Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần đổi mới tư duy trong tái cơ cấu nông nghiệp

09:12, 23/12/2019

(ĐN) - Chiều 23-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020. 

(ĐN) - Chiều 23-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020. Tham gia hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Chu Ngọc Anh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai tham gia phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của ngành nông nghiệp
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai tham gia phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của ngành Nông nghiệp

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết: Năm 2019, ngành Nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại chưa từng có cho ngành chăn nuôi (làm giảm 1,1% tăng trưởng toàn ngành). Tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, sạt lở, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn. Cả nước đã tiêu hủy hơn 342 ngàn tấn thịt heo và ngân sách chi ra hơn 5 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh này.

Bên cạnh đó, tuy công tác phòng chống thiên tai đã được triển khai chủ động, bài bản hơn nên đã giảm thiệt hại so với năm 2018 nhưng trong năm 2019 vẫn có 130 người chết, thiệt hại khoảng 7 ngàn tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn khẳng định dù khó khăn nhưngngành Nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ước tính tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2%. Ngành Nông nghiệp chủ động điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, cơ cấu sản xuất phù hợp, dựa trên lợi thế, thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Cụ thể, cả nước chuyển đổi khoảng 100 ngàn hécta lúa có khả năng bị hạn, thiếu nước tưới sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có thu nhập cao hơn. Năm 2019, cả nước có trên 39 ngàn hécta cây trồng được chứng nhận VietGAP.

Đây cũng là năm xuất khẩu nông sản đối mặt với nhiều thách thức như: Tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn làm cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản chủ lực luôn đứng trước những rủi ro; nhiều quy định mới về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn; các mặt hàng nông sản giảm giá từ 10-15%...

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng trên 3% so với năm 2018. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng trên 19% so với năm 2018. Cả nước tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ (đứng đầu với trên 11 tỷ USD); tôm, rau, hạt điều.

Riêng thành tích nổi bật của Đồng Nai trong năm nay là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Điểm nổi bật khác là tỉnh hiện có 120 chuỗi liên kết sản xuất nông sản; có 12 mã số vùng trồng cho nhiều sản phẩm như: ca cao, xoài, chôm chôm…xuất khẩu vào các thị trường khó tính. 90% tổng đàn heo, gà của Đồng Nai truy xuất được nguồn gốc; xuất khẩu tốt sản phẩm thịt gà vào thị trường Nhật Bản. Đồng Nai cũng có thành tích nổi bật trong phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp với nhiều mô hình ấn tượng như: sản xuất phân bón hữu từ phân gà; trong ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống…

Đinh hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hiện ngành Nông nghiệp đang đứng trước 3 thách thức lớn là: cạnh tranh quyết liệt trong thương mại toàn cầu, trong đó xu hướng chiến tranh thương mại có nhiều diễ nbiến phức tạp, kể cả với sản phẩm nông nghiệp; tình hình dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Nhưng vẫn có nhiều thời cơ cho nông nghiệp Việt Nam khi nhiều thị trường lớn mở cửa cho nông sản Việt. Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn cần phối hợp tốt với các Bộ, ngành để tìm thị trường, tìm nguồn vốn phát triển nông nghiệp. Trong đó, ủng hộ thị trường xuất khẩu chính ngạch thay cho xuất khẩu tiểu ngạch có quá nhiều vấn đề, rủi ro.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Kết quả đạt được và những kinh nghiệm rút ra trong năm 2019 là cơ sở đặt ra tầm nhìn phát triển cho ngành Nông nghiệp trong năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Các địa phương cần tạo được động lực mới, khí thế mới; không để tư duy cũ tiếp tục tồn tại trong tái cơ cấu nông nghiệp.

Tin, ảnh: Bình Nguyên

Tin xem nhiều