Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nghiệp - thương mại: Góp phần đắc lực đưa Đồng Nai phát triển bền vững

08:04, 30/04/2022

47 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển, hội nhập mạnh mẽ với quốc tế. Đồng Nai với tiềm năng phát triển của mình, là cái nôi của công nghiệp hiện đại cả nước, cũng có những bước đi vững chắc, hướng tới phát triển bền vững trên lĩnh vực công nghiệp - thương mại.

47 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển, hội nhập mạnh mẽ với quốc tế. Đồng Nai với tiềm năng phát triển của mình, là cái nôi của công nghiệp hiện đại cả nước, cũng có những bước đi vững chắc, hướng tới phát triển bền vững trên lĩnh vực công nghiệp - thương mại.

Số lượng các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi và chợ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay. (Đồ họa: Hải Quân)
Số lượng các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi và chợ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay. (Đồ họa: Hải Quân)

Những lợi thế từ hạ tầng và vị trí địa lý được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo điều kiện để Đồng Nai thực hiện tốt các kế hoạch của mình.

* Phát triển công nghiệp hiện đại

Đồng Nai có nền công nghiệp mạnh khi so sánh với các địa phương trong cả nước và lân cận. Đồng Nai được quy hoạch 39 khu công nghiệp (KCN) với gần 19 ngàn ha, trong đó có 31 KCN đang hoạt động. Tính đến cuối tháng 3-2022, Đồng Nai đã có hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư và xếp thứ 4 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 1,8 ngàn dự án, trong đó có nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Theo UBND tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 của tỉnh ước đạt gần 708 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 4,4% so với năm 2020. Trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 60%.

Theo Sở KH-ĐT, Đồng Nai thực hiện chủ trương thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, kiên quyết từ chối những dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu. Tỉnh ưu tiên thu hút những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp (DN) đưa ra lộ trình chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, chú trọng thu hút các dự án lớn, các dự án của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các cơ quan, trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Đồng Nai gắn với việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành sân bay quốc tế Long Thành.

Cùng với thu hút các DN, nhà đầu tư lớn của nước ngoài vào địa phương hợp tác, làm ăn với những dự án công nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, Đồng Nai cũng đã phát triển được số lượng DN tư nhân khá đông đảo, tỉnh cũng đã ban hành đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh đã tập trung hỗ trợ DN ở các lĩnh vực như: bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với DN ngành công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; hỗ trợ pháp lý… Nhiệm vụ hỗ trợ trọng tâm là chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên DN nhỏ và vừa, hỗ trợ DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị... Với các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 65,5 ngàn DN nhỏ và vừa, tạo việc làm cho trên 265 ngàn lao động.

Song song thu hút đầu tư tại các KCN hiện hữu và vùng có lợi thế, Đồng Nai cũng đang trong quá trình đẩy nhanh dịch chuyển cơ cấu công nghiệp, trong đó hướng phát triển công nghiệp mở rộng về vùng nông thôn. Tỉnh cũng thực hiện quy hoạch thêm các KCN ở các địa phương khu vực nông thôn còn nhiều quỹ đất, gắn liền với sự phát triển của hạ tầng giao thông. Hình thành các cụm công nghiệp chuyên ngành về sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm. Vùng nông thôn sẽ ưu tiên thu hút dự án cho các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, chế biến nông sản, công nghiệp giá trị công nghệ cao và góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, trong ngắn hạn và dài hạn, Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng khi có lợi thế lớn về hạ tầng, trở thành cửa ngõ quốc tế, tạo nên vận hội mới cho sự phát triển bền vững. Tỉnh khuyến khích các DN tìm hiểu cơ hội đầu tư, làm ăn, sáng tạo sản xuất ra sản phẩm và coi sự thành công của DN chính là thành công của địa phương. Trong quá trình đó, Đồng Nai cũng sẽ luôn nỗ lực nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của DN để có các chính sách đồng hành, hỗ trợ phù hợp.

* Xây dựng hệ thống thương mại rộng khắp

Trong những năm qua, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Hệ thống mạng lưới phân phối bán buôn và bán lẻ phát triển. Hoạt động bán lẻ, dịch vụ có bước tiến đáng kể, mở rộng về quy mô và đa dạng về hình thức, hàng hóa, dịch vụ, chất lượng được cải thiện.

