Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo chí dữ liệu: Nội dung là ‘vua’, công nghệ là ‘nữ hoàng’

Hà Lê
19:20, 15/03/2024

Chiều 15-3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 đã diễn ra phiên hội thảo “Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội” do PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam điều hành.

Các đại biểu khách mời tham gia phiên thảo luận. Ảnh: Huy Anh
Các đại biểu khách mời tham gia phiên thảo luận. Ảnh: Huy Anh

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới, giữa sự cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội, công nghệ và thị hiếu thông tin của công chúng, báo chí phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trong thách thức luôn có những tiềm năng, cơ hội. Điều quan trọng với các cơ quan báo chí hiện nay là tìm ra những “điểm sáng” nào, cơ hội nào cần tận dụng để tìm hướng đi cho riêng mình.

Nội dung là “vua”, công nghệ là “nữ hoàng”

Theo nhiều chuyên gia, diễn giả, báo chí dữ liệu có vị trí trung tâm và vai trò cốt lõi trong tiến trình phát triển báo chí số trên thế giới và Việt Nam. Trong đó, nội dung là “vua”, công nghệ là “nữ hoàng”. “Vua” và “nữ hoàng” đã được nhiều diễn giả, chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan báo chí trong nước trình bày, thảo luận để gợi mở nhiều giải pháp nhằm thực thi chiến lược nội dung vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ quan báo chí trong tình hình mới.

Tại hội thảo, PGS-TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của dữ liệu trong báo chí truyền thông, bao gồm báo chí truyền thống và báo hiện đại.

Ông Kah Whye Lee, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp Hội báo chí xuất bản thế giới trình bày tham luận “Chiến lược nội dung báo chí vượt trội: Xu hướng và kinh nghiệm thế giới” tại phiên thảo luận. Ảnh: Huy Anh

Theo ông Diệu, báo chí đang có “kho vàng” từ lịch sử lưu trữ, dữ liệu, nếu có thể tận dụng, chọn lọc dữ liệu từ kho vàng đó sẽ tạo ra tuyến bài mới hiệu quả hơn, chuyên sâu hơn.

Thực trạng của các cơ quan báo chí hiện nay là hoạt động độc lập, chưa có sự liên kết, chia sẻ trong dữ liệu. Do đó, đối với báo chí truyền thông Việt Nam cần có “hệ sinh thái”, nền tảng, kho dữ liệu dùng chung để giảm đi sự lo ngại bởi những tác động từ bên ngoài, như AI.

PGS-TS Trần Quang Diệu cho rằng, Bộ Thông tin và truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ sở đào tạo nghiên cứu báo chí truyền thông cần có hướng dẫn, định hướng cụ thể để vừa phát huy những gì đang có, vừa có thể chia sẻ lẫn nhau khi cần.

Hầu hết các cơ quan báo chí đều cho rằng, chiến lược nội dung vượt trội hiệu quả đều phải phát triển báo chí dữ liệu. Nguồn dữ liệu mở, dữ liệu liên kết, dữ liệu tự thân của các cơ quan báo chí, đặc biệt là dữ liệu cho việc phân tích xu hướng báo chí sẽ là cơ sở cho việc lọc và làm giàu dữ liệu. Phân tích đánh giá, trực quan hoá dữ liệu là những thao tác cơ bản để ứng dụng báo chí dữ liệu trong kể chuyện đa phương tiện, tạo tính đặc sắc và vượt trội của nội dung báo chí.

Nhà báo Ngô Đức Kiên, Tổng biên tập Báo Nghệ An: Tập trung sử dụng báo chí dữ liệu để chinh phục độc giả

Báo Nghệ An đang trong bước đầu thực hiện quá trình chuyển đổi số. “Bí kíp” của báo là tập trung nghiên cứu độc giả của mình, đặt mục tiêu cao nhất là hiểu được công chúng của mình. Trong đó, 3 giải pháp đặt ra để thực hiện nghiên cứu công chúng mục tiêu là tập trung về con người, công nghệ và chiến lược nội dung vượt trội.

