Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh viêm phế quản ở trẻ em: Chớ coi thường

09:10, 15/10/2013

Thời tiết chuyển mùa đang tạo điều kiện cho các bệnh đường hô hấp ở trẻ em phát sinh, trong đó có bệnh viêm phế quản.

Một bệnh nhi bị viêm phế quản đang điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Một bệnh nhi bị viêm phế quản đang điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Thời tiết chuyển mùa đang tạo điều kiện cho các bệnh đường hô hấp ở trẻ em phát sinh, trong đó có bệnh viêm phế quản.

* Triệu chứng

Theo bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, viêm phế quản là bệnh hay gặp ở trẻ dưới 24 tháng tuổi, thường gặp nhất là 3-6 tháng tuổi. Khi mắc bệnh, các nang phế quản nhỏ bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp, thậm chí tắc nghẽn.

Triệu chứng thường gặp nhất là trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt cao. Ho ngày càng nhiều, thở khó, thở rít. Trường hợp nặng thì tím tái, lồng ngực bị rút lõm, cơn thở bị co kéo khó khăn, thậm chí ngừng thở. Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn. Thông thường, bệnh sẽ kéo dài trong 1-2 tuần, nếu được chăm sóc tốt sẽ khỏi hẳn. Nếu không, bệnh sẽ kéo dài trong nhiều tuần liền.

* Những biến chứng thường gặp

Viêm phế quản gây biến chứng suy hô hấp, viêm phổi (do dễ bị bội nhiễm), xẹp phổi, viêm tai giữa. Cần lưu ý là bệnh có thể sẽ nặng hơn, kéo dài hơn, nhiều biến chứng hơn và tử vong cũng cao hơn trong các trường hợp trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non - nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch.

Viêm phế quản là bệnh nguy cơ cao ở những trẻ sống trong vùng có dịch cúm, những trẻ sinh non, thiếu tháng, trẻ có sức đề kháng kém, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh và những trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá.

* Điều trị và phòng bệnh

Khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, bú kém, tím tái; có biến chứng (suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi...); có yếu tố nguy cơ trên... nên đưa trẻ đến bệnh viện sớm.

Với các trường hợp nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà bằng việc cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Cần cho trẻ uống nhiều nước, làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn. Có thể nhỏ mũi 2-3 giọt nước muối sinh lý, sau đó làm sạch mũi cho trẻ. Cho trẻ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tránh khói thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn và dễ trở thành bệnh hen sau này.

Muốn phòng bệnh hiệu quả, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi để trẻ tăng cường kháng thể. Mùa mưa, mùa lạnh nên giữ ấm cho trẻ. Giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bếp than, khói thuốc lá, mầm bệnh.

Uyên Uyên (ghi)

Tin xem nhiều