Báo Đồng Nai điện tử
En

Xét xử 5 cán bộ bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành

10:12, 27/12/2016

(ĐN)- Ngày 27-12, Tòa án Nhân dân huyện Nhơn Trạch đã mở phiên tòa xét xử 5 cán bộ bảo vệ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành về tội hủy hoại tài sản...

(ĐN)- Ngày 27-12, Tòa án Nhân dân huyện Nhơn Trạch đã mở phiên tòa xét xử 5 cán bộ bảo vệ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành về tội hủy hoại tài sản. 5 bảo vệ bị đưa ra xét xử, gồm: Phạm Văn Ẩn (54 tuổi); Phạm Đức Tú (28 tuổi); Trương Văn Lớn (47 tuổi); Lê Văn Lang (52 tuổi) và Lê Ngọc Tuân (30 tuổi).

5 bảo vệ tại phiên tòa
5 bảo vệ tại phiên tòa

Phiên tòa bắt đầu vào lúc 8 giờ 45. Cả 5 bị cáo được tại ngoại để điều tra đều đã có mặt đầy đủ tại phiên tòa. Hội đồng xét xử cũng đã triệu tập các nhân chứng của vụ án là một số cán bộ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành và một số người dân liên quan. Về phía bị hại, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (34 tuổi, ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) và chồng là ông Đỗ Kiều Phong cũng đã có mặt tại phiên tòa.

Theo cáo trạng do Viện kiểm sát Nhân dân huyện Nhơn Trạch công bố tại phiên tòa, năm 2002, Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành ký hợp đồng giao khoán 18 hecta đất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại khu vực Tắc Hông, sông Thị Vải (thuộc ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) cho ông Nguyễn Văn Lộc (ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) quản lý, bảo vệ rừng và kết hợp nuôi trồng thủy sản. Đến tháng 7-2014, ông Lộc đã ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc tiếp tục thực hiệp hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành.

Đến ngày 20-2-2016, bảo vệ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành phát hiện bà Ngọc tự ý xây dựng chòi canh tôm bằng bê tông cốt thép với diện tích khoảng 20m2 ngay giữa đùng tôm nên đã đến lập biên bản và báo cáo với Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành. Sau đó 2 ngày, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành đã có công văn gửi UBND xã Phước An đề nghị phối hợp xử lý việc xây dựng trái phép của bà Ngọc.

Ngay sau đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành cũng đã có thông báo gửi cho ông Lộc thông báo về việc chấm dứt hợp đồng giao khoán trước thời hạn với ông này do vi phạm hợp đồng.

Đến ngày 25-2, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành đã có công văn chỉ đạo lực lượng bảo vệ gồm 11 người triển khai kiểm tra, ngăn chặn việc xây dựng trái phép của bà Ngọc. Ngày 26-2, đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành phối hợp với Công an xã Phước An đến khu vực xây dựng chòi tôm của bà Ngọc để xác minh và ghi nhận, tại đây có 43 bao xi măng, 4m3 cát, 2m3 đá, sắt… nên đã thông báo cho bà Ngọc biết đơn vị đã chấm dứt hợp đồng với ông Lộc do phát hiện hành vi xây dựng trái phép của bà (đồng thời bà Ngọc, người được ông Lộc ủy quyền cũng đã bị chấm dứt).

Bà Ngọc và chồng đến phiên tòa với vai trò là người bị hại.
Bà Ngọc và chồng đến phiên tòa với vai trò là người bị hại.

Tuy nhiên, đến khoảng 13 giờ 30 cùng ngày, bảo vệ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành đến hiện trường vẫn thấy 4 thợ xây đang tiếp tục xây dựng trái phép tại công trình của bà Ngọc. Thấy vậy, các bảo vệ gồm: Trần Văn Tròn, Nguyễn Minh Tuấn, Hà Duy Cường, Trương Văn Lớn, Phạm Văn Ân, Đàm Văn Đắc, Lê Văn Lang, Phạm Đức Tú, Lê Ngọc Tuân, Phan Phi Phụng và Trần Văn Lũy đã đến yêu cầu bà Ngọc dừng ngay việc thi công.

Tại đây, các ông: Tú, Đắc, Tròn đã yêu cầu các thợ xây đang làm việc cho bà Ngọc về trụ sở UBND xã Phước An để làm việc nhưng đã bị ông Nguyễn Văn Ni (cha bà Ngọc) cản lại. Lúc này 3 bảo vệ Lang, Tú, Đắc đã khống chế và trói ông Ni lại để Tròn tiếp tục vào chòi mời thợ xây về trụ sở làm việc. Khi bảo vệ đưa được 3 thợ xây xuống ghe về trụ sở để làm việc thì bảo vệ Đắc đã cởi trói cho ông Ni và đưa ông này lên khỏi ghe. Cùng lúc này 5 bảo vệ Ân, Tú, Lớn, Lang, Tuân đã ném 40 bao xi măng của bà Ngọc xuống đùng tôm làm hỏng toàn bộ số tài sản này.

