Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án cánh đồng lớn ca cao xen điều: Không đạt mục tiêu kỳ vọng

08:02, 21/02/2023

Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt dự án Cánh đồng lớn (CĐL) liên kết sản xuất, tiêu thụ ca cao xen canh cây điều trên địa bàn xã An Viễn (H.Trảng Bom) với mục tiêu năm 2023 đạt khoảng 1 ngàn ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án CĐL ca cao xen điều mới chỉ được gần 50ha.

Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt dự án Cánh đồng lớn (CĐL) liên kết sản xuất, tiêu thụ ca cao xen canh cây điều trên địa bàn xã An Viễn (H.Trảng Bom) với mục tiêu năm 2023 đạt khoảng 1 ngàn ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án CĐL ca cao xen điều mới chỉ được gần 50ha.

Khu sơ chế ca cao tại vùng dự án cánh đồng lớn ca cao xen điều của chủ đầu tư
Khu sơ chế ca cao tại vùng dự án cánh đồng lớn ca cao xen điều của chủ đầu tư. Ảnh: H.Lộc

Vì sao một dự án được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, được đảm bảo về đầu ra lại không phát triển được?

* Chưa đạt 5% mục tiêu diện tích

Đã hết thời gian 7 năm theo Quyết định số 493/QĐ-UBND ngày 20-2-2017 của UBND tỉnh nhưng các mục tiêu như: tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho hoạt động tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ ca cao với quy mô diện tích lớn; đầu tư nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu và đặc biệt là dự án CĐL ca cao xen điều không đạt được.

Chủ tịch UBND xã An Viễn Lê Văn Thuân chia sẻ, thời điểm dự án được phê duyệt có 55 hộ đăng ký tham gia với diện tích hơn 110ha, nhưng khi triển khai trồng, nhiều hộ đổi ý không tham gia. Hiện dự án này đạt khoảng 46ha, bằng gần 5% mục tiêu diện tích, trong đó có khoảng 41ha đang cho thu hoạch.

“Năm 2021 và 2022, xã thống kê danh sách rồi đến từng hộ vận động trồng ca cao xen vào vườn điều hiện hữu, nhưng chỉ thêm được 5ha” - ông Thuân nói.

Dự án CĐL ca cao xen điều được phê duyệt năm 2017, mục tiêu đến năm 2023 đạt khoảng 1 ngàn ha. Hiện dự án mới đạt khoảng 46ha, tổng kinh phí đã chi hỗ trợ cho vùng dự án gần 473 triệu đồng.

Không những không đạt mục tiêu mà diện tích đăng ký ban đầu cũng không thực hiện được, CĐL bị thu hẹp.

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Viễn Nguyễn Danh Uy đã chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một là, những năm qua điều mất mùa, giá thấp, không có lãi nên nông dân có xu hướng chuyển sang trồng tràm, cây ăn quả. Hai là, đất “sốt” giá, nông dân đã bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp nên khó duy trì và phát triển thêm diện tích. Ba là, nhiều nông dân đã chuyển sang làm công nhân, thương mại dịch vụ.

Vì không đạt diện tích như mong muốn nên chủ đầu tư và cũng là đơn vị hợp đồng bao tiêu sản phẩm là Công ty TNHH Bamboo Agriculture (trụ sở tại TP.HCM) không đầu tư nhà máy chế biến như kế hoạch ban đầu mà chỉ làm cơ sở sơ chế ca cao tạm.

Ông Nguyễn Văn Bốn (ngụ ấp 4, xã An Viễn) chia sẻ, gia đình ông có 0,8ha điều nhưng không tham gia dự án CĐL bởi điều đã già cỗi.

“Tôi dự định chuyển sang trồng tràm chứ không làm điều nữa. Cây điều phụ thuộc nhiều vào thời tiết, gặp sương muối có khi lỗ tiền phân, thuận lợi thì lời được 30-40 triệu đồng/ha/năm” - ông Bốn cho hay.

* Đề xuất dự án mới

Theo Phòng Kinh tế H.Trảng Bom, thời điểm dự án được phê duyệt, xã, huyện và phía công ty đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; thực hiện hỗ trợ chi phí, giống và hệ thống tưới tiết kiệm cho bà con. Cùng với đó, địa phương đầu tư các tuyến đường giao thông, lưới điện tạo thuận lợi cho sản xuất và vận chuyển nông sản. Nhưng vì các lý do nêu trên, việc duy trì và phát triển CĐL ca cao xen điều gặp khó khăn.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Viễn Đường Minh Giang đánh giá, vấn đề không phải là dự án không hiệu quả về kinh tế. Thực tế, các hộ đã trồng ca cao xen điều cho lợi nhuận gấp 2-3 lần so với chỉ trồng chuyên canh cây điều. Hiện nhiều hộ đã chuyển sang làm dịch vụ, không “mặn mà” với nông nghiệp nữa; đất đã bán cho người khác, chỉ tận thu nông sản còn lại trên đất chứ không đầu tư sản xuất.

“Trồng ca cao xen điều có thể đạt lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha, gấp 3 lần so với trước, nhưng với điều kiện phải chăm sóc, thu hái thường xuyên. Trồng ca cao xen canh mà không chăm sóc thường xuyên năng suất sẽ rất thấp” - ông Giang chia sẻ.

Theo Phó trưởng phòng Kinh tế H.Trảng Bom Nguyễn Thị Thu Giang, dự án CĐL ca cao xen điều theo quyết định của tỉnh đã hết hạn. Vào cuối năm 2022, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (trước đây là Công ty TNHH Bamboo Agriculture) đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở NN-PTNT và UBND H.Trảng Bom đề xuất làm dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ ca cao trên địa bàn các xã: Sông Trầu, Đông Hòa, Trung Hòa, Hưng Thịnh và Bình Minh. Dự án có quy mô 58ha, thời gian thực hiện từ 2022-2032 (10 năm). Dự án chưa được duyệt nên huyện chưa tuyên truyền nông dân các xã trồng ca cao và thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Hiện tại, H.Trảng Bom vẫn là địa phương có diện tích điều lớn, nhưng diện tích này ngày càng giảm do điều già cỗi, nông dân chuyển sang cây trồng chuối, bưởi và các loại cây ăn quả. Thêm vào đó, nhiều xã được quy hoạch vùng phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ với mục tiêu sẽ lên phường. Việc quy hoạch, phát triển dự án liên kết cây trồng theo mô hình CĐL cần tính toán để tránh tình trạng phê duyệt rồi nhưng không thể triển khai.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều