Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vượt dự kiến

08:07, 04/07/2022

Ngày 4-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong 6 tháng đầu năm và triển khai những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Ngày 4-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong 6 tháng đầu năm và triển khai những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai có các đồng chí Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh và các phó chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, địa phương.

Theo Bộ KH-ĐT, GDP quý II-2022 tăng hơn 7,7%, cao nhất so với quý II của các năm trong giai đoạn 2011-2022. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn dự kiến kịch bản. Kim ngạch xuất khẩu 185 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 2,44%, thu hút đầu tư nước ngoài hơn 10 tỷ USD. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.

* Thế giới đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam

Trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp; xung đột tại Ukraine khiến giá dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, nhưng kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam có xu hướng khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Từ đầu năm đến nay, nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước được tổ chức thành công, tạo nên khí thế mới, xung lực mới. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội là hơn 1.301 ngàn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Có 76,2 ngàn DN thành lập mới, tăng 13,6% và nguồn vốn DN đăng ký thành lập mới tăng thêm là 2.730 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 30%... Kinh tế tiếp tục phục hồi đồng đều trên tất cả các ngành, lĩnh vực, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định tỷ giá, lãi suất, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 - Ảnh: VPG
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 - Ảnh: VPG

Có được kết quả trên là do sự lãnh đạo của Đảng, ủng hộ của Quốc hội và Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đã tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, yếu kém, điểm nghẽn của nền kinh tế. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ các DN về vốn, giảm lãi suất, thuế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, những kết quả Việt Nam đạt được sẽ càng rõ nét nếu so sánh với tình hình thế giới. Cụ thể, GDP của Việt Nam tăng cao trong khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Tiền tệ của nhiều nước mất giá từ 8-12%, nhưng Việt Nam rất ổn định, chỉ khoảng 2%, giúp nền kinh tế vĩ mô ổn định tăng trưởng cao.

Từ đầu năm đến nay, thế giới quay cuồng trong lạm phát nhưng Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng kinh tế cao, hàng hóa dồi dào. Do đó, thế giới đánh giá rất cao về công tác điều hành phát triển kinh tế của Việt Nam. 

* Mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7%

Theo nhận định các bộ, ngành, địa phương, tình hình kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại, dịch bệnh Covid-19 có thể quay trở lại, nhiều nước đều đánh giá lạm phát vẫn chưa lên tới đỉnh điểm. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đòi hỏi các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm phải đồng bộ, xác định rõ mục tiêu ưu tiên. Trong đó, Chính phủ tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách để thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các dự án có thể triển khai thuận lợi. Nếu giữ được nền kinh tế ổn định như 6 tháng đầu năm thì GDP năm 2022 tăng trưởng 7% hoặc cao hơn nữa.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: H.Giang
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: H.Giang

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tình hình sắp tới còn rất nhiều thách thức, do đó phải kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, nếu giá cả tiếp tục leo thang nữa nên có chính sách tiếp tục hỗ trợ DN, người dân.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược, quy mô lớn, hạ tầng số, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn các nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn với mục tiêu trung và dài hạn là nâng cao năng suất, năng lực nội tại, tính tự chủ và cơ cấu lại nền kinh tế. Tìm nguyên nhân tại sao giải ngân vốn đầu tư công thấp và phải tìm giải pháp xử lý. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án mới để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG cho biết, hơn 2 năm qua, dù dịch bệnh nhưng tỉnh vẫn tập trung nguồn lực để giải phóng mặt bằng cho cảng hàng không quốc tế Long Thành và hiện chỉ còn lại diện tích khoảng 60ha. Tỉnh sẽ tiến hành thu hồi đất và giao cho chủ đầu tư sớm để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đồng Nai cũng đã thành lập Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư để giải quyết nhanh công tác bồi thường cho các dự án quan trọng.

Hương Giang

Tin xem nhiều