Sang ngày 27-2, phát hiện trong đêm 26-2, công trình của bà Ngọc vẫn tiếp tục được xây dựng trái phép nên hai bảo vệ là Lê Ngọc Tuân và Nguyễn Minh Tuấn đã tháo gỡ 4 khung sắt tại đây ném xuống đùng tôm.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch xác định, số xi măng (trị giá 3,4 triệu đồng) và sắt thép (trị giá hơn 300 ngàn đồng) của bà Ngọc bị ném xuống đùng tôm đã bị hư hỏng hoàn toàn. Ngoài ra, bà Ngọc còn khai nhận bị mất 2 điện thoại trong lúc giằng co với các bảo vệ; 30 tấm ván ép (trị giá hơn 3 triệu đồng) cũng bị ném xuống đùng tôm.

Khi Chủ tọa phiên tòa hỏi nội dung cáo trạng truy tố các bị cáo về hành vì có đúng pháp luật không, thì bị cáo Phạm Văn Ẩn cho rằng, việc truy tố là đúng. Theo bị cáo Ẩn, xuất phát từ việc nóng vội nên bị cáo mới có hành vi sai trái như vậy.

Khi được hỏi về việc có được ai chỉ đạo thực hiện các hành vi hủy hoại tài sản của người dân ở khu vực này, thì các bị cáo đều cho rằng, hoàn toàn không có sự chỉ đạo nào. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng thấy người dân xây dựng trái phép nên đã “tự xử” vì muốn nhanh chóng giải quyết các sai phạm này của dân để không ảnh hưởng đến tình hình chung của đất rừng trong khu vực.

Trình bày tại phiên tòa, ông Vũ Thanh Bình, Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành đã gửi lời xin lỗi đến bà Ngọc và gia đình vì nhân viên của mình đã gây ra những thiệt hại nói trên. Ông Bình cho biết: “Gặp trường hợp này anh em phải bảo vệ hiện trường và báo cáo cho ban quản lý. Nhưng do quá nóng nảy nên anh em đã xử lý vượt quá thẩm quyền nên mới dẫn đến những sai phạm như vậy”.

Với tư cách là nhân chứng của vụ án, ông Ni (bố bà Ngọc) cho biết, sự việc hôm đó ông không nhớ chi tiết, nhưng với những gì đã diễn ra là rất khủng khiếp. “Đó là một bữa rất khủng khiếp, nhiều người đã đến đánh đập con tôi, bắt trói tôi đó hoàn toàn là một sự cố ý” - ông Ni cho biết. Theo ông Ni, những thiệt hại do các bảo vệ gây ra cho con ông (bà Ngọc) là rất lớn. Tại phiên tòa, ông Ni mong muốn tòa án phải có xét xử công bằng.

Riêng về phần mình, bà Ngọc cho rằng, những thiệt hại mà cơ quan điều tra liệt kê là chưa đủ. Sự việc hôm đó đã gây nhiều thiệt hại khác cho bà và gia đình.

Buổi chiều phiên tòa tiếp tục làm việc với phần xét hỏi.

Bị hại của vụ án đã từng bị bắt giam

Trước đó, như thông tin đã phản ảnh, trước khi khởi tố vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc về hành vi chống người thi hành công vụ. Vụ việc xảy ra từ tháng 9-2015 (cách thời điểm vụ án được khỏi tố khoảng 6 tháng). Cụ thể, sau khi nhận tin báo của người dân về tình trạng khai thác cát trên sông Thị Vải gây ô nhiễm, công an đã đến lập biên bản đưa ghe vào bờ nhưng bà Ngọc đã cản trở vì cho rằng công an xử lý không khách quan.

Tuy nhiên, khi bà Ngọc bị bắt tạm giam 4 ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch xác định, việc khởi tố bà Ngọc là sai nên đã trả tự do và đình chỉ điều tra đối với bà Ngọc. Sau đó, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch đã công khai xin lỗi bà Ngọc.

Liên quan đến vụ việc này, Thượng tá Trương Quốc Hiếu, Phó trưởng công an huyện cũng đã bị đình chỉ công tác và xử lý kỷ luật. Ngoài ra, một điều tra viên và cán bộ Viện kiểm sát huyện Nhơn Trạch cũng bị xử lý kỷ luật.

Trần Danh

 


 

Tin xem nhiều