Báo Đồng Nai điện tử
En

'Giải nén' cho đô thị Biên Hòa

08:06, 18/06/2022

Quá trình đô thị hóa cũng như tốc độ gia tăng dân số cơ học diễn ra nhanh trong khi hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu khiến cho đô thị Biên Hòa trở thành một đô thị có độ "nén" cao.

Quá trình đô thị hóa cũng như tốc độ gia tăng dân số cơ học diễn ra nhanh trong khi hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu khiến cho đô thị Biên Hòa trở thành một đô thị có độ “nén” cao.

Biên Hòa là đô thị có độ “nén” cao do có quy mô dân số lớn. Ảnh: P.Tùng
Biên Hòa là đô thị có độ “nén” cao do có quy mô dân số lớn. Ảnh: P.Tùng

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẹt xe, ngập nước… diễn ra ngày một căng thẳng trên địa bàn thành phố.

* Đô thị với độ “nén” cao

Long Bình hiện là một trong những phường có quy mô dân số lớn nhất của TP.Biên Hòa. Với dân số hơn 130 ngàn người, từ lâu cùng với P.Trảng Dài, P.Long Bình đã được mệnh danh là “siêu phường”.

Chủ tịch UBND P.Long Bình Nguyễn Quốc Vương cho biết, trên địa bàn phường hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động gồm: Amata, Long Bình (Loteco), Agtex Long Bình. Cùng với đó, còn có thêm các cụm công nghiệp nhỏ và các nhà máy. Chính vì vậy, lượng công nhân lao động ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc tại P.Long Bình rất lớn. “Thống kê sơ bộ, hiện phường có khoảng 70 ngàn người đang thuê trọ sinh sống” - ông Vương cho hay.

Dân số đông, tốc độ tăng dân số cơ học nhanh khiến cho hệ thống hạ tầng bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên địa bàn P.Long Bình luôn đứng trước áp lực quá tải. Đặc biệt, căng thẳng hiện nay chính là nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là công nhân lao động rất lớn.

Theo quy hoạch chung điều chỉnh của TP.Biên Hòa được phê duyệt năm 2014, khu vực đô thị mới Nam Biên Hòa có 2 khu vực phát triển đô thị riêng gồm khu đô thị phía Tây và phía Đông đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Cả 2 khu vực này được định hướng phát triển mới là chủ yếu.

Ông Nguyễn Quốc Vương cho biết thêm, dù có nhiều KCN, lượng công nhân lao động đông nhưng tại P.Long Bình hiện chưa có bất kỳ khu nhà ở xã hội hay nhà ở dành cho công nhân nào được xây dựng. Người lao động vì vậy bắt buộc phải thuê trọ tại các khu nhà trọ của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, phần lớn các khu nhà trọ đều chưa đảm bảo được các tiêu chuẩn, diện tích nhỏ hẹp.

Thực trạng tại P.Long Bình cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương ở TP.Biên Hòa hiện nay, đặc biệt là tại các phường đông dân như: Trảng Dài, Long Bình Tân. Là đô thị loại I, trung tâm của tỉnh nên thành phố có đến 6 KCN đã được thành lập và đang hoạt động. Bên cạnh đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, việc có nhiều KCN cũng khiến cho đô thị Biên Hòa đứng trước các áp lực lớn về quá tải của hệ thống giao thông, thiếu hụt nhà ở, trường học, ô nhiễm môi trường…

TP.Biên Hòa hiện có dân số khoảng 1,1 triệu người và là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước. Biên Hòa cũng là địa phương có tốc độ gia tăng dân số hằng năm thuộc tốp đầu trên địa bàn tỉnh. Dân số tăng nhanh khiến mật độ dân số trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng thuộc nhóm cao trong số các đô thị lớn trên cả nước.

Hiện nay, mật độ dân số bình quân của thành phố đạt hơn 4 ngàn người/km2, cao nhất cả tỉnh. Thực tế này cũng khiến cho đô thị Biên Hòa hiện có độ “nén” cao. Trong bối cảnh hệ thống hạ tầng vẫn chưa phát triển tương ứng với tốc độ phát triển, các hạn chế trong phát triển đô thị ngày càng trở nên căng thẳng.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho hay, những năm qua, thành phố đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, xây dựng các công trình, cải thiện hệ thống hạ tầng. Tuy vậy, với tốc độ đô thị hóa nhanh thì cơ sở hạ tầng đô thị của Biên Hòa vẫn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển.

* Cần sớm mở rộng không gian đô thị

Ra đời từ năm 1963, KCN Biên Hòa 1 (tên gọi trước đây là Khu kỹ nghệ Biên Hòa) là KCN lâu đời nhất Việt Nam. Năm 2008, Đồng Nai đã đề xuất lên Chính phủ thực hiện chuyển đổi công năng của KCN. Hiện nay, Đồng Nai đang tiếp tục thực hiện các thủ tục để thực hiện dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị, thương mại, dịch vụ Biên Hòa 1.

Việc thực hiện chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, bên cạnh mục tiêu bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai còn giúp mở rộng thêm không gian phát triển đô thị của thành phố. Từ đó, góp phần giải “nén” cho khu vực đô thị trung tâm Biên Hòa.

Cũng với mục tiêu đó, từ năm 2012, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định di dời đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch ra khỏi đô thị, nơi tập trung đông dân cư, trong đó có địa bàn TP.Biên Hòa.

Nhằm thực hiện giãn dân, giải “nén” cho đô thị Biên Hòa, trong quy hoạch, TP.Biên Hòa định hướng mở rộng về phía Nam. Cụ thể, theo quy hoạch chung điều chỉnh của TP.Biên Hòa được phê duyệt năm 2014, khu vực đô thị mới Nam Biên Hòa sẽ thuộc các phường: An Hòa, Phước Tân, Tam Phước và xã Long Hưng. Trong đó, riêng xã Long Hưng được định hướng phát triển trở thành khu kinh tế mở.

Đối với 3 phường còn lại, hiện nay việc định hướng phát triển khu vực này trở thành khu đô thị mới của đô thị Biên Hòa cũng đã được triển khai trong những năm vừa qua. Với vị trí nằm dọc các trục giao thông quan trọng như quốc lộ 51 và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được triển khai xây dựng, theo định hướng phát triển, các phường: Tam Phước, Phước Tân và An Hòa sẽ phát triển các khu dân cư, đô thị bám dọc các tuyến giao thông này.

Kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, trong phát triển đô thị, để đáp ứng tiêu chí bền vững, ngay từ khâu quy hoạch, mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị cần phải được ưu tiên quy hoạch, đầu tư xây dựng trước. Trên cơ sở khung hạ tầng đã được quy hoạch phát triển thì mới tính toán đến việc thu hút dân cư đến sinh sống theo quy mô dân số đã được quy hoạch.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều