Báo Đồng Nai điện tử
En

Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và môi trường yêu cầu tỉnh xem xét 8 vấn đề

11:08, 12/08/2005

(ĐN)- Chiều ngày 12-8, Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh. Đây là buổi làm việc cuối cùng của đoàn để thông báo với UBND tỉnh về quá trình kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai tại địa phương.

Đoàn thanh tra Bộ TN-MT đang làm việc với UBND TP. Biên Hòa.
(ĐN)- Chiều ngày 12-8, Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh. Đây là buổi làm việc cuối cùng của đoàn để thông báo với UBND tỉnh về quá trình kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai tại địa phương.

Ông Nguyễn Khải, Vụ trưởng Vụ đất đai - Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, trong đợt kiểm tra lần này, đoàn đã nhận tổng cộng 879 đơn thư của người dân trong tỉnh. Ông Khải đưa ra 8 vấn đề yêu cầu địa phương xem xét, xử lý. Đó là: công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, mặc dù địa phương đã rất tích cực, song ở những nơi đoàn đến, nhận thức của người dân về Luật Đất đai còn hạn chế; tỉnh đã ban hành 6 văn bản liên quan đến thực hiện Luật Đất đai, nhưng một văn bản quan trọng chưa được ban hành, chính là mức hỗ trợ từ 20 đến 50% đối với những trường hợp được giải quyết đất ở liền kề (theo quy định của Nghị định 197). Đối với công tác quy hoạch, tốc độ chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp ở Đồng Nai rất nhanh, nhưng quy hoạch của địa phương không đáp ứng với tốc độ ấy. Có nhiều trường hợp quy hoạch rất lộn xộn như đưa dân đến một điểm quy hoạch tái định cư, sau đó quy hoạch lại và đưa dân đến nơi khác. Việc thu hồi đất cũng là một vấn đề nổi cộm. Qua phản ánh, rất nhiều trường hợp không có quyết định thu hồi đất nhưng các đơn vị đầu tư vẫn buộc người dân ra đi. Chưa kể nhiều doanh nghiệp thực hiện dự án theo kiểu "xí phần", rồi không triển khai. Vấn đề này ông Khải đề nghị địa phương cần xem xét, nếu sau một năm không thực hiện dự án mà không có lý do chính đáng thì phải thu hồi. Một vấn đề khác được người dân bức xúc, cần giải quyết dứt điểm là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua kiểm tra, đoàn nhận thấy có nhiều trường hợp dân đăng ký thủ tục làm giấy nhiều năm nhưng đến nay chưa được cấp; thu giấy tờ về nhà đất của dân mà không trả lại, cũng không cấp giấy chứng nhận; dân nộp tiền rồi nhưng không thông báo, không cấp giấy. Vấn đề quan trọng nhất Đoàn lưu ý là công tác bồi thường, tái định cư. Phần lớn người dân khiếu kiện là do giải quyết khâu này không thỏa đáng. Cụ thể như không công khai minh bạch trong giá đền bù, thu hồi đất trắng mà giải quyết tái định cư chậm nên dân không biết ở đâu. Ông Khải cho rằng, nếu chưa có khu tái định cư thì không được cưỡng chế thu hồi đất của dân; không được "đẩy dân ra đường". Vấn đề cuối cùng, theo ông Khải đánh giá, Đồng Nai đã triển khai thực hiện khá tốt việc quản lý đất đai, tuy nhiên trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra để có thể kịp thời phát hiện những vi phạm trên lĩnh vực đất đai.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái ghi nhận 8 yêu cầu mà đoàn đặt ra, đồng thời hứa sẽ chỉ đạo thực hiện. Riêng các vụ việc "đẩy dân ra đường" như Vụ trưởng Vụ Đất đai Nguyễn Khải đề cập, Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, sẽ cho tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp nào đối xử với dân như vậy, tỉnh sẽ kiên quyết xử lý.

* Tiếp xúc với 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vào sáng ngày 12-8 tại Văn phòng UBND tỉnh, ông Nguyễn Khải, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 cho rằng, khi áp dụng Luật Đất đai 2003 vào cuộc sống, còn có những điều chưa phù hợp với thực tế nên Bộ rất muốn lắng nghe những ý kiến từ phía các doanh nghiệp để kiến nghị với Nhà nước điều chỉnh cho hoàn thiện luật.

