sự thay đổi trước thị hiếu mới của người tiêu dùng, thường xuyên cập nhật những “giỏ hàng” thời dịch, đẩy mạnh triển khai các chương trình khuyến mãi, mã giảm giá, thanh toán không dùng tiền mặt… để kích cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ, cửa hàng truyền thống cũng tích cực ứng dụng công nghệ để kinh doanh trực tuyến thông qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo… Người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn mua bất kỳ loại thực phẩm, hàng hóa nào, chỉ cần biết sử dụng, kết nối internet trên điện thoại thông minh để đặt hàng. Nhiều chợ online theo các khu dân cư, chung cư cũng ngày xuất hiện nhiều trong đợt dịch vừa qua với đa dạng các loại thực phẩm, đặc sản, hàng tiêu dùng được quảng cáo, rao bán trên các nền tảng mạng xã hội.

* “Thượng vàng hạ cám” trên môi trường mua sắm online

Khi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, việc mua sắm online không chỉ là xu hướng mà ngày càng trở thành thói quen của người tiêu dùng. Điều này mang đến sự tiện lợi cho cả người mua lẫn người bán, do đó nhiều doanh nghiệp, hộ/cá nhân kinh doanh đã lựa chọn việc kinh doanh qua mạng để hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực đó, việc mua sắm online cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, rủi ro...

Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến trong thời gian qua, nhất là sau những tác động từ dịch Covid-19 Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm tiêu dùng trên các kênh mua sắm trực tuyến
Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến trong thời gian qua, nhất là sau những tác động từ dịch Covid-19 Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm tiêu dùng trên các kênh mua sắm trực tuyến. Ảnh: HẢI QUÂN

Là một trong những “tín đồ” mua sắm online, chị Phạm Thị Thúy Hồng (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, vào đợt sale lớn giữa tháng 10, chị có đặt đơn hàng của một hãng mỹ phẩm lớn có giá trị hơn 3 triệu đồng trên một sàn thương mại điện tử với thông tin quảng cáo đi kèm rất nhiều quà tặng lớn của hãng. Tuy nhiên, khi nhận được hàng, ngoài sản phẩm hơn 3 triệu đồng của hãng được đóng gói sơ sài thì không có thêm một phần quà tặng kèm nào khác, chị cho rằng với mức giá phải trả như vậy là khá cao so với khi mua trực tiếp ở cửa hàng. Sau đó, chị có liên hệ phản ảnh với người bán nhưng họ phản hồi rất chậm và chưa biết khi nào mới giải quyết...

“Khi tôi mua sắm trực tiếp ở các cửa hàng mỹ phẩm, gia dụng... đa phần nơi nào cũng bán hàng rất chỉn chu, dịch vụ tư vấn, chăm sóc khách hàng khá tốt. Còn hiện tại, do muốn hạn chế đi ra ngoài để phòng dịch nên tôi mới đặt hàng online, nhưng nhiều thương hiệu/người bán trên các sàn thương mại điện tử lấy lý do dịch bệnh thiếu nhân lực, khó khăn trong khâu vận chuyển dẫn đến kinh doanh khá hời hợt, chỉ tập trung vào khâu quảng cáo mà chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng, chế độ hậu mãi thì xem nhẹ” - chị Hồng chia sẻ.

Anh Thái Thành (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho hay, thời gian qua, do dịch bệnh nên anh hạn chế tối đa việc đến các trung tâm mua sắm... để mua hàng trực tiếp. Thay vào đó, anh tìm mua các mặt hàng tiêu dùng, điện tử, quần áo, giày dép... trên mạng. Vào tháng 9-2021, anh có đặt mua một đôi giày thể thao thương hiệu nổi tiếng của một người bán hàng trong nhóm “Auth canh sale” (hàng chính hãng, hàng hiệu săn được mức giảm giá rẻ - PV) và chuyển khoản cọc 50% giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi mở kiện hàng, sản phẩm anh nhận được chỉ là hàng replica - loại hàng được sao chép tỉ mỉ, tinh xảo thoạt nhìn khó phân biệt với hàng thật, không đúng như cam kết, hình ảnh sản phẩm trên web anh đưa ra. Ngay lập tức, anh liên hệ lại để trao đổi, đối chiếu với người bán nhưng họ đã chặn tài khoản của anh.