Có con người và công nghệ sẽ góp phần tháo gỡ những vấn đề về công cụ phân tích dữ liệu độc giả, chứ không thể tập trung sáng tạo nội dung như trước đây mà không quan tâm việc phân phối nội dung. Mình cần phải biết độc giả của mình là ai, khẩu vị thế nào, có xu thế ra sao mới có thể sử dụng báo chí dữ liệu để chinh phục độc giả.

Bài học, kinh nghiệm từ những mô hình thực tiễn

Chia sẻ tại hội thảo, nhà báo Ngô Việt Anh, Phó trưởng Ban Nhân dân điện tử, Báo Nhân dân đã giới thiệu mô hình phát triển nội dung số tại báo. Trong đó, chiến lược chuyển đổi số là yếu tố quan trọng nhất. Do đó, Báo Nhân dân đã hình thành Tòa soạn số điều phối các loại hình báo chí đa phương tiện, phát hành đa nền tảng; ứng dụng công nghệ vào sản xuất nội dung, trình bày, phát hành; công cụ đo lường phân tích nhu cầu độc giả; nhân sự đa năng (ảnh, video, đồ họa, social media)…

Nhấn mạnh về sự sáng tạo trong báo chí, nhà báo Ngô Việt Anh đã trình bày về báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu kết hợp công nghệ tại Báo Nhân dân, cụ thể là chuyên mục Tri thức chuyên sâu, Chuyên trang đặc biệt. Những chuyên trang, chuyên mục này kết hợp giá trị cốt lõi của báo in với thế mạnh của báo điện tử, để số hóa những tư liệu, nội dung chuyên sâu, đưa giá trị đến cộng đồng.

ThS. Trần Lệ Thùy, chuyên gia báo chí truyền thông trình bày tham luận “Phương thức tổ chức, thực hiện báo chí dữ liệu ở các cơ quan báo chí tại Việt Nam”. Ảnh: Huy Anh

Nhà báo Ngô Việt Anh đặc biệt nhấn mạnh về tinh thần đổi mới sáng tạo trong báo chí, thay đổi tư duy lãnh đạo, nhân viên theo hướng “digital-first”, có như vậy mới giúp việc triển khai chiến lược nội dung đi vào thực tế.

Tương tự, ThS Trần Lệ Thùy, chuyên gia báo chí truyền thông chia sẻ, thời đại hiện nay, việc tìm được nhân lực có thể am hiểu về dữ liệu, trở thành “nhà báo dữ liệu” thực sự là vô cùng quan trọng.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng phát biểu kết luận phiên thảo luận. Ảnh: Huy Anh
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng phát biểu kết luận phiên thảo luận. Ảnh: Huy Anh

Ngoài trình bày phương thức tổ chức, thực hiện báo chí dữ liệu tại các cơ quan báo chí, ThS Trần Lệ Thùy nhận định, các tòa soạn báo chí Việt Nam cần quan tâm đến phát triển báo chí dữ liệu, trở thành nghiệp vụ không thể thiếu của nhà báo. Nghiệp vụ dữ liệu đi cùng với kỹ năng sản xuất tác phẩm báo chí có thể đảm bảo tính công bằng, chính xác, cân bằng trong tác phẩm báo chí, xây dựng lòng tin với độc giả. Đây là chiến lược quan trọng trong xây dựng nội dung vượt trội.

PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí dữ liệu là hướng đi không thể tách rời dòng chảy báo chí Việt Nam. Để hướng đến sự phát triển bền vững, ngoài tự thân các cơ quan báo chí chủ động nghiên cứu, tìm kiếm cho riêng mình mô hình báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội thì cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới báo chí số. Qua đó, có thêm những ý tưởng mới, tác phẩm báo chí và những dự án báo chí sáng tạo mới, góp phần cho sự đổi mới sáng tạo hiệu quả đang diễn ra không ngừng trên khắp báo giới Việt Nam.

Hà Lê

Tin xem nhiều