Ngay tại buổi  tiếp xúc, các doanh nghiệp đã thẳng thắn đề nghị Vụ trưởng Nguyễn Khải giải thích một số vướng mắc đối với những vấn đề liên quan đến đất đai. Trong đó, phần lớn các thắc mắc đều xoay quanh các vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), giá thuê đất, bán đất sau khi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), đền bù đất công; việc thuê đất kể cả thuê lại đất của các doanh nghiệp để lắp đặt các công trình phục vụ dân sinh vấn đề  mua đất nông nghiệp đã đóng tiền SDĐ một lần, nhưng khi chuyển mục đích sử dụng lại phải đóng thêm lần nữa v.v... Trả lời ý kiến thắc mắc của các doanh nghiệp, ông Khải nhấn mạnh, luật quy định khi đã có quyết định cấp đất để sử dụng trong sản xuất nông nghiệp thì không được chuyển sang đất ở, nhà ở; khi được phép chuyển mục đích sử dụng, bắt buộc phải nộp tiền theo trị giá khấu trừ trước và sau khi chuyển mục đích; doanh nghiệp thuê đất chỉ được phép bán tài sản trên đất. Đối với các công trình công cộng nhưng có kinh doanh, khi nhận đất phải nộp tiền. Tuy nhiên, hiện nay Bộ TN-MT và Bộ Tài chính đang trình Chính phủ xem xét về miễn tiền SDĐ đối với ngành cấp nước.  Đối với các trường hợp đã nhận chuyển nhượng và đã đóng tiền SDĐ một lần thì không phải đóng thêm khi được phép chuyển mục đích sử dụng. Trường hợp của Công ty cao su Đồng Nai có 31.000 hécta chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, theo ông Khải là không có gì khó khăn, bởi đất cao su là đất liền thửa. Tuy nhiên, vấn đề còn tùy thuộc vào tình hình thực tế ở địa phương. Riêng ý kiến của ngành Điện, phản ánh việc các đơn vị kinh doanh yêu cầu phải thuê đất khi triển khai các công trình Điện ông Khải cho là cần có sự thống nhất, rõ ràng giữa các đơn vị kinh doanh, vì điện lực cũng là một đơn vị phục vụ thiết yếu nhu cầu của người dân...

Tại hội nghị, Vụ trưởngVụ đất đai Nguyễn Khải còn lưu ý thêm các doanh nghiệp trong việc chấp hành Luật Đất đai. Ông nói: "Có không ít dự án hoặc các công trình công bố xây dựng nhưng để "treo" thời gian dài; một số đơn vị sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác; tiến độ bố trí tái định cư cho người dân bị giải tỏa nhà, đất còn chậm; không ít công sở trước đây được giao đất nhiều nhưng lại tận dụng mặt bằng đó để kinh doanh...Những tồn tại này gây bất bình trong nhân dân và làm mất uy tín của các cơ quan Nhà nước.

* Trước đó, ngày 11-8, Đoàn Kiểm tra số 1 cũng đã đến làm việc tại huyện Nhơn Trạch. Chủ tịch UBND huyện Từ Ngọc Chiếu thẳng thắn nhìn nhận là chính quyền địa phương đã thiếu trách nhiệm nên dẫn đến nhiều trường hợp bị giải tỏa trắng nhưng không có chỗ ở, phải đi thuê phòng trọ. Nguyên nhân chậm trễ trong việc này, một phần là do áp lực của các đơn vị đầu tư muốn tiến hành xây dựng ngay, trong khi đó một số khu tái định cư chưa định hình xong. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn nợ địa phương nên không có kinh phí xây dựng các công trình tái định cư cho dân... Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ thỏa thuận với các đơn vị đầu tư đồng ý cho dân ở lại đến khi công trình hoàn  thành hoặc sẽ xin ý kiến tỉnh cho phép trả bằng tiền mặt để người dân được tái định cư theo ý nguyện riêng... Đánh giá về tình hình thực hiện Luật Đất đai ở huyện Nhơn Trạch, trưởng đoàn  Kiểm tra số 1 Nguyễn Khải cho rằng một số mặt công tác liên quan đến lĩnh vực đất đai, huyện triển khai khá tốt. Song về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo cần phải xem trong tổng số đơn thư đã giải quyết (UBND huyện thống kê đạt tỷ lệ  94%) có bao nhiêu trường hợp người dân không đồng tình. Con số này  theo ông,  chắc chắn không nhỏ, bởi ngay từ sáng sớm, trước khi đoàn làm  việc với UBND huyện đã có gần 200 người dân đến mong được bày tỏ bức xúc đã thể hiện khá rõ điều này. Trong công tác bố trí tái định cư, ông Khải cho rằng cách làm của huyện Nhơn Trạch là quá cứng nhắc. Ông nhấn mạnh: "Không nên bắt buộc dân phải chấp nhận một "mô hình" theo kiểu chung cư, hoặc cứ "ấn" người ta đến ở nơi này, nơi nọ, không phù hợp với cách sống của người nông dân. Tôi cho rằng, chúng ta phải tôn trọng quyền và sự quyết định của người dân trong việc chọn lựa nơi ở. Mặt khác, nếu giải quyết thêm một số chính sách, chẳng hạn như  miễn thuế đất nếu người dân tự tìm chỗ ở,  tôi cho rằng sẽ hạn chế được đơn thư khiếu nại...".

Tạ Nguyên

Tin xem nhiều