Theo Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá, bình quân trong giai đoạn 2015-2020 đạt 11%/năm. Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 187,8 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 2,4% so với năm 2020. Trong điều kiện khó khăn chung thì mức tăng trưởng này là nỗ lực lớn khi thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Đồng Nai đang thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo trong Khu công nghiệp Thạnh Phú
Đồng Nai đang thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo trong Khu công nghiệp Thạnh Phú. Ảnh: V.Thế

Về cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ, trên địa bàn tỉnh hiện có 139 chợ đang hoạt động, trong đó 1 chợ đầu mối, 7 chợ hạng I, 29 chợ hạng II và 102 chợ hạng III. Trong đó, đặc biệt có chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (giai đoạn 1) được đưa vào hoạt động từ tháng 6-2017.

Đại diện chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) cho biết, giai đoạn 1 đi vào hoạt động từ năm 2017. Trung bình mỗi ngày, chợ tiêu thụ khoảng 150-250 tấn nông sản, cao điểm có thể tiêu thụ khoảng 300-400 tấn/ngày. Các loại nông sản trong nước vẫn chiếm tỉ trọng cao, khoảng 80-85%.

Đối với các kênh bán lẻ hiện đại, năm 1997, siêu thị đúng nghĩa đầu tiên ở Đồng Nai nói riêng và ở Việt Nam nói chung đi vào hoạt động đó là siêu thị Cora (nay là Trung tâm thương mại Big C Đồng Nai) ở góc ngã tư Vũng Tàu. Đến nay, mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại đã ngày càng mở rộng và phát triển với 6 trung tâm thương mại và 12 siêu thị.

Bên cạnh hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini ngày càng mở rộng và phát triển tại các địa phương trong tỉnh, kể cả những huyện vùng xa. Toàn tỉnh có 256 cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống: Bách Hóa Xanh, Winmart, Co.opFood, Porkshop, GS25 đang hoạt động.

Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó tổng giám đốc ngành kinh doanh thực phẩm Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (KCN Biên Hòa 2) cho hay, từ cuối năm 2017, công ty bắt đầu phát triển chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Pork Shop. Đến nay, phát triển được khoảng 50 cửa hàng trên địa bàn Đồng Nai, từ các thành phố lớn trước, sau đó dần mở rộng ra các huyện, các khu vực đông dân cư…

Những năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, nâng cao giá trị thương hiệu cho hàng Việt trên địa bàn tỉnh. Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tạo được sự đồng thuận hưởng ứng và sự tin tưởng của người dân. Đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống trong tỉnh cho biết, hiện nay hàng Việt chiếm tỉ trọng từ 80-90% trên các kệ hàng. Các đơn vị luôn chú trọng nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất để phục vụ người tiêu dùng, cũng như chủ động triển khai các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng dành cho hàng Việt, kết nối các sản phẩm địa phương vào siêu thị…

Vương Thế - Hải Quân


Ông NGUYỄN VĂN LĨNH, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương):

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở các địa phương, trong đó có 26 điểm được triển khai từ nguồn kinh phí của tỉnh. Qua kiểm tra hoạt động của nhiều điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam đã được triển khai, nhìn chung các điểm này được nhiều người dân địa phương quan tâm, lựa chọn, doanh thu bán hàng tăng từ 20-30% mỗi năm.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương khảo sát, nhân rộng thêm các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam, trong đó tập trung vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa trong tỉnh để hỗ trợ người dân tiếp cận gần hơn với hàng Việt.

Ông NGUYỄN THẾ QUANG, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương):

Đồng Nai là một trong những địa phương năng động, có nhiều lợi thế trong hoạt động TMĐT, cũng như phát triển nhiều hình thức kinh tế số. Việc có một sàn TMĐT riêng của địa phương sẽ góp phần phát triển các sản phẩm tiêu biểu, hàng hóa thế mạnh, đặc sản của Đồng Nai, đồng thời kết nối hàng hóa địa phương với các địa phương khác, tiến tới mở rộng cơ hội xuất khẩu… Tuy nhiên, để sàn này phát huy hiệu quả, địa phương cần xây dựng phương án quản lý hiệu quả, đảm bảo kết nối các nền tảng, hệ thống dịch vụ, nâng cao công tác quảng bá hình ảnh…

Ông KEN-ICHIRO ABE, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam:

Những năm qua, các chính sách, công tác cải cách hành chính của tỉnh rất thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho DN hoạt động. Việt Nam và Nhật Bản đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài. Các DN của Nhật Bản thường đầu tư dự án có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Thời gian qua, nhiều DN vẫn tiếp tục mở rộng nhà máy, nâng công suất và coi Đồng Nai là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn. Để tăng thêm sức hút trước các nhà đầu tư, bên cạnh việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính thì đầu tư hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật và đào tạo đội ngũ lao động có trình độ cao là những vấn đề mà tỉnh cần tiếp tục quan tâm, hoàn thiện.

Hoàng Hải - Đào Lê (ghi)


 

Tin xem nhiều