Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngừa trộm điện từ đâu?

10:11, 14/11/2012

Mặc dù ngành điện đã có nhiều cố gắng trong lĩnh vực ngăn ngừa và xử lý các vi phạm về điện nhưng cho đến nay, nhiều nơi vẫn xuất hiện tình trạng mất cắp điện, gây tổn thất điện năng cho nhà nước và mất an toàn lưới điện cũng như ảnh hưởng đến chất lượng điện người dân sử dụng.

Mặc dù ngành điện đã có nhiều cố gắng trong lĩnh vực ngăn ngừa và xử lý các vi phạm về điện nhưng cho đến nay, nhiều nơi vẫn xuất hiện tình trạng mất cắp điện, gây tổn thất điện năng cho nhà nước và mất an toàn lưới điện cũng như ảnh hưởng đến chất lượng điện người dân sử dụng.

Bằng nhiều chiêu thức khác nhau, từ câu móc trực tiếp trên trụ hạ thế xuống, hoặc đấu nối phần dây điện trước khi đi qua đồng hồ… nhiều đối tượng đã ăn cắp trắng trợn hàng triệu đồng tiền điện mỗi tháng.

* Những hành vi liều lĩnh

Theo một nhân viên điện lực, việc câu móc trực tiếp dây từ hệ thống điện ngoài đường vào thẳng nhà dân là hành vi rất nguy hiểm, dẫn đến cháy nổ.

Nhân viên Điện lực Thống Nhất đang gỡ dây từ những hộ “xài chùa” điện. Ảnh: M. Đăng
Nhân viên Điện lực Thống Nhất đang gỡ dây từ những hộ “xài chùa” điện. Ảnh: M. Đăng

Để qua mặt ngành chức năng, những đối tượng trộm điện thường thực hiện vào buổi tối. Điều này hết sức liều lĩnh vì quá trình thao tác câu dây, coi như đã tự đưa mình vào hoàn cảnh rất có thể phải trả giá bằng mạng sống. Chưa kể lúc trời mưa, khi đầu tiếp xúc của dây điện lỏng lẻo, không được bịt kín rất dễ xảy ra tình trạng chập điện, nhiễm điện ra khu vực xung quanh. Trong khi đó, những đối tượng ăn cắp kiểu này lại thường chọn trụ điện có nhiều dây đan xen nhau để dễ bề che giấu đường dây điện “lậu”. Chính vì thế khi xảy ra mưa bão, dây điện câu móc tạm bợ sẽ là nguyên nhân lớn gây ra hỏa hoạn, chập mạch điện. Nguy hiểm hơn, dòng điện theo nước mưa trên sợi dây sẽ truyền vào cây cối, mái nhà, nếu ai không may đụng đến rất dễ mất mạng.

* Giải pháp nào ngăn chặn?

Trước tình trạng ăn cắp điện diễn khá phổ biến ở nhiều địa bàn trên toàn tỉnh, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đã đề ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, trong đó, cơ bản là tăng cường công tác kiểm tra đường dây điện. Kiên quyết xử lý mọi trường hợp trộm điện dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn thường xuyên lặp lại, chẳng khác gì kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”, bởi khi nhân viên điện lực đi khỏi thì đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi ăn cắp điện, bất chấp những cảnh báo và sự nguy hiểm.

Điện năng là một loại hàng hóa đặc thù, là động lực để phát triển sản xuất và đời sống xã hội. Trong những năm qua, hoạt động của ngành điện luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, đầu tư. Chính vì vậy, hành vi trộm lấy điện trái phép không qua công - tơ hoặc có những tác động khác nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của đồng hồ sẽ bị xử lý thích đáng. Theo điều 7 của Luật Điện lực, các hành vi gian lận nhằm lấy điện, tùy theo mức độ mà xử lý hành chính, như: trộm cắp điện dưới mọi hình thức sử dụng vào mục đích sinh hoạt, tiêu dùng, thì mức phạt tiền thấp nhất từ 200 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng dưới 100kWh và cao nhất là 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng với số lượng từ 400 kWh đến dưới 500kWh. Đối với hành vi trộm cắp có mục đích ngoài sinh hoạt, sẽ bị phạt tiền thấp nhất là 5 triệu đồng (dưới 100kWh); cao nhất 30 triệu đồng (đến dưới 500kWh). Ngoài ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi trộm cắp số lượng lớn hơn 500 kWh thì căn cứ vào các tình tiết, mức độ vi phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ điều 138 Bộ luật Hình sự  để xử lý.

Huyện Thống Nhất là địa bàn hay xảy ra tình trạng ăn cắp điện. Nói về vấn đề này, Giám đốc Điện lực Thống Nhất Huỳnh Dũng Tiến cho hay: “Khâu quan trọng nhất trong việc xử lý tình trạng ăn cắp điện, chính là việc tuyên truyền cho bà con hiểu được việc làm này là hoàn toàn vi phạm pháp luật. Nhiều người có tâm lý “dùng chùa” nên không chịu chi tiền để lắp đồng hồ điện. Để từng bước khắc phục, hạn chế thực trạng trộm điện, thời gian tới chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất, xử phạt thật nặng những trường hợp cố tình vi phạm. Đây là điều không thể nương nhẹ, vì hành động “chôm chỉa” điện vừa gây thất thoát tiền nhà nước, đồng thời đe dọa đến an toàn cho cộng đồng dân cư trong khu vực”.

M.Đăng

 

 

 

Tin xem nhiều