Báo Đồng Nai điện tử
En

Lệch hướng trong giáo dục ngoại ngữ

05:06, 11/06/2014

(ĐN)- Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 11-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội...

(ĐN)- Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 11-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận đã đăng đàn trả lời chất vấn xung quanh các vấn đề về chất lượng đào tạo hệ đại học và tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm; việc đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW; công tác quản lý xuất bản sách giáo khoa và sách tham khảo.

* Dạy và học ngoại ngữ không giống ai

Trong phần chất vấn của mình, đại biểu Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) cho rằng, kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ là kỹ năng cần thiết trong quá trình hội nhập và thực tế, trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế. Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1400 phê duyệt đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020. Tuy nhiên, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2014, Bộ GD-ĐT quyết định chuyển môn thi ngoại ngữ từ môn thi bắt buộc thành môn thi cộng điểm khuyến khích, điều này đã đi ngược lại với xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế, đồng thời lãng phí hàng ngàn tỷ đồng của đề án. Đại biểu Phạm Thị Hải đề nghị Bộ trưởng cho lý do của sự thay đổi này?

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thì chủ trương nhất quán trong giáo dục của Việt Nam là đẩy mạnh, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Vấn đề này rất được chú trọng trong quá trình xây dựng đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, qua tiến hành khảo sát chất lượng dạy và học ở tất cả cấp học, bậc học và ở các môn học, đặc biệt là trong môn ngoại ngữ cho thấy, cách dạy, học và thi ngoại ngữ của nước ta không giống với bất kỳ nước nào trên thế giới. Chúng ta dạy và học chủ yếu là ngữ pháp, thiếu thực hành, nên chất lượng đào tạo và khả năng vận dụng kiến thức ngoại ngữ vào thực tế là rất thấp và không hiệu quả. Do đó, chúng ta phải thay đổi cách dạy và học ngoại ngữ, trong thời gian chưa thay đổi được, thì chúng ta không khuyến khích phát triển dạy và học theo cách cũ. Theo đó, việc làm đầu tiên là cơ cấu, đào tạo lại hệ thống đội ngũ giáo viên ngoại ngữ; có chương trình, sách giáo khoa mới và có cơ sở, thiết bị trường lớp đáp ứng yêu cầu dạy và học ngoại ngữ hiệu quả nhất.

* Xác định hiệu quả cải cách

Trong lịch sử giáo dục, Việt Nam đã qua ba lần cải cách giáo dục và một cuộc đổi mới giáo dục phổ thông, nhưng những yếu kém của ngành vẫn tiếp tục tồn tại và chưa khắc phục được. Đại biểu Phạm Thị Hải chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa mà Bộ GD-ĐT sắp trình Quốc hội thời gian tới có khắc phục được những bất cập, yếu kém của ngành giáo dục không và đâu là giải pháp đột phá để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam?

Đại biểu Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) chất vấn tại kỳ họp
Đại biểu Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) chất vấn tại kỳ họp

Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tin rằng, với sự quan tâm đúng mức, trình tự thực hiện kỹ càng từ khâu thảo luận, khảo sát, đến tiến hành từng bước đưa vào thực tiễn, thì đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo sẽ thực sự phát huy hiệu quả và khắc phục được những tồn tại, yếu kém của giáo dục và đào tạo.

Xung quanh vấn đề cải cách giáo dục, qua trao đổi, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) cho rằng, Bộ GDĐT cần phân định, xác định trọng tâm và thứ tự ưu tiên trong tái cơ cấu giáo dục giữa hạ tầng - con người - chương trình sách giáo khoa. Theo đại biểu Trương Văn Vở, thì tất cả phải được tổ chức theo quy hoạch từ quy hoạch mạng lưới giáo dục, đến quy hoạch đội ngũ giáo viên giảng dạy và cải cách sách giáo khoa cũng cần lộ trình rõ ràng, phân kỳ thực hiện từng bước thì sẽ hiệu quả hơn.

* Quan tâm chất lượng đào tạo

Vấn đề chất lượng đào tạo ở các trường đại học cũng được các đại biểu quan tâm và chất vấn Bộ trưởng. Đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, việc đào tạo ở các trường đại học hiện nay không bám nhu cầu thực tế; chương trình đào tạo, giảng dạy không sát thực tế, dẫn đến sinh viên ra trường thiếu những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho yêu cầu công việc, do đó tình trạng thất nghiệp gia tăng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp khắc phục tình trạng này.

[links(left)]Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (đoàn Bình Định) chất vấn Bộ trưởng vấn đề có nên quy định cơ sở đào tạo phải chịu trách nhiệm về đầu ra của sinh viên, vì đại biểu Thụy cho rằng, chỉ khi xác định được trách nhiệm trong đảm bảo chất lượng đào tạo, thì việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông mới thực sự hiệu quả và phản ánh đúng nhu cầu của thị trường lao động.

Giải trình vấn đề chất lượng giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, những yếu kém trong chất lượng đào tạo đại học hiện nay chủ yếu do các nguyên nhân như: nội dung chương trình đào tạo còn tùy thuộc năng lực của từng trường, chưa có chuẩn mực chung, cách dạy và học còn thiêng về truyền đạt một chiều, chưa có tương tác, phản biện giữa thầy và trò, chưa chú trọng đào tạo kỹ năng mềm và chất lượng đào tạo ngoại ngữ chưa cao…

Để từng bước khắc phục và nâng cao chất lượng đào tạo đại học, giúp sinh viên ra trường dễ dàng tìm được việc làm, theo Bộ trưởng, hiện nay đã có sự hạn chế thành lập các trường đại học, cao đẳng. Không mở đào tạo những ngành đào tạo đã có quy mô lớn như: tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh…Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường công khai rõ chất lượng đào tạo, yêu cầu đầu vào và chuẩn đầu ra để sinh viên nắm và cân nhắc trước khi thi tuyển. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT còn phối hợp với các ngành khác để tổ chức các thiết chế, các kênh hỗ trợ cung ứng lao động sau đào tạo như: sàn giao dịch việc làm.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết, về quy định điểm sàn của kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, kỳ thi năm nay không bỏ quy định điểm sàn mà có nhiều mức điểm sàn khác nhau. Trước khi công bố các mức điểm sàn, thì Bộ GD-ĐT đã thông qua hội đồng tư vấn điểm sàn gồm: hiệu trưởng nhiều trường cao đẳng, đại học trên cả nước để điểm sàn phản ánh đúng năng lực của học sinh và cân bằng được giữa nhu cầu dạy và học của nhà trường và học sinh.

Đức Nhuận (Từ Hà Nội)

Tin xem nhiều