“Còn một lần khác khi đặt thực phẩm chức năng ở một trang Facebook bán hàng nhập khẩu thì tôi mua phải hàng “cận date”, vỏ hộp móp méo nhìn không đảm bảo an toàn, sau đó cửa hàng đã đổ do khâu vận chuyển, do shipper. Mặc dù rất khó chịu nhưng tôi nghĩ giá trị sản phẩm không quá lớn nên xem như mình xui, rút kinh nghiệm sau này chỉ mua ở những cửa hàng, người bán thân quen, đảm bảo uy tín” - anh Thành bộc bạch.

Vào cuối tháng 10-2021, qua kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH Dịch vụ, thương mại H.L. có địa chỉ tại KP.4, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa do ông L.G.H.H. làm giám đốc, đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Đoàn Kiểm tra liên ngành 389 tỉnh) đã phát hiện hơn 1 ngàn sản phẩm thuộc các mặt hàng như: mỹ phẩm, bánh kẹo, bột ngọt, gói nấu sâm bí đao, dầu gội đầu, các thiết bị điện tử…, trên bao bì các sản phẩm này in chữ nước ngoài nhưng đều không có tem nhãn phụ tiếng Việt.

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty này chưa xuất trình được các giấy tờ, hóa đơn liên quan để chứng minh nguồn gốc xuất xứ những mặt hàng trên. Toàn bộ hơn 1 ngàn sản phẩm nói trên đã được lực lượng chức năng niêm phong tạm giữ. Cơ quan chức năng tiến hành kiểm kê, xác định giá trị sản phẩm và tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định.

Ông Bùi Xuân Thu, Phó trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành 389 tỉnh chia sẻ, hàng hóa của công ty này đa phần được bán qua môi trường mạng, nhất là qua các kênh mạng xã hội. Trên thực tế, khi các trang bán hàng online ngày càng nở rộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm nhưng việc kiểm soát chất lượng và giá cả đối với các kênh mua sắm trực tuyến là không dễ, nhất là hoạt động mua bán trên các trang Facebook, Zalo… Trong đó, nhiều cửa hàng thường bán hàng online, livetream rao bán vào buổi tối, ban đêm gây ra nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, trinh sát, xử lý các trường hợp vi phạm.

Nhiều điểm mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Cuối tháng 9-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử.

Bên cạnh nhiều quy định mới về quản lý hoạt động thương mại điện tử nói chung, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khu mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử.

Theo đó, về trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán, theo quy định mới, thông tin về hàng hóa, dịch vụ đối với website thương mại điện tử bán hàng phải được người bán cung cấp chi tiết, cụ thể: đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.

Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.

Về quy định liên quan đến thông tin về điều kiện giao dịch chung, từ ngày 1-1-2022, chính sách kiểm hàng sẽ được coi là một trong những điều kiện giao dịch chung bắt buộc mà thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố trên website thương mại điện tử. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp người tiêu dùng hiểu rõ về chính sách kiểm hàng của từng doanh nghiệp để đưa ra quyết định lựa chọn tiến hành giao dịch.

Bên cạnh đó, với các website có chức năng đặt hàng trực tuyến, người bán phải có cơ chế để khách hàng đọc và bày tỏ sự đồng ý riêng với các điều kiện giao dịch chung trước khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng. Quy định này sẽ khiến các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử phải gia cố thêm tính năng để đảm bảo người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận, xem xét và đưa ra quan điểm cá nhân trước khi tiến hành các bước tiếp theo trong giao dịch mua sắm trực tuyến.

Lam Phương

Hải Hà

Tin xem nhiều