Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải quyết nguồn nhân lực cho cách mạng 4.0

02:05, 27/05/2022

Thiếu nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ lao động trẻ và có trình độ ở khu vực nông thôn đang là rào cản không nhỏ để nông nghiệp nước ta tiếp cận cuộc cách mạng 4.0.

Thiếu nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ lao động trẻ và có trình độ ở khu vực nông thôn đang là rào cản không nhỏ để nông nghiệp nước ta tiếp cận cuộc cách mạng 4.0.

Kỹ sư Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (H.Trảng Bom) thực hiện nhân giống nuôi cấy mô trong Phòng Thí nghiệm
Kỹ sư Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (H.Trảng Bom) thực hiện nhân giống nuôi cấy mô trong Phòng Thí nghiệm. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chỉ ra mặt hạn chế này, TS Lê Quý Kha, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, cho rằng nhiều nông dân còn sản xuất tiểu nông, nhỏ lẻ thì rất khó tiếp cận công nghệ cao trong sản xuất. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn của nước ta đạt rất thấp; năng suất lao động bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam chỉ bằng 1-1,5% so với các nước phát triển. Giá nhiều loại nông sản của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước vì chúng ta chủ yếu sử dụng lao động chân tay. Đã đến lúc nông dân Việt Nam phải tìm cách vượt qua sự cần cù, chịu khó, tiếp cận nông nghiệp 4.0 để không mãi ở thế yếu trong cạnh tranh.

TS Lê Quý Kha khẳng định, từ nhiều năm trước, Chính phủ các nước đều nhận thức rõ tầm quan trọng và xu hướng tất yếu phát triển nông nghiệp 4.0 trong chiến lược phát triển nông nghiệp của quốc gia. Tiêu biểu như Thái Lan đã sớm có chính sách phát triển nông nghiệp 4.0; trong đó tập trung đào tạo để thế hệ trẻ thành nông dân thông minh. Vượt xa các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực, Đài Loan định hướng sẽ là xứ sở của chuỗi cung ứng thiết bị nông nghiệp 4.0.

Ở đây rào cản lớn nhất vẫn là ở nhận thức, sự quan tâm của nông dân về sản xuất 4.0. Để thay đổi điều này cần tập trung tuyên truyền, tập huấn cho dân hiểu. Chính sách khuyến nông của nước ta chủ yếu mới hỗ trợ cho nông dân về giống, phân bón... theo kiểu cho - nhận. “Theo tôi, nên dành phần lớn nguồn kinh phí này đầu tư tập huấn cho thế hệ trẻ về mặt kiến thức cần thiết trong sử dụng thiết bị công nghệ, máy móc hiện đại; đào tạo cho người trẻ về tư duy tiếp cận nông nghiệp 4.0” - TS Lê Quý Kha nói.

Theo GS-TS NGND VÕ THANH THU, giảng viên cao cấp tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách thương mại quốc tế của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất, kinh doanh của các DN trên toàn cầu.

Người lao động cần có đủ kiến thức, kỹ năng (bao gồm cả kỹ năng cứng về kỹ thuật số, công nghệ, lập trình, tương tác giữa người với người máy; kỹ năng mềm như: khả năng tư duy, kỹ năng cá nhân, kỹ năng về xã hội…) mới đáp ứng được yêu cầu. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nên mức độ giao thương lớn, đáp ứng nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh của DN cần đặt lên hàng đầu, tuy nhiên nguồn nhân lực còn hạn chế. Do vậy, tỉnh nên thực hiện đề án riêng về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bởi thời gian qua đây là một lĩnh vực còn yếu nếu so với nhu cầu của địa phương cũng như tương quan với các tỉnh, thành trọng điểm khác.    

Vương Thế

Lê Quyên

Tin xem nhiều