Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy cơ và cách phòng ngừa phơi nhiễm HIV

09:07, 30/07/2012

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, hiện nay không chỉ nhân viên ngành y tế hay công an - những người tiếp xúc trực tiếp hay thường xuyên chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV mới có nguy cơ phơi nhiễm HIV mà ngay cả người dân cũng có nguy cơ phơi nhiễm HIV.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, hiện nay không chỉ nhân viên ngành y tế hay công an - những người tiếp xúc trực tiếp hay thường xuyên chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV mới có nguy cơ phơi nhiễm HIV mà ngay cả người dân cũng có nguy cơ phơi nhiễm HIV.

* Khi nào có nguy cơ lây nhiễm HIV?

Theo bác sĩ Võ Thị Kim Loan, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, khi nào có sự tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch tiết của cơ thể người có HIV thì khi đó sẽ có nguy cơ lây nhiễm HIV. Cụ thể là:

Nhân viên y tế là một trong những đối tượng có nguy cơ cao bị phơi nhiễm HIV. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Nhân viên y tế là một trong những đối tượng có nguy cơ cao bị phơi nhiễm HIV. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

- Quan hệ tình dục với người có HIV mà không sử dụng bao cao su.

- Máu, chất dịch cơ thể của người có HIV dính vào các vùng da bị tổn thương (chàm, bỏng, vết loét, xây xát từ trước), hoặc văng vào niêm mạc (mắt, mũi, họng...).

- Tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người có HIV bị vỡ đâm vào.

- Vết thương do bị kim tiêm hoặc các dụng cụ sắc nhọn đã hoặc đang dùng cho người có HIV đâm vào.

Để đánh giá tình trạng phơi nhiễm cần chú ý: Nếu máu và dịch tiết của người có HIV văng, dính vào những vùng da lành (không bị tổn thương hay xây xước) thì không có nguy cơ lây nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm cũng thấp khi tổn thương da xây xát cạn, không chảy máu hoặc chảy máu ít.

Những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao là khi máu và chất dịch của người có HIV bắn vào các tổn thương da sâu, rộng, chảy nhiều máu, các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét rộng từ trước.

* Cách xử trí khi có nguy cơ phơi nhiễm HIV

Trước hết, cần xử lý vết thương ngay tại chỗ: đối với những tổn thương da gây chảy máu, cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước sạch (lưu ý là không được kỳ cọ vết thương, chỉ để vòi nước xối vào vết thương). Sau đó, để vết thương chảy máu trong một thời gian ngắn, tuyệt đối không nặn máu mà để máu tự chảy. Cuối cùng, rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch, rồi sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn, như: Dakin, javel 1/10 hoặc cồn 700 trong thời gian ít nhất 5 phút.

Toàn tỉnh hiện có 6 phòng khám điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV. Trong đó có 5 phòng khám dành cho người lớn và một phòng khám dành cho trẻ em nhiễm HIV đặt tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ngoài ra, tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, Bệnh viện da liễu và Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố đều có các bộ phận, khoa, phòng làm công tác tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện. Để có số điện thoại của những trung tâm này, bạn có thể gọi đến số 1080 để nhận được số điện thoại tư vấn ở trung tâm gần nhất nơi bạn sinh sống. Các bác sĩ và tư vấn viên ở những trung tâm trên sẽ trao đổi với bạn một cách riêng tư, kín đáo.

Trong trường hợp bị máu hoặc dịch tiết của người có HIV bắn vào mắt, mũi, cần rửa mắt hoặc nhỏ mũi bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong năm phút. Nếu bắn vào miệng thì cần súc miệng bằng dung dịch NaCl 0,9% nhiều lần.

* Điều trị phơi nhiễm bằng thuốc kháng virus HIV (ARV)

Đối với những trường hợp không có nguy cơ lây nhiễm thì không cần điều trị. Với những trường hợp có nguy cơ thấp hoặc nguy cơ cao đều có thể điều trị dự phòng bằng ARV.

Cần tiến hành điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, càng sớm càng tốt. Tốt nhất là điều trị ARV sớm 2-6 giờ sau khi bị phơi nhiễm và không nên điều trị muộn sau 72 giờ. Thời gian điều trị ARV kéo dài trong 4 tuần. Trong thời gian điều trị dự phòng ARV, cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc ARV. Đồng thời, người bị phơi nhiễm cần xét nghiệm HIV sau 1, 3 và 6 tháng kể từ thời điểm bị phơi nhiễm. Sau 6 tháng xét nghiệm HIV mà cho kết quả HIV (-), người bị phơi nhiễm có thể yên tâm rằng đã không bị lây nhiễm HIV trong tình huống đó. Trường hợp có kết quả HIV (+) thì người nhiễm sẽ tiếp tục được điều trị ARV tại các phòng khám điều trị ngoại trú dành cho người nhiễm HIV.

Bích Hường (ghi)

 

 

Tin xem nhiều