Báo Đồng Nai điện tử
En

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Đồng Nai đứng đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới

11:01, 25/01/2015

Ngày 24-1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã long trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2014 cho huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh. Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng.

Ngày 24-1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã long trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2014 cho huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh. Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Đồng Nai trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Thủ tướng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Những thành tựu ấn tượng

Thay mặt Chính phủ, tôi gởi lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp đến đồng chí, đồng bào tỉnh Đồng Nai. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay đã được 4 năm, trong chặng đường thực hiện nghị quyết của Đảng, ta phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh chung đó, Đảng bộ, nhân dân Đồng Nai đã phát huy truyền thống anh hùng, truyền thống yêu nước, nỗ lực vượt qua khó khăn đạt thành tựu khá toàn diện trong nhiều lĩnh vực; đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của cả nước. GDP tăng trưởng cao, bình quân 12%/năm (cả nước là 5,8%). Nếu tính về cơ cấu kinh tế, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 6%. Hạ tầng kinh tế - xã hội của Đồng Nai được đầu tư khá đồng bộ theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục… có rất nhiều tiến bộ. Riêng lĩnh vực giảm nghèo, từ tỷ lệ hộ nghèo là 6% vào năm 2011 đến nay giảm còn 1%, là tỉnh có hộ nghèo thấp nhất cả nước. Đời sống nông dân được cải thiện; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường trên cơ sở dân chủ. Hệ thống chính trị, Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, quốc phòng - an ninh được đảm bảo.

Tôi xin nhắc lại, thành tựu chung của Đồng Nai đã góp phần vào thành tựu chung của cả nước. Thay mặt Chính phủ, tôi đánh giá rất cao và biểu dương những thành tựu của Đồng Nai, nhất là trong xây dựng NTM đạt những kết quả rất ấn tượng, rất tích cực. Đến nay, Đồng Nai đã có 52/136 xã đạt chuẩn NTM (đạt trên 38%) trong khi cả nước rất cố gắng nhưng số xã NTM chỉ đạt 8,8%. Theo kế hoạch phấn đấu của các đồng chí vào năm 2015, thêm 36 xã đạt chuẩn NTM (đạt 65%) và đạt 100% vào năm 2020. Như vậy, Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong xây dựng NTM của cả nước. Mong Đảng bộ, quân, dân Đồng Nai tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được để làm tốt hơn nữa.

Yêu cầu của nông thôn mới

Chương trình quốc gia xây dựng NTM có các yêu cầu: Thứ nhất, phải có kinh tế phát triển hiệu quả, bền vững. Thứ hai, phải có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất và tái cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống. Thứ ba, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn nông thôn được cải thiện tốt hơn. Thứ tư, có môi trường sống ngày càng tốt hơn. Thứ năm, phải xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Phải có một hệ thống chính trị vững mạnh cả về Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể; bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn. Những nội dung, yêu cầu này được cụ thể hóa bằng 19 tiêu chí. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện được những nội dung, yêu cầu này trên địa bàn nông thôn là đã cụ thể hóa việc thực hiện mục tiêu dâu giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trước hết phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn vì Việt Nam có hơn 80% diện tích đất nông nghiệp với 70% dân số ở nông thôn. 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước được thực hiện ngay từ từng gia đình, từng khu dân cư.

Xây dựng NTM đã cụ thể hóa Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng chính là cụ thể hóa nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng của đất nước ta. Đây phải được xem là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Phương châm phát triển bền vững cần dựa vào 3 trụ cột: kinh tế hiệu quả bền vững; môi trường bền vững và xã hội bền vững. Theo đó, xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tiếp tục nỗ lực. Mục tiêu chung của cả nước vào năm 2015 sẽ đạt được 20% số xã đạt chuẩn NTM, 2020 đạt 50% số xã. Như vậy, Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong phong trào của cả nước thực hiện thắng lợi, thành công xây dựng NTM. điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong mục tiêu xây dựng NTM của cả nước. 

Giải pháp thực hiện

Để đạt các mục tiêu đề ra, có 4 nhóm giải pháp mà cả nước phải tập trung chỉ đạo để xây dựng NTM nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Thứ nhất, muốn phong trào xây dựng NTM đạt hiệu quả thì trước hết, có ý nghĩa quyết định là trong công tác chỉ đạo. Toàn bộ hệ thống chính trị phải nhận thức sâu sắc về ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng NTM, và thực sự xem NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của mình. Từ đó có chương trình, có kế hoạch, có kiểm tra, có đôn đốc, có bố trí cán bộ… Đồng thời, phải vận động người dân nhận thức rõ họ là chủ thể của phong trào; là sự nghiệp của nhân dân, do dân mà làm, vì lợi ích của người dân. Từ đó, đóng góp chung cho lợi ích của cả nước.

Thứ hai, phải chỉ đạo, lãnh đạo một cách sáng tạo, phù hợp, cụ thể trên từng địa bàn. 19 tiêu chí NTM mang tính hướng dẫn chung, từng địa phương trên cơ sở yêu cầu chung đó phải cụ thể hóa cho sát, đúng, phù hợp với tình hình địa phương. Có nhóm tiêu chí cứng phải đạt, có nhóm tiêu chí mềm có thể vận dụng tùy tình hình thực tế. Theo quy định, Trung ương chỉ có 39 chỉ tiêu, Đồng Nai đề ra 54 chỉ tiêu và phải tiếp tục thực hiện trên tinh thần những chỉ tiêu này không ngừng được nâng lên. Trong đó, yêu cầu đầu tiên là kinh tế phát triển, thu nhập người dân không ngừng tăng lên.

Thứ ba, rất mong Đồng Nai và các địa phương vận dụng một cách sáng tạo các chính sách của Đảng và Nhà nước, từ nguồn lực của mình, nguồn lực của nhân dân để xây dựng NTM, trong đó có những chính sách rất quan trọng cần chú ý. Cụ thể, chính sách khuyến khích đưa khoa học - công nghệ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, vì đây là yếu tố hàng đầu để phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững. Thực tế, Đồng Nai đã vận dụng rất sáng tạo, rất hiệu quả chính sách này thông qua chương trình chuyển đổi giống cây trồng, xây dựng nhiều mô hình hay phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Địa phương cần vận dụng sáng tạo chính sách khuyến khích về thuế, mặt bằng, vốn tín dụng… thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn; chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ ngay trên địa bàn nông thôn trên tinh thần “ly nông không ly hương”. Vận dụng chính sách để khuyến khích mô hình liên kết giữa sản xuất, bao tiêu đảm bảo đầu ra cho nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề… Trung ương đã có chính sách nhưng vẫn chưa đủ, địa phương phải vận dụng một cách sáng tạo để hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người lao động làm nông nghiệp tốt hơn, để năng suất lao động tăng hơn… nhằm đẩy nhanh xây dựng NTM.

Thứ tư, để xây dựng NTM ngoài quyết tâm, cơ chế chính sách, phải có nguồn lực, nguồn vốn. Chính phủ đang xin Quốc hội và các cấp có thẩm quyền để bổ sung vốn cho chương trình này. Địa phương cũng phải huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, từ nguồn lực Nhà nước của Trung ương, địa phương cho đến nguồn lực của doanh nghiệp, người dân đóng góp. Không ỷ lại, trông chờ mà chủ động huy động cao nhất các nguồn lực để thực hiện sự nghiệp của dân, do dân, vì dân.

* Tựa đề và các tít phụ do Báo Đồng Nai đặt.

 

Tin xem nhiều