Báo Đồng Nai điện tử
En

Hình thành vùng bưởi da xanh Bình Lợi

04:11, 07/11/2019

Những năm gần đây, hàng chục hécta đất ruộng, đất trồng mía, tràm cho hiệu quả kinh tế kém trên địa bàn xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) đã được nông dân chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm gần đây, hàng chục hécta đất ruộng, đất trồng mía, tràm cho hiệu quả kinh tế kém trên địa bàn xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) đã được nông dân chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vườn bưởi da xanh đang được chăm sóc theo hướng hữu cơ của ông Lương Quốc Hùng (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh:T.Mộc
Vườn bưởi da xanh đang được chăm sóc theo hướng hữu cơ của ông Lương Quốc Hùng (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh:T.Mộc

Với mô hình chuyển đổi này, đời sống kinh tế của người dân xã Bình Lợi đang ngày càng được cải thiện. Diện mạo nông thôn của xã có nhiều khởi sắc bởi cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống trường, trạm y tế…phát triển đồng bộ, tạo nền tảng cho Bình Lợi xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

* Đổi đời từ chuyển đổi cây trồng

Là thế hệ nông dân đầu tiên chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang cây bưởi da xanh, ông Bùi Văn Kịch (ngụ ấp 5, xã Bình Lợi) cho biết, gia đình ông có 1,9 hécta đất trồng lúa, canh tác từ nhiều đời nay.

Những năm gần đây, giá trị sản phẩm nông nghiệp trung bình trên địa bàn xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) đạt 213 triệu đồng/hécta/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, từ 36,5 triệu đồng/người/năm (năm 2004) lên 61,4 triệu đồng/người/năm (năm 2017). Công tác an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, gia đình chính sách… được chú trọng. Đến nay, trên địa bàn xã chỉ còn 2/1.782 hộ nghèo, chiếm 0,1%.

Tuy nhiên, do là đất ruộng khô cằn nên mỗi năm chỉ được 1 vụ lúa, thu nhập sau khi trừ chi phí chăm sóc chỉ còn khoảng 12-14 triệu đồng/hécta/năm. Thấy một số tỉnh miền Tây chuyển đổi cây trồng từ đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Kịch tìm đến học hỏi kinh nghiệm để áp dụng trên đất của mình.

Năm 2005, 4 sào ruộng đầu tiên được ông thử nghiệm trồng bưởi da xanh, sau 3 năm chăm sóc, vườn bưởi của ông cho vụ thu hoạch đầu tiên và bán được giá tương đối cao. Thấy giá trị từ cây bưởi mang lại tốt hơn, ông Kịch tiếp tục chuyển đổi dần diện tích lúa còn lại sang trồng bưởi. Hiện tại, trung bình mỗi năm ông Kịch có thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/hécta bưởi da xanh.

Tương tự, ông Lương Quốc Hùng (ngụ ấp 4, xã Bình Lợi) hào hứng cho biết, trước kia gia đình ông Hùng trồng mía, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/hécta. Năm 2013, ông Hùng bắt đầu chuyển 1,5 hécta vườn mía của mình sang trồng bưởi. Sau 3 năm chăm sóc, mùa thu hoạch đầu tiên ông Hùng mang về 100 triệu đồng, đủ chi phí chăm sóc cho 3 năm. Đến năm thu hoạch tiếp theo, ông Hùng thu về 700 triệu đồng từ vườn bưởi. Đến thời điểm hiện tại, vườn bưởi của ông đã thu về 900 triệu đồng, dự kiến đến hết vụ Tết, ông Hùng có tổng thu nhập khoảng 1 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với thu nhập từ trồng mía cách đây 5 năm.

Hiện nay, xã Bình Lợi có khoảng 100 hộ dân trồng bưởi da xanh. Phần lớn những nông dân này chuyển đổi từ cây lúa, cây mía sang trồng bưởi. Đặc biệt, khoảng 5 năm trở lại đây, tốc độ chuyển đổi cây trồng tăng nhanh. Đến nay, đã có trên 50 hécta đất ruộng khô cằn, đất trồng mía kém hiệu quả được nông dân chuyển sang trồng bưởi, nâng tổng diện tích trồng bưởi của xã lên 217 hécta. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt nên các vườn bưởi tại xã Bình Lợi cho năng suất cao, giá bán khá ổn định và nông dân có lãi.

* Phát triển theo hướng hữu cơ

Để đầu ra cho trái bưởi da xanh được ổn định và hiệu quả kinh tế cao, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - tổng hợp Bình Lợi (HTX Bình Lợi) được thành lập. Đây được xem là đầu mối hỗ trợ nông dân trồng bưởi có cơ sở để tìm kiếm đối tác, hợp tác tiêu thụ sản phẩm cũng như chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác.

Vườn bưởi của ông Bùi Văn Kịch, hộ dân đầu tiên chuyển đổi thành công cây trồng năm 2005.
Vườn bưởi của ông Bùi Văn Kịch, hộ dân đầu tiên chuyển đổi thành công cây trồng năm 2005. Ảnh:T.Mộc

Từ năm 2017 đến nay, HTX Bình Lợi đã ký được hợp đồng cung cấp 1,5 ngàn tấn bưởi/năm cho một số đối tác, trong đó, phần lớn cung cấp vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây.

Để chất lượng trái bưởi da xanh ngày càng được nâng cao và có thêm những thị trường riêng, đặc biệt là các đối tượng khách lẻ, có thu nhập khá trở lên muốn dùng bưởi sạch, chất lượng cao, một số nông dân trồng bưởi đang hướng tới sản xuất theo hướng hữu cơ.

Ông Lương Quốc Hùng cho biết, ông và một số nông dân khác trong vùng vừa thành lập Câu lạc bộ Hữu cơ để cùng nhau nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng trái bưởi. Hiện tại vườn bưởi của ông Hùng đã được chăm sóc theo hướng hữu cơ 50%. Ông Hùng cũng tự ủ phân từ cá, dùng tro than và các loại thuốc sinh học để chăm sóc cây. “Trong tương lai không xa vườn bưởi của tôi và các thành viên Câu lạc bộ Hữu cơ sẽ trở thành những vườn bưởi hữu cơ hoàn toàn. Tôi đang nhắm tới thị trường khách lẻ tại các khu dân cư, đô thị có thu nhập khá, chúng tôi sẽ cung cấp giao hàng tận nơi theo yêu cầu và bảo đảm về chất lượng trái bưởi với khách hàng. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có thời gian nghiên cứu nhiều hơn nữa” - ông Hùng cho biết thêm.

Ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi cho biết, trên địa bàn xã hiện có 2 cây trồng chủ lực là cây lúa (400 hécta) và cây bưởi da xanh (217 hécta). Dự kiến đến năm 2025, diện tích trồng bưởi của xã Bình Lợi sẽ tăng lên khoảng trên 300 hécta, từ những diện tích trồng cây tràm, trồng lúa, trồng mía kém hiệu quả. Thời gian tới, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Vĩnh Cửu hỗ trợ địa phương xây dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm bưởi da xanh.

Thủy Mộc

Tin xem nhiều