Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương lần thứ I

03:02, 16/02/2016

(ĐN) - Ngày 16-2, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ I để thống nhất về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

(ĐN) - Ngày 16-2, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ I để thống nhất về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Chủ tọa Hội nghị hiệp thương lần thứ I.
Chủ tọa Hội nghị hiệp thương lần thứ I.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trần Văn Tư, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Huỳnh Văn Hồng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ tỉnh, Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã biểu quyết nhất trí với Tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Cụ thể, tổng số đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV sẽ có 12 người. Trong đó, số đại biểu do Trung ương giới thiệu là 5 đại biểu; số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 7 đại biểu, bao gồm 1 lãnh đạo chủ chốt của tỉnh; 1 đại biểu chuyên trách; 3 đại biểu cho công đoàn, quân đội, doanh nghiệp và 2 đại biểu thuộc các sở, ngành của tỉnh. Tổng số người được giới thiệu ứng cử là 20 đại biểu, trong đó có 5 đại biểu do Trung ương giới thiệu và 15 đại biểu do tỉnh giới thiệu. 

 Đồng chí Trần Văn Tư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Số lượng đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 được bầu là 88 đại biểu. Số lượng người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa IX là 147 đại biểu, trong đó có 53 đại biểu nữ (chiếm tỷ lệ trên 36%); 15 đại biểu ngoài Đảng (chiếm tỷ lệ hơn 10%); 147 đại biểu trí thức (chiếm tỷ lệ 100%); 2 đại biểu dân tộc ít người (chiếm tỷ lệ 1,36%); 1 đại biểu tôn giáo (chiếm tỷ lệ 0,68%). Về cơ cấu chính trị xã hội, có 6 đại biểu khối Đảng; 12 đại biểu là thường trực và 3 ban của HĐND tỉnh; 3 đại biểu thuộc UBND tỉnh; 12 đại biểu khối MTTQ và các đoàn thể; 6 đại biểu hội nghề nghiệp; 11 đại biểu khối doanh nghiệp, hợp tác xã; 4 đại biểu khối tư pháp; 4 đại biểu lực lượng vũ trang; 37 đại biểu khối sở, ban, ngành; 13 đại biểu khối sự nghiệp; 3 đại biểu dân tộc ít người và tôn giáo; 36 đại biểu cấp huyện.

Thảo luận tại hội nghị, một số ý kiến đề nghị thay đổi cơ cấu đại biểu Quốc hội đại diện cho tôn giáo thành đại diện cho doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh cơ cấu đại biểu ở các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp để có cơ cấu đại biểu ở các đơn vị sự nghiệp nông nghiệp, khoa học -công nghệ, hợp tác xã, lực lượng công nhân, nông dân sản xuất giỏi để góp tiếng nói trong việc xem xét, triển khai các chủ trương chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các đại biểu đã biểu quyết thông qua biên bản hội nghị Hiệp thương lần thứ I.
Các đại biểu đã biểu quyết thông qua biên bản hội nghị Hiệp thương lần thứ I.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chủ tọa hội nghị cho rằng, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đã được thực hiện đúng quy định của pháp luật; các kiến nghị của đại biểu tham dự hội nghị rất xác đáng và hợp lý, mang tính chất đại diện cho các tổ chức chính trị, xã hội và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh,Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến của các đại biểu kiến nghị tại Hội nghị hiệp thương lần thứ I và cho biết, Thường trực HĐND tỉnh sẽ có tiếp thu, cân nhắc để có bố trí hợp lý giữa các đơn vị, địa phương, các giới, nhất là các ý kiến về việc điều chỉnh cơ cấu đại biểu HĐND tỉnh đại diện cho nông dân, công nhân sản xuất giỏi rất xác đáng. Thường trực HĐND tỉnh sẽ có xem xét, điều chỉnh trên cơ sở bảo đảm thực sự là cơ quan đại diện của nhân dân, thể hiện được quyền lực của nhân dân.

* Cùng ngày, một số địa phương trong tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử vào HĐND huyện khóa VI, nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngọc Thư 

 

 

 

 

Tin xem nhiều