Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam bộ

03:04, 08/04/2022

Quý I-2022, GRDP của tỉnh tăng hơn 6,1% và Đồng Nai trở thành địa phương tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng Đông Nam bộ. Có được kết quả trên là do các DN, chính quyền các cấp, người dân đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất.

Quý I-2022, GRDP của tỉnh tăng hơn 6,1% và Đồng Nai trở thành địa phương tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng Đông Nam bộ. Có được kết quả trên là do các doanh nghiệp (DN), chính quyền các cấp, người dân đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất.

Một số kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế của Đồng Nai trong quý I-2022 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Một số kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế của Đồng Nai trong quý I-2022 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong quý I-2022, tình hình kinh tế toàn cầu và Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt khó khăn nhưng kinh tế Đồng Nai vẫn đạt được một số thành tựu đáng kể. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trên 4%, thương mại dịch vụ tăng gần 13%, xuất khẩu tăng gần 14%, tổng vốn đầu tư tăng gần 17%.

* Nhiều lĩnh vực tăng trưởng cao

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, quý I-2022, GRDP Đồng Nai tăng trưởng trên 6,1%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với các địa phương vùng Đông Nam bộ, tiếp theo là Bình Dương hơn 5,3%, Tây Ninh hơn 4%, Bình Phước gần 3%, TP.HCM gần 1,9% và cuối cùng là Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 25-3, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình này trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong 2 năm 2022 và 2023, phấn đấu tăng trưởng mục tiêu dài hạn của tỉnh đến năm 2025, trung bình 8,5% mỗi năm. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm tới phấn đấu đạt trên 500 ngàn tỷ đồng.

Kinh tế Đồng Nai phục hồi tương đối tốt trên nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất khẩu, huy động nguồn vốn toàn xã hội. Có nhiều DN đã phục hồi được sản xuất 100% và tiếp tục đầu tư thêm nhà máy, dây chuyền sản xuất để tăng công suất và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng Nai trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm công nghiệp lớn cho nhiều tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Hòa An, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát (TP.Biên Hòa) cho biết. “Chúng tôi đã có được đơn đặt hàng của nhiều đối tác cho thời gian sắp tới. Vấn đề hiện nay của DN là tiếp tục tuyển dụng thêm lao động, chủ động hơn về nguồn nguyên liệu và giá thành để tiết giảm tối đa chi phí sản xuất trong tình hình vật giá leo thang”.

Trong 3 tháng đầu năm, GRDP, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của Đồng Nai cao hơn 1-1,7% so với bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, cả nước xuất siêu 700 triệu USD, riêng tỉnh xuất siêu trên 1,5 tỷ USD.

Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai Trần Quốc Tuấn nhận định: “Trong bối cảnh vẫn còn chưa hết khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, cùng với đó là tác động từ căng thẳng Nga - Ukraine, tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được các kết quả tích cực. Các DN chủ động có kế hoạch phục hồi sản xuất, định hướng phát triển sản xuất phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường”.

Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương cho biết, những khó khăn, vướng mắc của DN, hiệp hội DN trên địa bàn đã được tỉnh chỉ đạo các sở, ngành nắm bắt. Sở Công thương sẽ cùng với các sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu cho tỉnh những giải pháp để vừa hồi phục kinh tế, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

* Vốn tiếp tục chảy vào nền kinh tế

Vốn đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, cơ sở hạ tầng giao thông đang tạo “sức hút” cho nền kinh tế tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn. Đồng Nai tiếp tục tận dụng “thời cơ vàng” phát triển hạ tầng giao thông và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Sản xuất tại một doanh nghiệp cơ khí chế tạo ở Khu công nghiệp Thạnh Phú
Sản xuất tại một doanh nghiệp cơ khí chế tạo ở Khu công nghiệp Thạnh Phú. Ảnh: VĂN GIA

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều dự án lớn đã và đang chuẩn bị thực hiện như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Cầu Cát Lái; Đường vành đai 3; cùng các đoạn, tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu… Ngoài ra, một số công trình trọng điểm thực hiện trong quý I như: hương lộ 2; đường trục trung tâm TP.Biên Hòa; cải tạo nâng cấp đường tỉnh 768. Tổng vốn đầu tư phát triển từ các DN và các dự án hạ tầng thực hiện trên địa bàn tỉnh trong quý I là hơn 26,6 ngàn tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, chính quyền Đồng Nai luôn đồng hành cùng DN, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để DN phục hồi sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Do đó, dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, nhưng Đồng Nai vẫn là nơi được các DN tin tưởng rót vốn vào đầu tư phát triển sản xuất để đón đầu các dự án lớn của tỉnh, vùng, quốc gia.

Nhiều DN có vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không ngần ngại mở rộng đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, bất động sản... Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt gần 1,8 ngàn tỷ đồng; vốn khu vực ngoài nhà nước đạt gần 12 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 7% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn 13 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn nước ngoài chủ yếu đổ vào lĩnh vực xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Điển hình có một số tập đoàn FDI đầu tư nhà máy với vốn lớn như: Nestlé, Changshin, Formosa, Shingmark…

“Chúng tôi vừa đầu tư thêm nhà máy trên diện tích hơn 2 ngàn m2 với hệ thống máy móc, nhà xưởng trị giá ban đầu hơn 1 triệu USD. Đây là cơ sở để công ty tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ các đối tác, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn và đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật” - ông Trần Quý, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam cho hay.

Văn Gia - Khánh Minh


Ông PARK HYUN BAE, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai:

Các DN Hàn Quốc vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Đồng Nai và dự tính trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng các dự án vào tỉnh.

Ngoài lĩnh vực công nghiệp, các DN Hàn Quốc rất quan tâm đến các dự án hạ tầng kỹ thuật, logistics, bất động sản, thương mại dịch vụ. Vì đây là những lĩnh vực tỉnh còn rất nhiều tiềm năng để khai thác.          

Ông MAI THÀNH LONG, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Chín Chín:

DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo nên đòi hỏi rất nhiều vốn đầu tư máy móc dây chuyền sản xuất và nguyên liệu. Trong bối cảnh hiện nay, công ty rất mong tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để đầu tư máy móc hiện đại, đáp ứng các đơn hàng lớn của khách hàng. Đồng thời, DN cũng mong Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ để cộng đồng DN bớt khó khăn, tiếp tục phục hồi, mở rộng sản xuất.

 

Ông NGUYỄN TIẾN CHƯƠNG, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai:

Hiện nay, triển vọng phục hồi kinh tế cả nước cũng như Đồng Nai là rõ ràng. DN đã khôi phục hầu hết lĩnh vực sản xuất, Chính phủ, địa phương đã ban hành, triển khai các giải pháp hỗ trợ. Nhiều DN cũng đã nhận được đơn hàng, đảm bảo sản xuất trong thời gian dài.

Tuy nhiên, có những khó khăn vẫn gây cản trở sự phát triển; trong đó, cước phí vận tải tăng cao vẫn chưa có giải pháp ổn thỏa khiến cho chi phí sản xuất đầu vào, chi phí giao hàng tăng cao, ăn mòn lợi nhuận của DN. Một vấn đề nữa là các DN xuất khẩu trong tỉnh từ tháng 4 này phải chịu thêm phí hạ tầng cảng biển khi vận chuyển hàng qua các cảng ở TP.HCM.  

   H.G - V.T (ghi)


 

Tin xem nhiều